Doanh nhân Trần Mạnh Báo - Người “đối thoại với cánh đồng”

Doanh nhân Trần Mạnh Báo - Người “đối thoại với cánh đồng”
Ông Trần Mạnh Báo cùng cán bộ của công ty xuống đồng gặt cứu giống trước khi bão về. Ảnh : vietnambiz.vn
Ông Trần Mạnh Báo cùng cán bộ của công ty xuống đồng gặt cứu giống trước khi bão về. Ảnh : vietnambiz.vn
Từ chiến trường đến thương trường Ông Trần Mạnh Báo, sinh năm 1950 trong một gia đình thuần nông tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Khí chất của người con vùng biển, quen với sóng to, gió lớn như đã ngấm vào ông. Năm 1968, khi chiến tranh vào giai đoạn ác liệt nhất, khắp các địa phương sục sôi khí thế tuyển quân, bổ sung lực lượng chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân. Thời điểm ấy, Trần Mạnh Báo đang là học sinh trường cấp 3 Thái Ninh (huyện Thái Thụy) nhưng đã tình nguyện xung phong ra mặt trận. Ông tham gia Sư đoàn 320, chiến đấu trên mặt trận máu lửa Quảng Trị; đến năm 1970 ông chuyển sang Sư đoàn 1, cùng đồng đội chiến đấu giải phóng 6 tỉnh phía Nam Campuchia, 3 tỉnh miền Tây Nam bộ. Trong những năm tháng chiến tranh, không ít lần phải đối diện với quân địch, sự sống và cái chết rất mong manh song chàng thanh niên trẻ vùng biển Thái Thụy vẫn không chịu khuất phục. Tháng 5/1972, trong trận chiến tại địa bàn thị xã Hà Tiên (Kiên Giang), ông Trần Mạnh Báo bị trúng một mảnh đạn cối và hỏng mắt trái. Năm 1975, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Trần Mạnh Báo trở về quê hương với thương tật 2/4, tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp. Những ngày đầu, ông được phân công công tác tại Công ty giống lợn Thái Bình, sau đó chuyển sang làm tạp vụ tại Công ty giống lúa Thái Bình để vừa làm vừa học. Khi đó, dù đã 26 tuổi, ông vẫn xin đi học với lứa học trò cấp 3. Thời gian vừa đi học vừa đi làm vất vả lại thêm thương tích từ chiến tranh song ông vẫn miệt mài, kiên trì theo đuổi sự nghiệp học hành. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông cũng được đền đáp xứng đáng. Năm 1981, ông thi đỗ Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, mở ra cánh cửa giúp ông từng bước hiện thực hóa ước mơ trở thành kỹ sư, người “Đối thoại với cánh đồng” như cuốn tự truyện ông viết sau này. Từ một người lính đi qua cuộc chiến tranh với nhiều thương tật song bằng niềm đam mê với công tác nghiên cứu, thương binh, kỹ sư nông nghiệp Trần Mạnh Báo đã từng bước khẳng định mình trong lĩnh vực sản xuất giống. Một trong những bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời ông chính là tại Trạm Giống lúa Đông Cơ (Tiền Hải). Ông kể, năm 1987, ông được đề bạt làm Trạm phó Trạm giống lúa Đông Cơ (Tiền Hải). Khi ấy Trại giống sản xuất kém hiệu quả, vì vậy, trách nhiệm của người quản lý là làm sao để cải thiện tình hình, phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống của cán bộ tại Trạm. Từ kiến thức được trang bị và kinh nghiệm thực tế, ông luôn trăn trở về vấn đề cần thiết phải cởi trói cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Tự nghiên cứu, tìm tòi, dần dần bài toán ông đặt ra cho mình cũng có lời giải. Ông mạnh dạn xây dựng đề tài “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh”, trong đó xác định giống và quyền tự chủ trong sản xuất là cốt lõi của phát triển nông nghiệp. Thời điểm đó, đề tài vấp phải nhiều sự phản đối bởi cho đây là phương án đi ngược lại chủ trương, song ông Báo vẫn kiên trì bám đuổi ý tưởng mình đặt ra. Thành quả là trong hai năm 1988-1989, ông cùng đồng nghiệp đưa Trạm giống lúa Đông Cơ (thuộc Công ty giống lúa Thái Bình) có sự tăng trưởng vượt bậc, nâng cao thu nhập cho người lao động. Trạm giống đạt 600 tấn thóc giống trên diện tích 56 ha đất canh tác, tăng gấp 10 lần so với thời kỳ trước.“Ông Giám đốc của nông dân” Từ chiến trường đến thương trường, thương binh Trần Mạnh Báo từng bước vươn lên từ một nhân viên tạp vụ bình thường đến Trạm phó, Trạm trưởng Trạm giống lúa Đông Cơ, Phó Giám đốc Công ty giống cây trồng Thái Bình. Năm 2000 ông được tín nhiệm bầu làm Giám đốc Công ty. Năm 2004 Công ty tiến hành cổ phần hóa và ông trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed ngày nay. Khác với dáng vẻ của một doanh nhân thành đạt, ông Trần Mạnh Báo luôn bận rộn với các công trình nghiên cứu, khảo nghiệm về giống. Nhiều người quen gọi ông với cái tên “ông giám đốc của nông dân” bởi thời gian và tâm huyết ông gắn bó với đồng ruộng, nông dân nhiều hơn cả. Ông đi nhiều nơi để tìm hiểu, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Nơi nào cũng in dấu chân người lính già với niềm đam mê nghiên cứu trên mỗi thửa đất, cánh đồng, hạt lúa quê hương. Ông kể, có lần được một người bạn nước ngoài cho một ít gạo, nhìn phôi mầm còn tươi, ông nghĩ ngay tới việc thử nghiệm nghiên cứu và biết đâu sẽ nhân giống thành công giống lúa mới. Ông đếm được 11 hạt gạo tất cả và cẩn thận gói vào một tờ giấy, giao cho cán bộ phòng nghiên cứu của Công ty. Từ 11 hạt gạo, các cán bộ nghiên cứu nhân lên thành 11 cây mạ và gieo trồng thử nghiệm tại các vùng đất khác nhau. Sự chắt chiu từng hạt gạo của ông Trần Mạnh Báo đã mang lại hiệu quả không ngờ, 11 cây mạ trở thành nguồn vật liệu rất quý, thành bố mẹ của nhiều cặp lai cho nhiều giống lúa thuần của Công ty sau này. Chính sự mạnh dạn đổi mới, không ngừng sáng tạo đã giúp ThaiBinh Seed ngày càng phát triển và trở thành Công ty giống hàng đầu Việt Nam như hiện nay. Các loại giống lúa của Công ty đã tỏa đi gần khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, góp phần nâng cao năng suất cho nông dân. Đây là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước xây dựng thành công trung tâm nghiên cứu và phòng thử nghiệm quốc gia. Công ty cũng là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của tỉnh Thái Bình, đơn vị tiên phong thực hiện chương trình liên kết “4 nhà”, thực hiện công nghiệp hóa giống cây trồng ở Việt Nam. ThaiBinh Seed nổi bật với những loại giống lúa cho năng suất cao như BC15, TBR225, TBR-1, TBR45, TBR36, Đông A1, Thái Xuyên 111… Nhiều bộ giống được chọn làm bộ giống quốc gia. Không chỉ vậy, ThaiBinh Seed còn đẩy mạnh liên kết sản xuất tại hơn 60 điểm trong cả nước với diện tích 5.500 - 6.000 ha/năm, mỗi năm tiêu thụ 20.000 - 22.000 tấn sản phẩm cho nông dân. Nhiều hộ nông dân liên kết với Công ty sản xuất giống lúa thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Ông Báo chia sẻ, trong cuộc đời hơn 40 năm nghiên cứu về giống, ông luôn trăn trở hai điều. Đó là, đã là người làm giống ở Thái Bình thì phải xây dựng được thương hiệu cho giống lúa Thái Bình và từ thương hiệu giống lúa tạo ra được thương hiệu cho gạo Thái Bình, chỉ có thế mới phần nào trả được ơn cho quê hương. Nhìn lại chặng đường qua, ông đã và đang tìm cách “đối thoại với cánh đồng” để giúp nông dân thêm nhiều vụ mùa bội thu. Đó cũng là cách để “trả ơn quê hương” như điều ông luôn trăn trở.
Thu Hoài

Có thể bạn quan tâm