Đổi thay nông thôn mới nơi vùng cao Sơn La

Một góc nông thôn mới, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN.
Một góc nông thôn mới, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, bộ mặt nông thôn ở tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới Sơn La đã có nhiều thay đổi tích cực, cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ngày một nâng cao, môi trường được cải thiện và an ninh trật tự khu vực nông thôn được đảm bảo.

Đa dạng hóa huy động nguồn lực

Là xã vùng II của huyện Phù Yên, Tân Lang có 11 bản, với 1.618 hộ, gồm 4 dân tộc Mường, Kinh, Dao, Thái cùng sinh sống. Nghề nghiệp chủ yếu của người dân là sản xuất nông nghiệp và kinh doanh, buôn bán, dịch vụ, vận tải. Năm 2011, bước vào xây dựng nông thôn mới, Tân Lang mới đạt 5/19 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo 44,7%; trình độ dân trí và nguồn lực lao động chưa đồng đều...

Sau 10 năm thực hiện, đến nay, bộ mặt nông thôn của xã Tân Lang ngày một khang trang, xanh, sạch, đẹp; kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được đầu tư, nâng cấp, xây dựng; sản xuất nông lâm nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế. Số hộ nghèo của xã giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Đặc biệt, Tân Lang đã đạt 19/19 tiêu chí và đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tân Lang cho biết, đến nay, tất cả các tuyến đường liên xã được đổ nhựa và bê tông hóa. Các tuyến đường liên bản được bê tông hóa đạt 79,3%. Các bản đều có nhà văn hóa và tất cả hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt 95%. Xã có mức thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 36,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,73%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội đạt 90%. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tự hào xã Tân Lang đạt chuẩn nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Viện ở bản Diệt cho biết, trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới, gia đình ông và người dân đã cùng chính quyền địa phương tham gia, đóng góp ý kiến để lập đề án quy hoạch nông thôn mới của xã. Đồng thời, đóng góp tiền, ngày công lao động trong xây dựng giao thông nông thôn, tự nâng cấp chỉnh trang nhà ở, biết giữ vệ sinh môi trường chung, giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

Như Tân Lang, Tô Múa là xã vùng II thuần nông của huyện vùng cao Vân Hồ, trước khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn và nhiều tiêu chí chưa đạt. Nhưng sau 10 năm thực hiện, đến nay, Tô Múa đã đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Chủ tịch UBND xã Tô Múa Hà Văn Thuần thông tin, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã Tô Múa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện và vận dụng triển khai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Xã đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được đảm bảo đủ nước tưới chủ động; thu nhập bình quân đạt 36,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 9,38%...

Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Tô Múa cho biết, xây dựng nông thôn mới cấp xã cần làm tốt việc tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, phải có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm tình hình của địa phương, tránh rập khuôn, máy móc. Mặt khác, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới theo phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ; tập trung quyết liệt để thực hiện các công trình trọng tâm và thiết thực của dân, vừa tạo khí thế phấn khởi cho dân, vừa nuôi dưỡng sức dân, vừa được lòng dân. Từ đó, khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân.

Ông Lường Thanh Bình, bản Mến, xã Tô Múa chia sẻ, từ khi xây dựng nông thôn mới, người dân được hưởng lợi rất nhiều. Diện mạo nông thôn mới của xã có nhiều đổi thay, các công trình giao thông nông thôn được nâng cấp và cải tạo đi lại dễ dàng, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa và người dân tích cực lao động sản xuất. Đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Đổi thay nông thôn mới nơi vùng cao Sơn La ảnh 1Một góc nông thôn mới, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN.

Tạo nền tảng vững chắc

Là tỉnh có nhiều khó khăn, năm 2011, bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sơn La chỉ có 3 xã đạt 6 tiêu chí, 180 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá đạt 1,61 tiêu chí/xã và các tiêu chí chưa đạt là những tiêu chí hết sức khó khăn như: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, sản xuất nông nghiệp manh mún, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn mới đạt 13 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn rất cao 40,15%....

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh Sơn La cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, cũng như các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở với quyết tâm chính trị cao và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.

Đáng chú ý, 100% số xã có đường đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định, tạo được các vùng sản xuất hàng hóa; năng suất chất lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng cao. Tái cơ cấu kinh tế nông lầm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo thu nhập cho người dân; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết với doanh nghiệp, mở rộng các ngành sản xuất hàng hóa tập trung; tổ chức sản xuất sản phẩm an toàn hiệu quả; nâng cao hiệu quả kinh tế hộ.

Đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân toàn tỉnh đạt năm 2020 đạt trên 44 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 18,62%; an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo và dân chủ ở cơ sở được phát huy.

Đổi thay nông thôn mới nơi vùng cao Sơn La ảnh 2Một góc nông thôn mới, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN.

Có thể thấy, xây dựng nông thôn mới ở Sơn La được thực hiện đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong khu vực nông thôn. Từ chỗ chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, không còn xã khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí về nông thôn mới và thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Sơn La luôn nhận thức sâu sắc được vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu “Thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bên vững, trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng công nghệ cao của vùng Tây Bắc”.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Sơn La đạt mục tiêu tổng quát xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí cao, môi trường sinh thái được bảo vệ… Tỉnh Sơn La Phấn đấu đến hết năm 2025 có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 30% các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu; 50% các bản đạt nông thôn mới…

Nguyễn Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm