Đôi nét về sự thay đổi trong hôn nhân của người Tây Nguyên hiện nay

Đôi nét về sự thay đổi trong hôn nhân của người Tây Nguyên hiện nay
Từ sau năm 1975, với sự giao thoa văn hóa vùng miền đa dạng ở Tây Nguyên và Đắk Lắk, đồng thời với những cuộc hôn nhân không thuần chất đồng tộc, đã có rất nhiều biến đổi trong quy trình đi tới kết hôn của thanh niên, nhất là với người dân tộc phía Bắc hay người miền xuôi. Tuy nhiên, hôn nhân ở những cặp đôi thuần Êđê, Mnông hoặc các tộc người tại chỗ khác, trình tự các lễ nghi vẫn giữ theo tập quán, gần như không thay đổi. Nghĩa là vẫn nhất thiết phải có đủ 4 bước: lễ hỏi, lễ thỏa thuận, lễ cưới (đón rể) và lại mặt. Cũng đôi khi hai bên đồng thuận kết hợp lễ thỏa thuận với lễ đón rể. Những tộc người phụ hệ như Banar, Xê đăng, K’ho…, việc kết hôn cũng diễn ra theo các bước trên, chỉ khác là nhà trai chủ động. Biến đổi xuất hiện rõ rệt nhất trong nội dung của các lễ, nhất là hình thức của các lễ cưới (bước thứ ba).

Sự thay đổi ở từng bước cụ thể như sau :

Trong lễ hỏi: Sau khi đôi nam nữ thanh niên đã tìm hiểu, có nhu cầu tiến tới hôn nhân và trình bày với cha mẹ, lễ hỏi (hầu hết của các tộc người mẫu hệ) sẽ vẫn do nhà gái chủ động chọn ngày, thông báo với nhà trai. Lễ vật truyền thống nhất thiết phải có chiếc vòng đồng, nếu nhà trai ưng thuận sẽ nhận chiếc vòng của nhà gái, ché rượu và con gà sống (rượu và con gà sẽ được nhà trai dùng đãi cơm nhà gái ngay trong ngày hôm đi hỏi ấy).

Ngày nay, lễ hỏi chồng không cần có vòng đồng (có khi thay vòng bằng một khoản tiền nhỏ tương ứng giá trị), rượu cần cũng được sử dụng rất ít. Thông thường nhà gái sẽ mang theo bánh kẹo, rượu trắng hoặc rượu chai, thuốc lá đến nhà trai. Có gia đình còn mang theo xôi nếp. Đây là lần đầu tiên hai bên gia đình gặp gỡ, làm quen. Thăm hỏi gia cảnh hai bên và trao đổi thống nhất việc chọn ngày làm ngày lễ thỏa thuận.
 
Đôi nét về sự thay đổi trong hôn nhân của người Tây Nguyên hiện nay ảnh 1
Đám cưới  của cặp đôi người Êđê  tại buôn  Ea Sút,  thị trấn  Ea Pốk, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk).

Lễ thỏa thuận: Thông thường đây là lễ hai bên gia đình sẽ bàn việc “thách cưới” và ngày cưới. Trong cuộc gặp gỡ này, hai bên thỏa thuận số của cải, tiền bạc nhà gái phải nộp; theo tập tục, ngoài 8 chiếc vòng đồng, phải có chăn và trang phục thổ cẩm, trâu “đền” cho mẹ, bò “đền” cho cha, heo “đền” cho các chị… Đối với người K’ho ở Lâm Đồng, mỗi phụ nữ trong gia đình nhà trai còn phải nhận được một tấm khăn choàng thổ cẩm. Hầu như tộc người nào cũng quy định trong lễ vật phải có những tấm chăn hoặc áo tự dệt theo truyền thống.

Ngày nay, lễ vật thường là mền bông, rượu, thuốc lá và tiền (số tiền này cao hay thấp tùy thuộc vào giá trị của chàng trai. Nếu chàng trai khỏe mạnh, điển trai, hay nếu đã có công ăn việc làm ổn định, thậm chí có chức vụ nào đó thì số tiền sẽ rất cao hoặc sẽ thấp xuống tùy thuộc vào thiện chí của nhà trai đối với cô gái).

Thông thường theo truyền thống, sau khi hai bên đã nhất trí được số lượng “của hồi môn” và ngày đón rể, nhà gái ra về chuẩn bị lễ vật theo yêu cầu, đến ngày rước rể sẽ mang tới. Nhưng hiện nay nhà gái có thể nộp ngay toàn bộ số của cải này, nếu đã có sự chuẩn bị; hay cũng có thể chỉ 1/3 hay 1/2, nhà trai sẽ cho phép rước rể ngay. Số vật chất nhà gái mang tới còn thiếu sẽ được trả sau một thời gian nào đó, lâu hay chóng tùy theo nguồn kinh tế và sự hứa hẹn của nhà gái. Lời hứa này rất thiêng liêng, ít khi bị bội ước. Theo tập tục, trong khi thực hiện đưa và đón rể, hai bên gia đình còn phải chuẩn bị một số vòng đồng, hoặc quy ra tiền lẻ, trả khoản “mua đường” nếu bị các nhóm trẻ nghịch ngợm chăng dây chặn lại.

