Độc đáo Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân tại Bình Thuận

Sáng 20/8, đoàn Nghinh Ông xuất du với sự tham gia của gần 1.000 người bắt đầu xuất phát từ Quan Đế Miếu và du hành qua các đường phố nội thành Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây là phần hội quan trọng và đặc sắc nhất của Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân năm 2022. Hàng nghìn người dân địa phương và du khách khắp nơi đã đổ về các tuyến đường để cùng hòa mình vào lễ hội.

Doc dao Le hoi Nghinh Ong Quan Thanh De Quan tai Binh Thuan hinh anh 1Biểu diễn múa Rồng dài 49 mét tại Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Nghinh Ông xuất du là nghi thức rước linh vị Ông đi qua các con đường, trong đó có ghé thăm bốn Hội quán ở Phan Thiết. Từ 5 giờ sáng, xuất phát từ Quan Đế Miếu, đoàn Nghinh Ông với nhiều nhân vật hóa trang đẹp mắt diễu hành trên các đường phố Phan Thiết như: Trần Phú - Nguyễn Huệ - Hội quán Quảng Đông - Đinh Tiên Hoàng - Trưng Trắc - Trưng Nhị… Trên các lộ trình Ông du hành, mỗi Hội quán trình diễn những tiết mục đặc sắc của mình như: múa cung đình, múa quạt, thiếu nhi gánh hoa, kết hợp với múa lân - sư - rồng, biểu diễn võ thuật... Đặc biệt, điểm thu hút người dân là phần biểu diễn múa Rồng xanh bằng vải, dài 49 mét.

Doc dao Le hoi Nghinh Ong Quan Thanh De Quan tai Binh Thuan hinh anh 2Những thành viên Hội quán của người Hoa diễu hành qua các đường phố trung tâm thành phố Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân tổ chức 2 năm/lần với mục đích bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian địa phương, có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình an. Không chỉ là nét văn hóa tín ngưỡng, Lễ hội đã trở thành ngày hội của du khách và người dân địa phương. Đây là một trong 5 lễ hội được tỉnh Bình Thuận chọn để phục vụ phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến Phan Thiết - Bình Thuận đến với du khách trong, ngoài nước…

Doc dao Le hoi Nghinh Ong Quan Thanh De Quan tai Binh Thuan hinh anh 3Đoàn biểu diễn múa Rồng tại Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Sau 2 năm gián đoạn vì dịch COVID- 19, năm nay, Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân được tổ chức chu đáo, an toàn, trang trọng, đúng nghi thức lễ hội truyền thống và phát triển phong phú thêm phần hội gắn với sự phát triển du lịch của địa phương. Để đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, thành phố Phan Thiết đã tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh đường phố tại các trục đường trọng điểm…

Doc dao Le hoi Nghinh Ong Quan Thanh De Quan tai Binh Thuan hinh anh 4Thành viên Hội quán của người Hoa diễu hành qua các đường phố. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Diễn ra trong 3 ngày (18-20/8), Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân năm 2022 được chia thành hai phần lễ và hội. Phần lễ tái hiện nhiều nghi lễ dân gian truyền thống như: Lễ thỉnh Thánh Mẫu, lễ thỉnh kinh, lễ thỉnh nước, lễ thỉnh Chiêu Ứng công, lễ khai kinh, lễ yết Quan Thánh và các vị tiền hiền... Phần hội sôi động và đặc sắc với các hoạt động Nghinh Ông xuất du, ca múa hát, biểu diễn văn nghệ…

Doc dao Le hoi Nghinh Ong Quan Thanh De Quan tai Binh Thuan hinh anh 5Biểu diễn múa Rồng tại Lễ hội. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân năm 2022 là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022).

Hồng Hiếu

Tin liên quan

Lễ hội Dinh Thầy Thím trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng 14/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp Uỷ ban nhân dân thị xã La Gi tổ chức đón nhận quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Dinh Thầy Thím vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là hoạt động nổi bật nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 - 2022).


Bình Thuận bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn. Việc triển khai Đề án sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại hình di sản văn hóa được khai thác, phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.



Đề xuất