Tăng cường khả năng điều trị tai biến do lặn biển

Tăng cường khả năng điều trị tai biến do lặn biển
Vết bỏng trước và sau khi điều trị bằng oxy cao áp. Ảnh: TTXVN phát
Vết bỏng trước và sau khi điều trị bằng oxy cao áp. Ảnh: TTXVN phát
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Chi, Viện trưởng Viện Y học Biển Việt Nam khẳng định: Lực lượng lao động trên biển đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, việc điều trị các bệnh lý xảy ra trong môi trường nước, đặc biệt là các tai biến do lặn biển ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế do thiếu nhân lực và phương tiện chuyên dụng. Thời gian gần đây, việc nghiên cứu ứng dụng chuyên ngành y học dưới nước và ô xy cao áp trong lâm sàng để cấp cứu các ca tai biến lặn, những cấp cứu nội, ngoại khoa khác và điều trị nhiều loại bệnh lý đang được triển khai tại một số cơ sở y tế biển và các bệnh viện đa khoa, phục hồi chức năng tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngày 19/6/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2539 về Quy trình kỹ thuật điều trị bằng ô xy cao áp. Việc ban hành quyết định này không chỉ giúp các bệnh viện có thêm một hướng điều trị hiệu quả mới, mà còn giúp bệnh nhân được sử dụng bảo hiểm khi điều trị bằng ôxy cao áp. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Trung tâm Y học dưới nước và ô xy cao áp (Viện Y học Biển Việt Nam) cho biết: Tại Việt Nam có khoảng 700.000 ngư dân làm nghề khai thác thủy sản, trong đó tỉ lệ tai biến lặn ở ngư dân đánh bắt xa bờ tại Việt Nam rất cao, chiếm trên 50% các ca lặn. Ngoài nguyên nhân là do ngư dân không trang bị thiết bị bảo hộ cần thiết, ngoài ra còn do các trường hợp đang ở độ sâu lớn trên 30m nhưng trồi lên mặt nước quá nhanh khiến cơ thể không thích ứng được với môi trường. Đa số các trường hợp tai biến lặn xảy ra là do giảm áp. Theo đó, trong môi trường áp suất cao, các chất khí bị hòa tan vào máu và khuếch tán vào trong các mô. Khi áp suất giảm xuống đột ngột hoặc quá nhanh sẽ dẫn đến các phản ứng hóa - sinh trong cơ thể dẫn tới vỡ tế bào, tràn khí dưới da, gây tắc mạch. Quá trình điều trị tai biến lặn do giảm áp sẽ gồm hồi sức tích cực trong môi trường cao áp kết hợp với điều trị bằng ô xy cao áp để giải phóng các bóng khí chèn ép mạch máu, tăng khả năng biến hình của hồng cầu giúp giảm hiện tượng đông máu và rối loạn tuần hoàn. Đối với các trường hợp ngạt khác gây thiếu ô xy trong cơ thể thì điều trị bằng ô xy cao áp sẽ thúc đẩy ô xy đưa vào cơ thể, làm tăng khả năng thấm vào các mô này để phục hồi các chức năng bị tổn thương do thiếu ô xy nhất là với não, tim, gan, thận.
Bệnh nhân điều trị bằng oxy cao áp tại Trung tâm Y học dưới nước và Oxy Cao áp, Viện Y học biển Việt Nam. Ảnh: TTXVN phát
Bệnh nhân điều trị bằng oxy cao áp tại Trung tâm Y học dưới nước và Oxy Cao áp, Viện Y học biển Việt Nam. Ảnh: TTXVN phát
Viện Y học Biển Việt Nam đã ứng dụng ô xy cao áp điều trị cho các trường hợp tai biến lặn, các trường hợp ngộ độc khí, ngạt rất hiệu quả. Ngoài ra, Viện còn ứng dụng ô xy cao áp trong điều trị cho bệnh nhân phù não, nhồi máu não, trong đó, có những trường hợp cấp cứu đã bị bệnh viện khác trả về do các phương pháp điều trị khác không còn tác dụng. Về việc ứng dụng ô xy cao áp tại tỉnh Khánh Hòa, bác sĩ Đoàn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng Khánh Hòa, chia sẻ: Báo cáo nghiên cứu về tai biến lặn trên 668 ngư dân lặn của hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa giai đoạn 1997- 2000 cho thấy, tỉ lệ tai biến giảm áp chiếm đến 34,4%, tỉ lệ tử vong là 6,4%, trong đó có tới 24,7% bệnh nhân mắc bệnh giảm áp bị bại liệt trên 3 tháng vẫn chưa phục hồi. Đứng trước yêu cầu cấp bách về điều trị cho ngư dân, Tổ ô xy cao áp được triển khai tại Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng Khánh Hòa từ năm 2003. Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm trung bình bệnh viện đã tiếp nhận 50 ca mắc bệnh giảm áp, góp phần quan trọng trong việc điều trị các tai biến do lặn biển cho ngư dân tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh lân cận.
Minh Thu

Có thể bạn quan tâm