Đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0
Đây là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia chia sẻ, phân tích thông tin về các xu hướng kinh tế, công nghệ, những mô hình liên quan đến nền công nghệ 4.0 và số hóa; về những thay đổi trong tổ chức công việc, yêu cầu mới về năng lực, kỹ năng của lực lượng lao động kỹ thuật trong giai đoạn mới.
Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
  
Theo Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,  sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 mang lại nhiều thách thức trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

Trước mắt, sẽ thay đổi việc làm, nhiều nghề cũ mất đi, nghề mới ra đời, buộc danh mục đào tạo nghề phải thay đổi. Phương thức tổ chức dạy, đào tạo, kỹ năng lao động sẽ đổi mới trên nền tảng khai thác tối đa tiềm năng cơ sở dữ liệu số, tài nguyên Internet, mạng máy tính đã có sẵn…
  
Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đang có nhiều đổi mới trong hệ thống chính sách, quy định pháp luật cùng những hoạt động thực tiễn đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhân lực ở một số ngành, lĩnh vực.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Trong đó, nhiều công nhân, kỹ sư đã tiếp cận trình độ các nước phát triển, qua đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam.
   
Phát biểu tại hội thảo, ông Andreaas Siegel, Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nhiều nước vẫn áp dụng chương trình đào tạo dạy nghề lạc hậu nên đội ngũ kỹ sư ra trường yếu về năng lực, chuyên môn.

Cụ thể, trong khảo sát ở nhiều doanh nghiệp này cho thấy, cứ 16 công việc cần người thì chỉ có 1 người đáp ứng đủ điều kiện. Chính vì thế, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thúc đẩy sự thay đổi để hướng đến nhu cầu của xã hội.
Ông Andreaas Siegel, Tổng lãnh sự Cộng hòa Liên bang Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Ông Andreaas Siegel, Tổng lãnh sự Cộng hòa Liên bang Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
  
Ông Andreaas Siegel mong Tổng cục Giáo dục nghề Việt Nam và Tổ chức hợp tác của Đức cùng các doanh nghiệp, trường dạy nghề hai nước tiếp tục đẩy mạnh phối hợp thực hiện chương trình hợp tác để đào tạo những công nhân, kỹ sư thế hệ mới đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
  
Đánh giá cao các hoạt động phối hợp trong công tác đào tạo nghề giữa Tổ chức hợp tác phát triển Đức và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là xu thế phát triển chung trên thế giới, ứng dụng tốt sẽ mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững.

Người làm công tác giáo dục đào tạo nghề cần phải đổi mới tư duy, chiến lược số. Phải có yếu tố cạnh tranh, phát triển theo mô hình hoạt động kinh doanh thông minh để tạo ra sự cạnh tranh thông minh. Khai thác tốt nền tảng dữ liệu số có sẵn; thúc đẩy phong trào sáng tạo đổi mới; đồng thời chủ động hợp tác, liên kết phối hợp nhằm mang lại giá trị ứng dụng cao.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thuơng binh và Xã hội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thuơng binh và Xã hội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
  
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân, để cuộc cách mạng 4.0 mang lại hiệu quả cho xã hội cần phải xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; kiểm soát tốt ứng dụng và làm chủ được công nghệ mới. Giáo dục nghề nghiệp phải đào tạo nghề mà nhu cầu xã hội cần, người lao động tương lai có kỹ năng tốt, chuyên môn giỏi.
   
Tại hội thảo, các chuyên gia đồng tình rằng đưa ra những giải pháp đổi mới từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường để tạo ra những lao động có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh.

Việc đổi mới phải bắt đầu từ tư duy của những người trong cuộc, sẵn sàng tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ; xây dựng mô hình đào tạo mở, tạo cơ hội tương tác nhiều hơn cho cả người dạy và người học; đồng thời gia tăng sự kết nối, chia sẻ thông tin, lợi ích cũng như trách nhiệm giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động.
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
 Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Ngay sau hội thảo đã diễn ra lễ ký kết cơ chế hợp tác “Lồng ghép các yêu cầu của nền công nghệ 4.0 vào giáo dục nghề nghiệp” giữa trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 với 9 trường Cao đẳng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam./.
  Thanh Vũ
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm