Sinh "thuận tự nhiên" và nguy cơ đối mặt nhiều biến chứng sản khoa

Sinh "thuận tự nhiên" và nguy cơ đối mặt nhiều biến chứng sản khoa
Về phong trào sinh "thuận tự nhiên"

Vào thời điểm năm 1900, có đến 95% sản phụ Mỹ sinh con tại nhà. Nhưng đến giữa thế kỷ 20, hầu hết sản phụ đều phải đến bệnh viện để sinh con. Nhờ đó, số lượng ca tử vong thai sản giảm đáng kể đến 90% ở những nước tiên phong trên thế giới. Nhưng thời kỳ đó, các sản phụ nhập viện thường có những quy trình giống nhau và rất nhiều người đã phải sinh mổ khi không thực sự cần thiết.

Những năm 1950, bác sĩ sản khoa người Pháp Fernand Lamaze và bác sĩ người Anh Grantly Dick Read đã khởi xướng phong trào "tự sinh", với mục đích cân bằng lại quyền lựa chọn giữa bác sĩ, bà đỡ với sản phụ. Chất lượng các ca sinh nở, nhờ đó cũng bắt đầu được nâng lên với sự xuất hiện của người chồng trong phòng sinh khi vợ vượt cạn. Tuy nhiên, việc có quá nhiều sản phụ phải sinh mổ khi nhập viện và cả sự xói mòn trong y đức, cộng với sự xuất hiện của mạng xã hội đã khuếch đại trào lưu tự sinh dần đi xa khỏi mục tiêu ban đầu. Đến năm 2014, tại Mỹ có 30.000 sản phụ tự sinh tại nhà. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên nhưng chưa bao giờ chiếm hơn 1% tổng số ca sinh.

Hiện nay, phương pháp sinh tự nhiên đã được ứng dụng nhiều tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada... Để thực hiện phương pháp này, mặc dù không đến bệnh viện nhưng sản phụ luôn có sẵn một ê kíp hỗ trợ, từ bác sĩ chuyên môn cho đến chuyên viên tư vấn tâm lý cùng các trang thiết bị y tế cần thiết tại nhà. Khi sản phụ chuyển dạ, toàn bộ ê kíp sẽ có mặt để theo dõi hỗ trợ, đảm bảo quá trình sinh nở diễn ra an toàn và theo trình tự.

Tuy được ngày càng nhiều người quan tâm và lựa chọn, nhưng Tạp chí Sản phụ khoa Mỹ đã đưa ra những con số báo động để thấy sự bất lợi của tự sinh. Khi tự sinh, tỷ lệ chết non cao gấp 10 lần và tỷ lệ gặp vấn đề thần kinh đối với trẻ cao gấp 4 lần. Đồng thời, tỷ lệ trẻ sơ sinh không có mạch hoặc không thở chiếm 1,6% so với chỉ 0,16% nếu sinh tại bệnh viện.

Đối mặt với nhiều biến chứng trong và sau sinh

Nhiều năm gần đây, sinh con "thuận tự nhiên" đã bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam thông qua một số trang mạng xã hội, rồi trở thành một trào lưu len lỏi trong cộng đồng. Nhiều bà mẹ tin theo những thông tin được lan truyền trên mạng internet đã từ chối hoàn toàn sự can thiệp của y học trong quá trình sinh nở, thậm chí trong suốt quá trình thai kỳ. Họ cho rằng, những kỹ thuật y tế tiên tiến sẽ khiến bản thân và con cái họ có những nguy cơ tiềm ẩn về sau. Lại có người nói khi sinh con tại nhà, họ thấy mình tự tin và ít căng thẳng hơn việc chờ sinh ở bệnh viện.
 
