Đinh Văn Long - Người mở hướng làm giàu từ su su ở vùng cao Tân Lạc

Đinh Văn Long - Người mở hướng làm giàu từ su su ở vùng cao Tân Lạc
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quyết Chiến Bùi Quang Đạo cho biết: Xã Quyết Chiến năm 2017 trồng hơn 50 ha cây su su, giá trị thu nhập cao gấp 4-5 lần so với trồng cây ngô. Người mở lối làm ăn mới cho người dân địa phương, chính là anh thanh niên Đinh Văn Long, trú tại xóm Nam Hưng.

Long quê ở Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, nhiều năm buôn bán rau quả ở chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội. Khi được hỏi, duyên cớ gì lại bỏ phố, lên rừng để làm giàu, Long kể lại: Cũng là tình cờ, em gặp mấy bác cán bộ xã xuống núi, tìm cách tiêu thụ nông sản cho bà con. Họ giới thiệu ở vùng cao Quyết Chiến đất đai màu mỡ nhưng còn hoang hóa nhiều, người dân đang lúng túng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; rồi vận động em bỏ vốn đầu tư trồng rau sạch, có khi lãi hơn đi buôn. Nghe "bùi tai", em lên thung lũng mây khảo sát một chuyến, được xã tạo điều kiện thuê lại hơn 3 ha đất của ông Trần Lệ với giá 33 triệu đồng/năm, em đã đồng ý.

Dồn hết vốn liếng gần 300 triệu đồng sau bao năm tích cóp, ở tuổi 30 sung sức, tháng 9/2009, Long đưa vợ con lên núi quyết chí lập nghiệp. Anh huy động gần hai chục lao động địa phương với mức tiền công 40.000 đồng/ngày công và nuôi cơm bữa trưa. Anh thấy vất vả nhất là hướng dẫn bà con canh tác đúng kỹ thuật, làm việc theo tác phong công nghiệp, không tùy hứng như xưa.

Xác định thổ nhưỡng, khí hậu vùng cao thích hợp với cây su su, Long đầu tư trồng su su lấy quả, lấy ngọn làm chủ lực, ngoài ra dành một phần diện tích đất trồng su hào, bắp cải, cải thảo và đậu đỗ. Đất không phụ công người gieo hạt, chăm bẵm, 1 ha trồng su su ở đây cho năng suất cao từ 70- 80 tấn quả, năm cho thu hoach 2 lứa. Đinh Văn Long cho biết: Giá cả rau quả rất bấp bênh, lúc được giá, su su bán từ 3.000- 5.000 đồng/kg, lúc giá hạ đổ buôn ở chợ đầu mối chỉ được từ 1.200- 1.300 đồng/kg. Tuy vậy, sau một năm đầu tư, vất vả một nắng hai sương, vợ chồng Long đã thu về 120 triệu đồng tiền bán rau quả. Long tâm sự, năm đầu tiên không có lãi bao nhiêu, vì đầu tư làm giàn cây leo khá tốn kém, nhưng vài năm sau cho thu nhập khá hơn. Hiện tại, vợ chồng Long thuê 2 ha đất của người dân Nam Hưng, trồng rau su su lấy ngọn, cứ 2 ngày thu được một lứa và thu gom của bà con dân bản từ 10-15 tấn ngọn su su. Rồi Long đích thân chở xe tải về giao hàng tại chợ đầu mối Long Biên với giá cả ổn định. Mỗi ha su su lấy ngọn cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng.

Anh Đinh Văn Long bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng phối hợp với huyện sớm công nhận tiêu chuẩn VietGap cho sản phẩm rau sạch của người dân, tiến tới đề nghị công nhận rau hữu cơ vào năm 2018. Khi ấy rau su su vùng cao Tân Lạc sẽ có chỗ đứng trong các siêu thị lớn, ổn định đầu ra cho nông sản.
Nhan Sinh

Có thể bạn quan tâm