Lý giải khoa học về ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm không khí đối với trẻ sơ sinh

Lý giải khoa học về ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm không khí đối với trẻ sơ sinh
Khói bốc lên từ nhà máy nhiệt điện Badarpur ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Khói bốc lên từ nhà máy nhiệt điện Badarpur ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ.
Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học Bỉ phát hiện muội than sản sinh từ khí thải các phương tiện giao thông và các nhà máy điện than được tìm thấy trong nhau thai. Nhóm phụ nữ bị phơi nhiễm ô nhiễm không khí thường xuyên là đối tượng có mật độ tập trung muội than trong nhau thai cao nhất. Thực tế này đã được chứng minh của kết quả phân tích hình ảnh có độ phân giải cao chụp nhau thai của 23 ca sinh đủ tháng và 5 ca sinh thiếu tháng. Đáng lo ngại, ở tất cả các trường hợp, muội than tập trung tại phần mặt của nhau thai tiếp giáp với phôi thai.

Theo các nhà khoa học, nhau thai có thể xem là "hàng rào" bảo vệ thai nhi trước các hạt độc hại này. Tuy nhiên, sự xuất hiện của muội than trong nhau thai có thể làm tổn hại đến cơ quan có chức năng quan trọng cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi, hỗ trợ đào thải chất thải và trao đổi không khí qua máu với cơ thể người mẹ này. Các nhà khoa học cho rằng chức năng nhau thai suy giảm có thể là nguyên nhân khiến trẻ nhẹ cân khi được sinh ra.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương do chất lượng không khí kém qua trong quá trình phát triển của thai nhi. Việc bị phơi nhiễm không khí ô nhiễm có thể dẫn đến sự biến đổi, cũng như tổn thương vĩnh viễn đối với mô phổi. Do đó, qua nghiên cứu này, các nhà khoa học muốn cảnh báo về tình trạng ô nhiễm muội than trong không khí là đáng quan ngại dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không xem đây là một loại ô nhiễm đặc thù. Theo báo cáo mới nhất của WHO, hơn 90% trẻ em hiện đang sống trong môi trường ô nhiễm không khí vượt quá quy định an toàn của tổ chức này.
Lan Phương
 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm