Độc đáo Dự án “Tranh gạo và hướng phát triển” của hai nữ sinh Cần Thơ

Hai chủ nhân của dự án bên các tác phẩm của mình. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Hai chủ nhân của dự án bên các tác phẩm của mình. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học năm học 2020-2021 do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ tổ chức có 165 dự án tham gia vòng thi chung khảo. Dự án “Tranh gạo và hướng phát triển” của nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Thường Thạnh (quận Cái Răng, Cần Thơ) vinh dự được trao giải Nhất, với những tiêu chí: Có tính ứng dụng cao, có giá trị kinh tế, hàm lượng sáng tạo và mỹ thuật nhiều...

Độc đáo Dự án “Tranh gạo và hướng phát triển” của hai nữ sinh Cần Thơ ảnh 1Hai chủ nhân của dự án bên các tác phẩm của mình. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Chủ nhân của dự án là hai học sinh Trần Nguyễn Thanh Thảo (lớp 8A1) và Võ Thị Vân Anh (lớp 9A1). Sản phẩm các em mang đến cuộc thi gồm hơn 20 tác phẩm tranh gạo, với các chủ đề đa dạng như: Danh lam thắng cảnh Việt Nam, nét đẹp phụ nữ Việt Nam, chữ thư pháp, hoa lá, con vật… Mỗi bức tranh là một công trình tỉ mỉ, qua bàn tay khéo léo, các em ghép từng hạt gạo nhỏ thành những mảng sáng tối, đủ màu sắc, sinh động và bền bỉ theo thời gian…

Độc đáo Dự án “Tranh gạo và hướng phát triển” của hai nữ sinh Cần Thơ ảnh 2Một tác phẩm tiêu biểu trong dự án. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Cầm bức tranh chữ thư pháp “Nhẫn” trên tay, em Trần Nguyễn Thanh Thảo chia sẻ, đây là bức tranh em tâm đắc nhất. Bên cạnh sự chỉn chu khi lựa chọn từng hạt gạo, sắp xếp theo chiều của chữ để toát lên được thần thái của dòng tranh chữ thư pháp thì ý nghĩa của chữ “Nhẫn” còn bao quát được trọn vẹn đức tính cần có của người mê dòng tranh gạo. Nếu không nhẫn nại và tỉ mỉ, sẽ không thể nào hoàn tất được một bức tranh gạo.

Đồng cảm cùng cô học trò nhỏ, giáo viên Đặng Thị Minh Trúc – phụ trách môn Mỹ thuật, người trực tiếp hướng dẫn nhóm thực hiện dự án cho biết, tranh gạo đòi hỏi người theo đuổi nó phải thực sự có đam mê và kỷ luật. Đam mê để sáng tạo không ngừng trong ý tưởng, kỷ luật để không bỏ cuộc mỗi khi “nản lòng”. Sự nản lòng đến từ rất nhiều yếu tố: Công đoạn chọn giống hạt gạo có độ tương đồng nhau “trăm hạt như một”, gia công bằng phương pháp rang trên nhiều cấp độ lửa để có được hàng chục màu gạo khác nhau, gia tăng thêm sự phong phú bảng màu cho hạt gạo bằng hình thức nhuộm màu từ tự nhiên, xử lý mối mọt và nấm mốc… Tiếp đó là sự tỉ mỉ trong công đoạn gắp từng hạt gạo kết nối nhau tạo thành bức tranh phẳng phiu, không có lỗ trống, bố cục chắc, chuyển màu mượt...

Độc đáo Dự án “Tranh gạo và hướng phát triển” của hai nữ sinh Cần Thơ ảnh 3Một buổi học Mỹ thuật tại trường THCS Thường Thạnh. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

“Trung bình mỗi bức tranh gạo kích thước 40cm x 40cm các em phải mất hơn một tuần để hoàn thành. Những bức lớn hơn các em còn phải nhờ sự hỗ trợ từ bạn bè và người thân mới có thể sớm hoàn thành. Do đó, nếu không có sự đam mê và kỷ luật, nhất định sẽ không thể theo đuổi dòng tranh này được” – cô Trúc nhấn mạnh. 

Chia sẻ thêm về việc nhờ sự hỗ trợ từ bạn bè và người thân trong hoàn thành các bức tranh gạo, em Võ Thị Vân Anh giải thích: Bên cạnh việc hoàn thành 20 bức tranh để tham gia Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học năm học 2020-2021 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, các em còn được cô Minh Trúc hướng dẫn cùng các bạn trong trường làm thêm rất nhiều bức tranh gạo khác. Mục đích của hoạt động này là tạo phong trào học tập môn Mỹ thuật tại trường học sôi nổi hơn cũng như là phương tiện kết nối, gắn kết các thành viên trong gia đình dành thời gian cho nhau nhiều hơn; đồng thời hướng đến ý nghĩa làm từ thiện. Các sản phẩm học trò làm ra (với sự hỗ trợ từ người thân) sẽ được gửi bán tại một số cửa hàng bán tranh. Toàn bộ lợi nhuận được trích ra tạo quỹ hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó của nhà trường. Tương lai sẽ mở rộng hỗ trợ các học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn quận Cái Răng nếu nguồn lợi nhuận đạt kỳ vọng của nhóm.

Nhiều năm liền, học sinh Trường Trung học cơ sở Thường Thạnh đạt các giải cao cấp thành phố và toàn quốc với các dự án, giải pháp mới lạ, khả thi, tính ứng dụng cao. Thế mạnh của nhà trường là các sản phẩm làm từ vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường và có thể phục vụ tiện ích sinh hoạt. Điển hình, tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm học 2018 - 2019, học sinh của trường là Lê Thị Huyền Trân cùng nhóm học sinh quận Cái Răng đã xuất sắc đoạt giải Nhì với dự án “Bộ tranh đa chất liệu” - được làm từ bã mía và bã cà phê.

Trên nền tảng tìm tòi sáng tạo từ các chất liệu phế thải để tái chế thành những tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa, cô Minh Trúc chia sẻ: Nhà trường đã cho các em thử nghiệm thành công dòng tranh từ các chất liệu bã mía, bã cà phê, mạt cưa... và đang triển khai trên các chất liệu mới như: vỏ trứng, vỏ cua, vỏ ốc…; sau đó, có thể mở rộng thêm nhiều chất liệu tái chế, dễ tìm khác nữa… Thông qua đó, nhà trường mong muốn chuyển tải thông điệp về sự sáng tạo, yêu lao động và bảo vệ môi trường với những hành động dù nhỏ nhưng thiết thực nhất.

Độc đáo Dự án “Tranh gạo và hướng phát triển” của hai nữ sinh Cần Thơ ảnh 4Các em đang thử nghiệm trên dòng vật liệu tái chế mới là vỏ các loại trứng. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, Dự án “Tranh gạo và hướng phát triển” của nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Thường Thạnh không chỉ có ý nghĩa với cá nhân các em, với trường mà còn với phong trào học tập gắn liền ứng dụng thực tiễn của thành phố Cần Thơ thông qua mô hình “Trường điển hình đổi mới” mà thành phố đang triển khai từ năm 2017 đến nay.

“Dự án giúp phát huy sở trường của các em; định hướng tương lai nghề nghiệp gắn liền với thế mạnh nơi các em ở, kích thích lòng yêu quê hương, đất nước; khi sản phẩm có thể được thương mại hóa phục vụ cộng đồng, bước đầu tạo ra thu nhập còn giúp các em hiểu được giá trị sức lao động.

Sự thành công của dự án còn cho thấy hiệu quả trong đổi mới phương pháp dạy – học, khơi dậy niềm đam mê, hứng thú học tập và nghiên cứu khoa học, sáng tạo đối với học sinh. Trên cơ sở đó, hình thành cho học sinh phương pháp tự học tập, nghiên cứu khoa học từ việc hình thành ý tưởng, đề xuất giả thuyết khoa học, giải quyết vấn đề, báo cáo kết quả...

Quá trình thực hiện các dự án sẽ bồi dưỡng cho các em năng lực tư duy độc lập, biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, vừa có giải pháp thích ứng với hoàn cảnh sống vừa kiến tạo ra những giá trị sống tích cực, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ánh Tuyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm