Độc đáo phiên chợ “mua may, bán rủi” ở Tuyên Quang

Độc đáo phiên chợ “mua may, bán rủi” ở Tuyên Quang
Chợ Thụt mang nét đặc trưng giống như chợ tình Khâu Vai của huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và chợ Viềng (Nam Định), là chợ phiên, nhưng mỗi phiên cách nhau 1 năm, vào mùng 2/2 âm lịch. Chợ Thụt thu hút đông đảo người dân từ khắp nơi về tham gia. Không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, quảng bá sản phẩm của các dân tộc nơi đây, chợ Thụt còn là nơi để các uyên ương nhau gặp gỡ, trao duyên.

Được biết, chợ Thụt có từ rất xa xưa. Bến nước ở thôn Thụt rất sâu, thuận lợi để thuyền bè của các lái buôn thường neo đậu. Thương nhân đưa muối, đường, thuốc tây... từ dưới xuôi lên bán, rồi mua gom nông sản trong vùng đưa xuôi. Sau thời gian dài bị mai một, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã cho khôi phục lại phiên chợ và trở thành ngày hội văn hóa mang nét đặc trưng của vùng.

Nét độc đáo của phiên chợ là “người mua không mặc cả, người bán không nói thách”, họ “bán điều rủi, mua điều may” nên bất kể ai đến chợ đều mua một thứ gì đó mang về để làm quà hoặc kỷ niệm: từ các hàng nông sản đặc trưng như cam sành, măng, nấm, các loại nông cụ đến các thứ bánh quê như bánh nẳng, bánh gai, bánh giầy, bánh hình con dê… Nhiều nhất vẫn là quần áo, thổ cẩm, trang phục dân tộc, mang đậm nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc ở địa phương.

Bà Đỗ Thị Thanh, du khách đến từ thành phố Tuyên Quang cho biết: “Năm nào, tôi cũng đến hội chợ Thụt để mua sắm đồ dùng, quà lưu niệm cho người thân trong gia đình với mong muốn tránh điều rủi để cả năm được may mắn. Ở đây, không ai nói thách hay trả giá nên người mua và người bán đều vui vẻ. Chợ Thụt thật sự là nơi lưu giữ hồn quê và bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của địa phương”.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên cho biết: “Hội chợ Thụt là hội chợ truyền thống đã có từ rất lâu, gần đây được bổ sung thêm một số trò chơi truyền thống như đua ngựa, chọi ngựa vào lễ hội chợ Thụt, qua đó cũng góp phần quảng bá về thế mạnh địa phương. Những năm tới, xã sẽ tiếp tục duy trì lễ hội này để gìn giữ và làm phong phú thêm nét văn hóa truyền thống của địa phương, đồng thời góp phần quảng bá các sản phẩm hàng hóa, tiềm năng du lịch của địa phương đến đông đảo du khách, nhà đầu tư gần xa”.

Đến chợ Thụt, ngoài việc được tham gia các trò chơi truyền thống như: ném còn, xem đua ngựa, mua những mặt hàng kỷ niệm mang đậm nét địa phương, du khách còn được hòa mình vào một không gian văn hóa đa sắc màu khi hầu hết người dân địa phương đều mặc các trang phục của dân tộc mình như Dao, Tày, Mông, Nùng, Pà Thẻn. Với nét độc đáo riêng có của phiên chợ vùng cao, chợ Thụt đã thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm, góp phần quảng bá các sản phẩm hàng hóa và tiềm năng du lịch của địa phương.

Một số hình ảnh tại phiên chợ:

Chợ Thụt thật sự là nơi lưu giữ hồn quê và bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của địa phương. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
 
Chợ Thụt thật sự là nơi lưu giữ hồn quê và bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của địa phương. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
 
Chợ Thụt thật sự là nơi lưu giữ hồn quê và bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của địa phương. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
 
Chợ Thụt thật sự là nơi lưu giữ hồn quê và bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của địa phương. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
 
Chợ Thụt thật sự là nơi lưu giữ hồn quê và bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của địa phương. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Chợ Thụt thật sự là nơi lưu giữ hồn quê và bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của địa phương. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Nguyễn Văn Tý

Có thể bạn quan tâm