Đổi thay trên quê hương cách mạng Hà Quảng

Đổi thay trên quê hương cách mạng Hà Quảng
Hà Quảng là huyện giàu truyền thống cách mạng của tỉnh Cao Bằng nói riêng và cả nước nói chung. Nơi đây có hang Pác Bó - địa danh Bác Hồ từng sinh sống và làm việc sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước; xã Nà Sác - “địa chỉ đỏ”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) vào cuối tháng 9/1944; xã Sóc Hà - nơi thành lập Ủy ban hành chính lâm thời của châu Hà Quảng… Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, Hà Quảng hôm nay đang khoác lên mình một diện mạo mới, khang trang hơn. 
Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN
Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN
Xóm Pác Bó - nơi có hang Cốc Bó, vào những năm tiền khởi nghĩa, Bác Hồ “chông chênh bàn đá dịch sử Đảng”- hôm nay đã khởi sắc. Những mô hình phát triển kinh tế của đồng bào Tày - Nùng đã góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Trong số đó có mô hình trang trại của gia đình ông Hoàng Đức Tính. Nhờ sự dám nghĩ, dám làm, vượt khó vươn lên làm giàu, mỗi năm gia đình ông Tính có thu nhập trên 100 triệu đồng. Ông Hoàng Đức Tính chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở quê hương cách mạng, ông cùng nhiều người dân xóm Pác Bó luôn đoàn kết để phát triển kinh tế. Riêng gia đình ông đã đầu tư vào trồng cây mận, cây hồng, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ nguồn thu này, ông đã xây được nhà, mua những vật dụng đắt tiền và nuôi các con ăn học đàng hoàng. Xóm Hòa Mục 2 là một trong những điểm sáng của xã Nà Sác trong xây dựng nông thôn mới. Những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên san sát, đường làng, ngõ xóm, đường nội đồng được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Bà Hoàng Thị Giăng, Bí thư chi bộ xóm Hòa Mục cho biết, Nà Sác vốn là "địa chỉ đỏ" trong thời kỳ trước cách mạng tháng Tám năm 1945, gắn với nhiều câu chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có việc Người ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) vào cuối tháng 9/1944. Phát huy truyền thống đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân xóm Hòa Mục 2 luôn phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, cả xóm có 69 hộ thì 98% số hộ có nhà xây kiên cố cấp 2, cấp 3. Với trên 24 ha đất nông nghiệp, người dân đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng cây trồng đều tăng qua các năm. Thu nhập bình quân khoảng 16 triệu đồng/người/năm… Tại xã Sóc Hà (Hà Quảng), ngày 11/3/1945, quân Nhật ở Cao Bằng nổ súng tấn công Pháp. Tin tức về cuộc đảo chính của Nhật được đưa đến Hà Quảng làm cho Pháp và tay sai hoảng loạn. Nắm bắt thời cơ, ngày 12/3/1945, đoàn quân cách mạng hơn 100 người mang theo các loại súng kíp, súng săn, giáo mác, gậy gộc... tiến đánh đồn Sóc Giang. Ngày 13/3/1945, tại Lũng Vài (Sóc Hà) đã diễn ra cuộc mít tinh lịch sử, lập ra Ủy ban hành chính lâm thời của châu Hà Quảng. Từ đây, phong trào cách mạng phát triển rộng khắp trong tỉnh Cao Bằng. Đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Cùng với khí thế cả nước, Tỉnh ủy và Ủy ban  hành chính lâm thời Cao Bằng đã khẩn trương thành lập Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Hoàng Đình Giong làm trưởng ban. Sáng 21/8, quân, dân ta làm chủ đồn Sóc Giang và châu lỵ, chính quyền cách mạng chính thức được thành lập, ra mắt nhân dân. Đã 74 năm trôi qua, giờ đây, xã Sóc Hà đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch UBND xã Sóc Hà Nông Đức Thuận cho biết, những năm gần đây, đời sống người dân trong xã được cải thiện đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt trung bình 13%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 48 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm… Đến nay, xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu cuối năm 2019 về đích nông thôn mới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kì 2015 - 2020, kinh tế huyện Hà Quảng tiếp tục có bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm tăng trên 7%; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân trên 10%/năm (năm 2018 đạt trên 25 tỷ đồng, đến nay thu nhập bình quân đạt trên 14 triệu đồng/người/năm)… Huyện Hà Quảng đã có ba xã về đích nông thôn mới (Trường Hà, Đào Ngạn, Phù Ngọc), phấn đấu đến hết năm 2019 có thêm xã Sóc Hà về đích xây dựng nông thôn mới… Ông Dương Văn Võ, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng cho biết, thời gian tới, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, với tinh thần “đoàn kết, đổi mới, phát triển”, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Trong đó, huyện tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; triển khai hiệu quả các nguồn lực cho công tác giảm nghèo và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cùng với đó, huyện không ngừng củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Hà Quảng ngày càng phát triển.

Chu Hiệu
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm