Độc đáo Gành Yến - "thủy cung trên cạn"

Cứ mỗi khi thủy triều rút xuống, những rạn san hô lại hiện ra, xếp chồng lên nhau với đa chủng loại, đa màu sắc, tựa như một "thủy cung trên cạn” làm say lòng du khách khi đến với Gành Yến, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).

Doc dao Ganh Yen - "thuy cung tren can" hinh anh 1 Những rạn san hô lộ thiên rực rỡ màu sắc. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN

Thắng cảnh Gành Yến nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 35 cây số về hướng Bắc. Nơi đây vẫn còn giữ được nét hoang sơ, kỳ vĩ do tạo hóa ban tặng.

Sở dĩ người dân đặt cho địa danh này tên gọi Gành Yến vì trước đây các gành đá ở khu vực này có nhiều hốc nhỏ, là nơi trú ngụ của các loài chim yến, én, sáo... Gành được tạo ra từ nham thạch do hoạt động phun trào núi lửa hàng triệu năm về trước. Giữa mênh mông trời bể, ngoài các gành đá, những lớp đá đen tuyền xếp tầng tầng, lớp lớp nhô ra biển, trải dài tăm tắp càng khiến cho khu vực này trở nên lãng mạn, thi vị.

Nhưng không phải lúc nào du khách cũng có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp này. Ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết san hô nổi chừng 2-3 ngày trong tháng, rơi vào những hôm có trăng (từ ngày 15 - 17 âm lịch). Thời điểm thích hợp nhất để ngắm san hô nổi là lúc 17 - 18 giờ mỗi ngày từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Bên cạnh những rạn san hô, du khách sẽ được mục sở thị một đại dương thu nhỏ ngay dưới chân, nơi có những con sao biển, những đàn cá và nhiều loài thủy sinh đang di chuyển.

Anh Bùi Thanh Trung, nhiếp ảnh gia chia sẻ, những rạn san hô ở đây lộ thiên khá rực rỡ. Anh mong muốn mọi người khi đến đây tham quan phải nâng cao ý thức gìn giữ, không làm tổn hại đến san hô. Du khách Phạm Nhật Nguyên đến từ thành phố Quảng Ngãi cho hay, anh chưa từng thấy dù bận khá nhiều việc nhưng vẫn cố thu xếp thời gian để xuống ngắm vẻ đẹp độc đáo của san hô.

Hiện nay, lượng khách đổ về Gành Yến ngắm san hô ngày càng đông dẫn đến việc những rạn san hô lộ thiên có nguy cơ bị "bức tử". Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã có những giải pháp căn cơ để bảo vệ. “Xã đã cắt cử lực lượng túc trực, canh gác thường xuyên, nhắc nhở du khách không được giẫm đạp lên san hô, nghiêm cấm mọi hành vi khai thác trái phép, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm”- Chủ tịch UBND xã Bình Hải Ngô Văn Thính chia sẻ.

Để Gành Yến trở thành “điểm nhấn” thu hút khách tham quan, thời gian qua, huyện Bình Sơn đã không ngừng triển khai nhiều giải pháp thiết thực như quảng bá thương hiệu; mở mang đường giao thông; kết nối các tuyến, tour du lịch liên vùng, liên khu vực; xây dựng nhiều làng tranh bích họa 3D; khuyến khích người dân làm du lịch cộng đồng… Ngoài ra, địa phương cũng hướng tới việc thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có năng lực đầu tư vào đây để phát triển mạnh lĩnh vực du lịch với tiềm năng sẵn có.

Lê Ngọc Phước

Tin liên quan

Quảng Nam tái cơ cấu thị trường du lịch theo hướng xanh, bền vững

Với định hướng cơ cấu lại ngành và tìm hướng đi cho du lịch xanh, bền vững sau khi dịch COVID-19 được khống chế và đẩy lùi, chiều 10/6, tại thành phố Hội An, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam phối hợp với Hiệp hội Du lịch tổ chức hội thảo "Tái cơ cấu thị trường du lịch Quảng Nam".


Khơi dậy tiềm năng du lịch cù lao Giêng

Cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, gồm 3 xã là Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, nằm giữa sông Tiền, một nhánh của sông Mê kông, có chiều dài 12 km và chiều rộng 7 km. Nơi đây từ lâu được biết đến là một "cù lao xanh", vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa miệt vườn và văn hóa tín ngưỡng tâm linh của của người Việt vùng sông nước Nam Bộ, đặc sắc với các công trình văn hóa tín ngưỡng đồ sộ.


Dấu ấn Quảng Ngãi sau 45 năm giải phóng

Sau 45 năm Ngày giải phóng (24/3/1975- 24/3/2020) và 30 năm tái lập tỉnh (1989- 2019), với sự đồng lòng, đoàn kết, sáng tạo, các thế hệ lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, tỉnh Quảng Ngãi đã có bước phát triển căn bản, toàn diện. Tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt. Cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh tế và xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện.



Đề xuất