Đổi thay ở bản người Dao Đồng Măng

Đổi thay ở bản người Dao Đồng Măng

Bản Đồng Măng có 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, thuộc xã vùng cao Trung Sơn của huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Những năm trước đây, Đồng Măng gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài, nhất là khi trời mưa, đường trơn trượt và nước lũ ở các sông suối dâng cao. Nhưng vài năm nay, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đồng Măng được khoác trên mình một diện mạo mới, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay hiện hữu, niềm hân hoan phấn khởi đầy ắp trong câu chuyện của người dân tộc Dao nơi đây.

Đổi thay ở bản người Dao Đồng Măng ảnh 1Bản Đồng Măng yên bình nép mình giữa những dãy núi cao. Ảnh: baophutho.vn


Khu Đồng Măng nằm ở thượng nguồn ngòi Giành, tiếp giáp với huyện Văn Chấn (Yên Bái), trong một lòng chảo dưới chân núi Tranh Yên và núi Tây, bao quanh là núi non trùng điệp hiểm trở, đường đi lại khó khăn. Trước đây, các hộ dân ở bản Dao Đồng Măng vẫn duy trì đời sống theo hướng tự cung, tự cấp. Đến năm 2004, lần đầu tiên một con đường từ trung tâm xã Trung Sơn được mở về Đồng Măng. Mặc dù vẫn là đường đất, bề rộng của đường chỉ đủ cho xe máy, xe đạp lưu thông nhưng đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu buôn bán của bà con trong bản.

Năm 2008, Đồng Măng được xây dựng nhà văn hóa, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở và mầm non. Năm 2014, sau chuyến công tác của các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm đồng bào vùng Sáu Khe Trung Sơn, máy xúc, máy ủi đã được kéo vào Đồng Măng. Theo đó, đường vào bản được mở rộng, cây keo, cây quế của bà con đến kỳ thu hoạch không còn lo ế mà đã có tư thương đánh ô tô vào tận bản thu mua. Tết 2018, sau gần một năm dựng cột, kéo dây, lần đầu tiên người dân Đồng Măng được sử dụng điện lưới quốc gia, đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt.

Trở lại Đồng Măng lần này, bức tranh no ấm của bản Dao đã thêm những màu sắc tươi mới. Đường vào Đồng Măng đoạn từ khu Dích vào chân núi Tranh Yên dài hơn 2 km đã được đổ bê tông rộng rãi. Những điểm qua suối Ngòi Giành đã được thay bằng cầu hoặc tràn bê tông. Hương thơm nồng nàn của mùa lúa chín quyện cùng hương quế, hương keo, bạch đàn lan tỏa khắp con đường về bản. Gặp chúng tôi tại điểm trường mầm non Đồng Măng mới được hoàn thành, già làng Phùng Sinh Huyện phấn khởi nói: Bản Dao đã đổi thay rồi. Hồi chưa có đường, hiếm lắm mới thấy xe ô tô chạy; xe máy thì đoạn đi, đoạn phải dắt, đi lại cực lắm. Nhà nghèo cũng cố vay mượn sắm cái xe máy làm phương tiện chở ngô, chở sắn đi bán, vậy mà, ngô, sắn thu hoạch xong cứ “nằm” ở nhà vài tháng, chờ lúc nào đường khô mới xuống chợ bán được. Có điện, có đường, có trường học cho các cháu học sinh nên bà con trong bản vui lắm. Bây giờ xem ti vi, biết nhiều cách để sản xuất tốt, đường xá đi lại thuận lợi nên cuộc sống cũng khá hơn, ai cũng muốn thoát nghèo, ai cũng cố gắng lao động. Từ 100% hộ dân là hộ nghèo đến nay theo số liệu mới nhất chỉ còn 16/61 hộ nghèo, chiếm 26,2%. Dù là bản xa xôi nhất của xã Trung Sơn nhưng Đồng Măng có 5 người học xong cao đẳng, đại học và hàng chục em đang theo học các cấp học tại xã, huyện và tỉnh.

Cũng theo già làng Phùng Sinh Huyện, đồng bào người Dao Đồng Măng trước đây là người làng Diềm bên Khe Nhao, xã Nghĩa Tân, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Những năm 1963 – 1964, một bộ phận người Dao làng Diềm vượt núi sang Đồng Măng lập bản mới. Đến năm 1996, khi có hơn 20 hộ, bản Đồng Măng mới chính thức được thành lập và trở thành một khu dân cư của xã Trung Sơn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế phát triển, đời sống tinh thần được nâng lên cũng là cơ hội để các phong tục tập quán của người Dao được khôi phục và giữ gìn. Người Dao nơi đây cũng đã biết phát huy những mặt tích cực và xóa bỏ những tập quán hủ tục còn lạc hậu, như việc hôn nhân cận huyết; lễ cấp sắc, tết nhảy hay việc cưới của người Dao Đồng Măng ngày nay không còn thách cưới bạc nén, mổ lợn, giết gà nhiều nhưng mà vui và giữ được nét đặc sắc rất riêng của dân tộc mình.

Trưởng khu kiêm Bí thư Chi bộ khu Đồng Măng Phùng Xuân Doanh cho biết, trước đây do trình độ dân trí thấp nên bà con chỉ trồng ngô, trồng sắn và khai thác các sản vật từ rừng để sống qua ngày. Nghèo đói, túng thiếu đeo bám người dân bản. Thậm chí, vào những ngày Tết, vẫn có nhà đi vay gạo ăn nên không khí xuân vô cùng ảm đạm và buồn tẻ. Những năm gần đây, được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền vận động bà con trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà theo hướng hàng hóa, đời sống nhân dân đã đổi thay nhanh chóng. Từ nuôi lợn gà theo hình thức truyền thống thả rông, nay bà con đã xây dựng chuồng trại kiên cố, sạch sẽ đầu tư thức ăn chăn nuôi và nuôi với số lượng lớn.

Đức tính cần cù lao động cộng với kiến thức trong chăn nuôi đã giúp cho nhiều hộ thu về vài chục triệu đồng/năm. Có được nơi ở ổn định, bà con chú trọng đầu tư cho con đi học lấy cái chữ, đến nay tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đến trường đạt 100%; thanh niên trong bản ai cũng biết đọc, biết viết... Cùng với nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên, bà con tham gia trồng rừng kinh tế. Nhiều nhà đã bán được vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng tiền gỗ rừng trồng. Hiện 100% số hộ đều có rừng và không bỏ trống bất cứ một diện tích nào.

Không chỉ phát triển mạnh về kinh tế, bà con nơi đây còn luôn giữ mối đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; nhắc nhở nhau chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, mặc dù là địa phương có tới 70 người đi làm ăn xa nhưng Đồng Măng không có người vi phạm pháp luật, không có người nghiện ma túy. Các ban, ngành đoàn thể trong bản luôn phát huy tốt vai trò của mình, cùng nhau ngăn chặn mọi thói hư tật xấu.

Những hộ nào quá khó khăn, khu huy động bà con giúp đỡ ngày công để tu sửa nhà cửa; hộ nào đau yếu đến ngày mùa thì giúp cấy lúa, trồng ngô. Nhiều hộ khó khăn quá không sắm được Tết, bà con lại đồng lòng góp gạo, góp thịt và bánh ủng hộ để mọi người cùng đón Tết vui vẻ. Tết Canh Tý 2020, mặc dù bản không làm Tết nhảy nhưng nhiều nhà tổ chức làm lễ cấp sắc. Ngày Tết người dân bản đi làm ăn xa về ăn Tết tại bản đều tham gia các lớp dạy và học chữ Dao, học những bài hát, điệu múa của dân tộc; học thêu thùa, may vá trang phục truyền thống; làm các món ăn dân tộc; lưu truyền các trò chơi dân gian; giữ gìn tiếng nói dân tộc thông qua giao tiếp hàng ngày và dạy cho những người trẻ chữ viết của dân tộc mình.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn như thiếu đất sản xuất, đường giao thông hay bị sạt trượt ta luy mỗi khi có mưa lớn, nhưng cuộc sống của người Dao ở bản Đồng Măng đã ấm no hơn. Khi dự án làm đường vào bản Đồng Măng và dự án hồ chứa nước Ngòi Giành hoàn thành, với những tiềm năng tự nhiên và thế mạnh của mình, Đồng Măng hoàn toàn có thể phát triển du lịch cộng đồng. Với sự nỗ lực vươn lên, không cam chịu đói nghèo của cán bộ, đảng viên và người dân, trong tương lai không xa, bản Dao Đồng Măng nơi thượng nguồn ngòi Giành chắc chắn sẽ bứt phá đi lên.

Trung Kiên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm