Các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh giảm bệnh nhân mùa dịch COVID-19

Các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh giảm bệnh nhân mùa dịch COVID-19
Nhiều bệnh viện sụt giảm người bệnh
Là một trong những bệnh viện có lượng người khám bệnh đông nhất khu vực phía Nam nhưng những ngày gần đây tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh số lượng người bệnh có dấu hiệu sụt giảm. Bác sỹ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp cho biết, nếu như trước đây mỗi ngày bệnh viện tiếp đón khoảng 5.000-6.000 lượt khám bệnh thì nay đã giảm xuống còn hơn 4.000 lượt khám.
Phẫu thuật thần kinh bằng hệ thống rô-bốt Modus V Synaptive tại Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát
Phẫu thuật thần kinh bằng hệ thống rô-bốt Modus V Synaptive tại Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Tranh thủ sửa sang lại những chiếc xe lăn dành cho các bệnh nhân nặng, thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội chia sẻ, bình thường bệnh nhân rất đông, xe lăn của bệnh viện không đủ cung cấp cho người bệnh nặng, người lớn tuổi mượn. Nhưng nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người dân đi khám bệnh giảm và lượng người bệnh cần mượn xe lăn để di chuyển cũng giảm hẳn.
 
Tương tự, tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày qua cũng ghi nhận tình trạng giảm đáng kể số lượng người bệnh. “Trước đây mỗi ngày chúng tôi đón từ 2.100-2.200 lượt khám bệnh thì nay con số này giảm chỉ còn khoảng 1.800 bệnh, tỷ lệ giảm từ 20-25% so với trước. Người dân e ngại đến những nơi đông người vì sợ lây lan dịch bệnh COVID-19 là nguyên nhân gây nên tình trạng này”, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu chia sẻ. 
 
Ghi nhận tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh - đơn vị thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân ung thư của Thành phố và các tỉnh phía Nam, những ngày gần đây cũng bắt đầu có sự sụt giảm lượng người đến khám bệnh. Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, lượt khám bệnh trong mùa dịch giảm khoảng 10% so với ngày thường. Đang chờ đến lượt khám tại Bệnh viện Ung bướu, chị Lê Thúy Vi (47 tuổi, ngụ tỉnh Long An) cho biết, cực chẳng đã chị mới phải đến bệnh viện trong thời điểm này: “Vì đau quá nên tôi mới phải đi khám chứ nếu không đau lắm thì cố chịu thôi, đến bệnh viện người đông, sợ bị nhiễm bệnh COVID-19 lắm”.
 
“Bình thường việc giảm lượng bệnh nhân đến bệnh viện là tín hiệu vui vì sức khỏe của người dân ổn định. Tuy nhiên, nếu như vì lo ngại dịch bệnh mà không đến bệnh viện để khám bệnh kịp thời là điều nguy hiểm bởi vô tình đã bỏ qua giai đoạn vàng, phát hiện sớm bệnh, đến khi bệnh nặng quá mới đi khám thì mọi việc đã không thể cứu vãn”, bác sỹ Phạm Thanh Việt, Bệnh viện Chợ Rẫy nhìn nhận.
 
Bên cạnh đó, các bác sỹ cho biết đã xuất hiện tình trạng người dân tự ý sử dụng lại toa thuốc cũ mà không tái khám theo lịch do e ngại dịch bệnh. Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quay lại tái khám là điều vô cùng quan trọng bởi đây là thời điểm người bệnh cần phải được kiểm tra, theo dõi sau một thời gian điều trị. Nếu không nguy cơ bệnh trở nặng, biến chứng, để lại hậu quả nặng nề.
 
Cùng ý kiến phản đối người bệnh tự ý sử dụng lại toa thuốc cũ, bác sỹ Phạm Thanh Việt, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, với những người bệnh có nguy cơ cao thì việc sử dụng toa thuốc cũ tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định. Đơn cử như những người bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp nếu sử dụng lại toa thuốc cũ thì hiệu quả kiểm soát đường huyết, huyết áp sẽ giảm, đến một thời điểm nào đó sẽ có những biến chứng nặng như gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não…nguy hiểm đến tính mạng.
 
Người dân yên tâm đến bệnh viện mùa dịch
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam và trên thế giới, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác sàng lọc nhằm rà soát, phát hiện sớm và cách ly những ca nghi nhiễm COVID-19. Đây là hoạt động giúp kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2, đảm bảo sự an toàn cho người bệnh, người nhà, người nuôi, người thăm và nhân viên y tế tại Bệnh viện.

Cụ thể, ngay tại cổng ra vào, Bệnh viện tổ chức sàng lọc tất cả các đối tượng vào khuôn viên bao gồm người bệnh, người nhà người bệnh, người nuôi bệnh, người thăm bệnh, đối tác đến làm việc… bằng phiếu sàng lọc 1, kiểm tra thân nhiệt, dán nhãn đối với các trường hợp đã kiểm tra sàng lọc và an toàn tại thời điểm kiểm tra, đeo vòng tay đối với người nuôi bệnh, quy định các đối tượng phải mang khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải, vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn được đặt tại các thang máy, khu vực chờ khám bệnh, trước các phòng bệnh...
 
Còn tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát cũng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng như đo thân nhiệt và sát khuẩn tay cho tất cả bệnh nhân, thân nhân, học viên, khách đến công tác và nhân viên y tế…ngay tại cổng bệnh viện.

Với các trường hợp có các yếu tố nghi ngờ như: sốt, ho, khó thở; tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19; đi nước ngoài trong vòng 14 ngày qua; người nước ngoài thì nhân viên y tế tại cổng bệnh viện sẽ tiến hành phát khẩu trang, báo cho Đơn vị Chăm sóc khách hàng, cho bệnh nhân khai tờ khai phiếu điều tra dịch tễ, nếu có yếu tố nguy cơ sẽ kích hoạt quy trình sàng lọc đã ban hành.
 
Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên diện rộng, đơn vị này đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng dịch nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, thân nhân người bệnh cũng như nhân viên y tế. Do đó, người dân hoàn toàn có thể yên tâm khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
 
Người dân khi có bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời, người bệnh có lịch tái khám cũng nên tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh của mình, tránh để tình trạng có bệnh nhưng không đi khám dẫn đến phát hiện bệnh muộn, sẽ không có cơ hội điều trị hoặc bệnh trở nặng, có những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo./. 
                Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm