Độc đáo tục "giỗ sống" của người Nguồn

Độc đáo tục "giỗ sống" của người Nguồn
Một ngày đầu tháng 12 âm lịch năm 2016, trong không khí xuân ấm áp, tôi có dịp đến thăm cụ ông Đinh Xuân Tư (87 tuổi) và cụ bà Đinh Thị Tình (82 tuổi) ở thôn Xuân Hà 2, xã Ea Đah, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đúng lúc gia đình chị Đinh Thị Ngân (36 tuổi) – con gái út của hai cụ đang làm cơm chuẩn bị lễ “bưng cỗ Tết”.
Sau khi tự tay làm các món ăn ngon,  bày biện trên bàn cho thật tươm tất, chị Ngân mời hai cụ lại mâm cơm. Sau đó, chị vòng tay, lễ phép nói: “Thưa cha, mẹ. Nay năm hết, Tết đến, gia đình con có làm mâm cơm toàn những món ăn ngon nhất dâng lên cha mẹ. Con chúc cha mẹ luôn vui vẻ, sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi để hưởng phúc cùng con cháu”. Cụ ông đáp lời: “Chúc con năm sau làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu để năm sau ông bà được ăn nhiều món ngon hơn nữa”. Sau đó, chị Ngân kính cẩn rót rượu nếp mời mỗi cụ một ly, gắp thức ăn cho hai cụ. Hai cụ vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon.
 
Mâm cơm báo hiếu cha mẹ.
Mâm cơm báo hiếu cha mẹ.

Chị Ngân cho biết, đây là lần thứ 15 chị làm lễ “bưng cỗ Tết”. Tất cả mọi món ăn chị đều tự tay làm để thể hiện lòng thành của mình đối với cha mẹ. Mâm lễ không đòi hỏi cao lương mỹ vị, ai có gì dâng nấy, nhưng bắt buộc phải có thịt gà và bánh chưng.

Nhà cụ Tư có 8 người con, trong đó 7 người ở gần cụ. Hằng năm cứ vào tháng Chạp, hai cụ đều nhận được 7 bữa cơm báo hiếu như vậy, chỉ có cô con gái đầu lấy chồng xa ở ngoài quê Minh Hóa không “bưng cỗ Tết” được. Mỗi lần ngồi trước mâm cơm báo hiếu, hai cụ đều không giấu được niềm vui, xúc động trước tấm lòng thành kính của con cháu.

Cụ Tư cho hay, không biết tục này xuất phát từ đâu, có từ bao giờ. Thời trẻ, cụ được nghe các vị cao niên trong làng kể rằng, ngày xưa, những người con rời quê  đi làm ăn xa Tết mới về. Khi về, họ mang những món ăn ngon nhất cho cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo. Thấy việc làm ý nghĩa, những người con sống ở gần bố mẹ cũng học theo và trở thành một phong tục. Nhưng cũng có người kể, tục này bắt nguồn từ một truyền thuyết rất nhân văn rằng, thuở xưa có một gia đình nọ rất nghèo, một hôm người con lên rừng bẫy thú được con lợn rừng đem về mổ thịt chọn miếng thịt ngon nhất dâng mẹ già ăn với cơm nóng. Năm sau, vào dịp Tết Nguyên đán, người mẹ già đang bệnh nặng buột miệng: “Giá mà được ăn một bữa ngon như năm trước thì có nhắm mắt cũng thỏa lòng”. Người con dâu nghe được  kể lại cho chồng. Hai người quyết định lấy thóc giống giã gạo nấu cơm, bắt con gà cuối cùng đang đẻ, làm thịt nấu cho mẹ ăn. Ăn xong bà mẹ bỗng nhiên khỏi bệnh, mạnh khỏe trở lại. Nhà người con trai năm đó được mùa. Dân làng cho rằng trời đất cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của người con; tục “bưng lễ Tết” ra đời từ đó…
Báo Điện tử Đắk Lắk

Có thể bạn quan tâm