Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Minh Tâm - TTXVN
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Minh Tâm - TTXVN
Tại buổi tiếp xúc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà đã báo cáo khái quát những nội dung chính của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, nhấn mạnh những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý. Tham gia ý kiến, Đại tá Hoàng Anh Đức, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang cho rằng, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam được xây dựng đảm bảo tính thống nhất với quyền hạn, nhiệm vụ đã được Quốc hội, Chính phủ quy định về an ninh, biên giới quốc gia. Tuy nhiên, Quốc hội cần xem xét bổ sung thêm nội dung về phạm vi điều chỉnh phù hợp với tên gọi của dự thảo luật; làm rõ thuật ngữ “Biên phòng Việt Nam”. Luật cần thể hiện cụ thể hơn nhiệm vụ quản lý Nhà nước về biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và nhiệm vụ, vai trò của Bộ đội Biên phòng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng. Cử tri các xã biên giới tỉnh Hà Giang cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần nâng mức hỗ trợ kinh phí tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới cho người dân; đầu tư nâng cấp, mở mới các tuyến đường tuần tra biên giới; bổ sung các chính sách đặc thù; có quy định cụ thể về quản lý du khách quốc tế khi đến các điểm du lịch ở các địa phương biên giới… Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, là tỉnh nằm ở biên giới địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có đường biên giới dài, đường tuần tra biên giới còn rất khó khăn, diện tích ô nhiễm bom, mìn sau chiến tranh lớn. Việc Quốc hội ban hành Luật Biên phòng Việt Nam rất cần thiết, giúp khắc phục bất cập, hạn chế của Pháp lệnh Biên phòng, thể chế hóa mục tiêu, quan điểm bảo vệ biên giới. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có các văn bản hướng dẫn thi hành sớm khi Luật Biên phòng Việt Nam được thông qua, để đưa luật đi vào cuộc sống; có lộ trình đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực biên giới, nhất là đường giao thông đến các xã biên giới, đường tuần tra biên giới, điện lưới quốc gia, trường, lớp học cho cư dân biên giới, giúp ổn định dân cư, kết hợp phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, đồng thời có thêm các chính sách hỗ trợ nhân dân bảo vệ đường biên, mốc giới; tiếp tục hỗ trợ rà phá bom, mìn, vật nổ trên tuyến biên giới; bổ sung trang thiết bị cho lực lượng biên phòng thực thi nhiệm vụ… Ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang hứa tiếp thu nghiêm túc các đề xuất, kiến nghị của cử tri, kiến nghị tới Quốc hội trong kỳ họp tới; khẳng định là tỉnh miền núi, biên giới, gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, hệ thống chính trị của tỉnh đã nỗ lực, cố gắng vừa đảm bảo ổn định quốc phòng - an ninh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng biên giới. Hà Giang đã có những chính sách riêng hỗ trợ nhân dân bảo vệ biên giới, đầu tư hạ tầng khu vực biên giới… góp phần không ngừng nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh đề nghị trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang cần tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thực hiện hiệu quả các chương trình “con nuôi đồn biên phòng”, “nâng bước em đến trường”, hỗ trợ nhân dân làm nhà ở… Tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ đường biên, mốc giới, an ninh trật tự trên tuyến biên giới; thực hiện tốt việc quy tụ, di dân biên giới để đảm bảo quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội./.
Minh Tâm

Có thể bạn quan tâm