Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Cà Mau

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Cà Mau
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Kim Há - TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc.
Ảnh: Kim Há - TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển biểu dương những kết quả mà tỉnh nỗ lực đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy còn gặp nhiều khăn nhưng với quyết tâm cao của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của nhân dân trong tỉnh nên hạ tầng nông thôn phát triển nhanh, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Cà Mau đã lồng ghép tốt các nguồn vốn, huy động sức dân thông qua việc góp tiền, vật chất, hiến đất, công sức lao động trong xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2010 - 2015, Cà Mau đầu tư xây dựng được 2.200 km đường giao thông, sửa chữa và xây mới 1.825 cây cầu nông thôn, kết cấu hạ tầng nông thôn về điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa… được quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ. Mặc dù nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông rất lớn nhưng tỉnh không có nợ tồn đọng trong xây dựng cơ bản; đây là kinh nghiệm của Cà Mau để các địa phương khác học tập, nhân rộng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Cà Mau chưa đạt chất lượng, thiếu tính bền vững. Toàn tỉnh hiện có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Cà Mau phấn đấu đến năm 2020 sẽ công nhận thêm 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, các xã đang được tỉnh chỉ đạo tập trung hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới hầu hết đều còn khó khăn. Vì vậy, tỉnh cần có giải pháp thiết thực, hiệu quả và phù hợp với tình hình của địa phương, không nên huy động quá sức dân đóng góp vào xây dựng nông thôn mới. Cần chú trọng phát huy tinh thần cách mạng của nhân dân, sức mạnh của cộng đồng đóng góp vào mục tiêu chung; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới với phương châm ''Nhà nước và nhân dân cùng làm''.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đang đứng trước những thách thức. Bên cạnh khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao thì vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn cũng là nguyên nhân làm chậm tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Thêm nữa, việc tổ chức sản xuất, sản xuất nuôi trồng của nông dân phụ thuộc lớn vào thiên nhiên, thị trường… nên sẽ gặp không ít những rủi ro, thu nhập của người dân bị chững lại, nguy cơ tái nghèo sẽ rất cao. Để chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự bền vững, Cà Mau không nên chạy theo thành tích mà phải tạo nên cốt lõi, động lực và đột phá trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhưng phải thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với chương trình kế hoạch, mục tiêu giải pháp xây dựng nông thôn mới của tỉnh Cà Mau. Tỉnh cần quan tâm đến việc quy hoạch đất đai, nhân rộng các mô hình, xác định cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, quy hoạch và phát triển sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn; nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới; có chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp và nông dân. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng tăng cường quản lý môi trường nước thải trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản; đầu tư các dự án thủy lợi chống xâm nhập mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất; đồng thời có giải pháp ngăn chặn, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển và sụp lún đường giao thông…

Trước đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đến thăm và làm việc với Đảng ủy, UBND xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi; tìm hiểu mô hình nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao của Tổ hợp tác tại ấp Nam Chánh./.

Có thể bạn quan tâm