Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại Sóc Trăng về nông thôn mới

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại Sóc Trăng về nông thôn mới

Theo báo cáo UBND tỉnh Sóc Trăng, qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân các vùng nông thôn ở Sóc Trăng ngày càng được cải thiện. Việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất, tạo việc làm và xóa đói, giảm nghèo, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Trong giai đoạn từ 2010 – 2015, tỉnh Sóc Trăng đã huy động tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới gần 8.918 tỷ đồng từ vốn ngân sách, vốn lồng ghép các chương trình, vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng và vốn do nhân dân đóng góp. Bình quân số tiêu chí các xã đạt được đến cuối năm 2015 là 13,8 tiêu chí, trong đó, có 19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 9 - 16 tiêu chí. Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng đã tác động rất lớn đến phát triển sản xuất của người dân nông thôn, nhất về năng suất, chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại Sóc Trăng về nông thôn mới. Ảnh: Trung Hiếu
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại Sóc Trăng
về nông thôn mới. Ảnh: Trung Hiếu 

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao những kết quả tỉnh Sóc Trăng đạt được trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, nhất là sự thành công từ phong trào xây dựng nông thôn mới mà Sóc Trăng đạt được trong điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn thấp. Riêng đối với vấn đề nông nghiệp – nông thôn trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng nông thôn mới gắn với đời sống của người dân; cải thiện khả năng cạnh tranh sản phẩm hàng hóa nông nghiệp; thực hiện chính sách phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn; tiếp tục tổ chức lại sản xuất phát triển nhanh các mô hình theo chuỗi giá trị từng loại cây, con, sản phẩm; đồng thời tiếp tục duy trì và phát triển các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, nhiều vấn đề Đoàn giám sát đề nghị tỉnh xem xét, đánh giá lại về điều kiện, thực chất, năng lực, tổ chức thực hiện, kiểm tra lại xem có phù hợp với điều kiện cụ thể, nhất là điều kiện tự nhiên, con người, tác động chính sách…

Cùng ngày, sau buổi làm việc, đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đến kiểm tra thực tế tại Hợp tác xã bò sữa Evergrowth thuộc xã Tài Văn, huyện Trần Đề. Đây là hợp tác xã có đa số bà con tham gia là người dân tộc Khmer, thành lập từ năm 2004 và hoạt động có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho bà con đồng bào nghèo có thu nhập ổn định. Đoàn cũng đã đến kiểm tra, giám sát xã đạt chuẩn nông thôn mới Ngọc Tố tại huyện Mỹ Xuyên, biểu dương cán bộ nhân dân tuy ở một xã nông thôn vùng sâu nhưng đã có nhiều cố gắng hoàn thành sớm 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đưa đời sống người dân phát triển nhanh, thoát nghèo bền vững, tạo bộ mặt nông thôn sạch đẹp, mỹ quan... 

Có thể bạn quan tâm