Tháng 4/2019, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đã cứu sống một sản phụ bị băng huyết do sinh con tại nhà. Ảnh: TTXVN
Tháng 4/2019, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đã cứu sống một sản phụ bị băng huyết do sinh con tại nhà. Ảnh: TTXVN

Nhưng đổi lại một thực tế là ngoài những trường hợp may mắn, sinh con an toàn đã có những trường hợp phải đối mặt với những biến chứng, hoặc mất mát đau đớn khi chọn phương pháp sinh thuận tự nhiên. Tại Việt Nam, đã có nhiều trường hợp bệnh viện tiếp nhận sản phụ sinh con "thuận tự nhiên" tại nhà trong tình trạng nguy hiểm. Ngày 9-11-2019, một bé gái sơ sinh được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh trong tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở, dây rốn và bánh nhau đều đã bị khô. Bé ra đời tại nhà nặng 3,1kg, nhưng trong suốt 30 phút hồi sức tích cực, tim bé vẫn không thể đập được lại.

Với điều kiện y học tại Việt Nam, cũng như theo những hướng dẫn thực hành sinh "thuận tự nhiên" đang được đề cập trên internet và nhiều trang mạng xã hội, hầu hết các trường hợp tự sinh tại nhà ở nước ta đều trong điều kiện không đảm bảo về y tế, khiến sản phụ và thai nhi dễ phải đối mặt với những biến chứng trong và sau sinh. Đặc biệt làm gia tăng nguy cơ của 5 tai biến sản khoa thường gặp là băng huyết, nhiễm trùng, vỡ tử cung, sản giật và uốn ván rốn.

Các bác sỹ cho biết, một thời gian ngắn sau khi sinh, khi dây rốn ngừng đập, sẽ không còn tuần hoàn trong bánh nhau và bánh nhau trở thành mô chết. Việc để cơ thể em bé thông nối với mô chết đang phân hủy trong khoảng thời gian 3 đến 10 ngày, thậm chí vài tuần theo cách "thuận tự nhiên", sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây nguy hiểm cho tính mạng em bé. Nhiều tổ chức y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo việc sinh con tại nhà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, không cắt dây rốn rất dễ gây nhiễm trùng cho trẻ.

Không chỉ đặt sản phụ và thai nhi vào tình thế nguy hiểm, trào lưu này đồng thời đe dọa đến các nỗ lực của ngành y tế, không chỉ của riêng Việt Nam mà cả thế giới, trong việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ và bé. Nhiều phụ nữ ở những nước đang phát triển không có lựa chọn nào ngoài tự sinh và ở những nơi đó, tỷ lệ tử vong khi sinh xảy ra khá thường xuyên. Và việc những bà mẹ được quyền lựa chọn lại chọn phương pháp đầy rủi ro này, được nhiều nhà khoa học cho rằng đang đi ngược với sự tiến hóa, cũng như những nỗ lực nâng cao tỷ lệ sống ở trẻ sơ sinh của toàn nhân loại.

Ngoài ra, hiện nay, cũng chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy lợi ích của phương pháp tự sinh đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh. Vì thế, việc cho rằng sinh "thuận tự nhiên" là tối ưu cho em bé là hoàn toàn thiếu cơ sở.

Ngày nay, lựa chọn phương pháp sinh phù hợp để hạn chế tối đa những nguy cơ gây hại đến sức khỏe của mẹ và bé, là điều mà cả sản phụ, gia đình và các bác sĩ, nhân viên y tế hướng tới. Nếu như không có quá trình theo dõi, hỗ trợ đúng mức của y học hiện đại thì quá trình mang thai lẫn sinh nở đều là những giai đoạn nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Trong quá trình theo dõi, trường hợp nào không thể sinh tự nhiên, bác sĩ sẽ hỗ trợ, can thiệp đúng phương pháp, đúng thời điểm để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và bé.

Chính vì thế, các bác sỹ khuyên rằng, các sản phụ không nên quá cực đoan trong việc lựa chọn phương pháp sinh. Mỗi sản phụ là một cá thể riêng biệt, không phải trường hợp nào cũng giống nhau. Sản phụ và gia đình nên tham khảo thông tin có chọn lọc, tuân thủ theo quy trình, quy định, phác đồ bệnh viện trong quá trình khám và sinh nở.

Thu Hạnh (tổng hợp)
TTXVN

Có thể bạn quan tâm