Lễ cưới: Hiện nay mọi việc trong lễ cưới đã hoàn toàn thay đổi, gần như không còn chút gì của truyền thống. Nhà gái báo cho nhà trai ngày cưới, gửi thiệp mời. Đúng ngày đã định, nhà gái sẽ dựng rạp, thuê người nấu ăn. Trước giờ hôn lễ được công khai, gia đình, dòng họ nhà gái sẽ có một lễ nhỏ đón nhận chàng rể mới (như lễ gia tiên của người Kinh). Ở tộc người M’nông và Xê đăng còn có lễ trùm chăn lên cô dâu, chú rể để cầu phúc. Lúc này mọi người sẽ tùy theo hoàn cảnh kinh tế mà tặng quà cho cô dâu, chú rể (ngày nay đa số là bằng tiền và vàng). Tiếp đến, đôi vợ chồng trẻ sẽ lần lượt mời ông bà, cha mẹ, người trong dòng họ cầm cần rượu, hoặc uống ly rượu.
 
Nghi thức kết đôi trong đám cưới của cặp đôi người Êđê - Kinh tại phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Nghi thức kết đôi trong đám cưới của cặp đôi người Êđê - Kinh tại phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Bữa đãi tiệc tiếp theo không còn nữa những món ăn truyền thống như vêch, canh măng, lá bép hay đọt mây xào… lẫn hàng chục ché rượu cần. Người nhà sẽ căn cứ theo thực đơn nhà hàng đưa ra để lựa chọn món ăn. Sẽ có người dẫn chương trình và ban nhạc hát xập xình (nhiều ban nhạc toàn người dân tộc thiểu số đã được thành lập để phục vụ chính cộng đồng của mình)… Cô dâu, chú rể thuê trang phục ở các tiệm ngoài phố chứ hiếm người mặc váy áo truyền thống hoặc chỉ mặc lúc chụp ảnh cưới, làm lễ đón rể, nhận quà của gia đình, sau đó thay váy áo đầm, veston ra chào khách.

Lễ lại mặt: Sau lễ cưới ba ngày, vợ chồng phải về “lại mặt” bên nhà trai. Theo truyền thống, lúc này gia đình chồng mới trao của hồi môn cho con trai mang đi. Trước đây, tài sản được mang theo này thường là một chiếc lưỡi cuốc, một chục chén ăn cơm… Ngày nay, đây là lúc họ hàng nhà trai tùy theo hoàn cảnh, tặng quà cho chú rể mới. Sau ba ngày, hai vợ chồng lại về chung sống bên nhà gái.

Đến đây còn có một bước ngoặt nữa khác với hôn nhân truyền thống: theo phong tục, cô dâu phải “ở dâu” tại nhà chồng 3 năm, vừa làm quen với gia đình, vừa lao động để “trả công” cha mẹ đã nuôi nấng chồng mình. Tuy nhiên, hiện nay gần như tục này đã bị xóa bỏ. Thay vào đó, nhà gái nộp cho nhà trai 3 chỉ vàng để được “chuộc” con gái về. Một số tộc người khác quy định có dễ dàng hơn so với người Êđê, cặp vợ chồng có thể ở luân phiên mỗi bên một vài năm, cho đến khi được phép ở hẳn bên nhà vợ. Hoặc do hoàn cảnh neo đơn của gia đình nhà trai, nhà gái vẫn cho cô dâu cư trú ở nhà chồng.

Nếu có nhiều con gái, khi sinh con, cha mẹ vợ sẽ cắt đất làm nhà và đất rẫy cho ra ở riêng, tự xây dựng kinh tế gia đình. Thông thường chỉ còn cô gái con út ở lại chăm sóc cha mẹ. Trong trường hợp cả hai vợ chồng đều làm việc tại cơ quan nhà nước, không cư trú trong buôn, gia đình nhà gái sẽ phải có quà tặng riêng cho chú rể (như xe máy, tivi…).

Như vậy về cơ bản, hôn nhân các tộc người Tây Nguyên hiện nay, nếu không theo phụ hệ, vẫn giữ tập quán truyền thống nhà gái đi hỏi chồng, nộp “sính lễ” theo đòi hỏi của nhà trai. Đôi vợ chồng trẻ cư trú bên nhà vợ. Con sinh ra mang họ mẹ và chia tài sản cho vợ chồng, con gái. Tuy nhiên trong lễ cưới, từ thứ tư bước (lễ) đã được rút gọn xuống còn 3 lễ theo các tập tục cũ.

Những đám cưới người Tây Nguyên, dù cưới vợ hay lấy chồng, lấy người dân tộc phía khác hay người Kinh hầu hết không còn theo tập quán bản địa, mà đều do nhà trai đi hỏi và dẫn cưới, ra nhà hàng, mặc váy đầm, comple; cư trú bên nhà trai, con sinh ra mang họ cha hoặc cả hai họ…

Tại một số tỉnh Tây Nguyên hiện nay đang có xu hướng xây dựng các quy tắc chung cho hôn nhân của người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cần xem lại việc đó có thật cần thiết không? Vì trên thực tế, tập quán truyền thống vẫn được gìn giữ, chỉ có vài thay đổi về nội dung cụ thể cho phù hợp với từng hoàn cảnh hiện tại của mỗi gia đình, nhất là không thể quy định “một số điều cụ thể” cho những cuộc hôn nhân ngoại tộc. Bên cạnh đó, những đám cưới dẫu đồng tộc hay ngoại tộc cũng chưa thấy có điều gì sai pháp luật, chỉ có ở một vài nơi cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc còn nạn tảo hôn cần phải chấn chỉnh.

Nên chăng các địa phương chỉ cần biên soạn một số những quy định hoặc nhất là giới hạn (với sự trợ giúp tuyên truyền, vận động của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ngay tại cơ sở) về việc thách cưới sao cho vừa phải để vợ chồng trẻ sau đó có vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Còn việc quy định trang phục, vòng đồng, rượu cần như truyền thống… để tùy từng gia đình.
Theo baodaklak.vn

Có thể bạn quan tâm