Định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa

Định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa

Chiều 17/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tổ chức Hội thảo “Định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”. Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp thu các ý kiến phục vụ việc xây dựng Báo cáo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW cho biết, thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, Ban Kinh tế Trung ương là bộ phận thường trực tổng kết Nghị quyết này. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã nhận được sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, hiệp hội… để có 25 chuyên đề về các lĩnh vực liên quan đến Nghị quyết 26-NQ/TW.

Tại Hội thảo này, 6 chuyên đề quan trọng được trình bày gồm: Định hướng xây dựng nông thôn mới bền vững gắn với đô thị hóa; quy hoạch kiến trúc nông thôn; đào tạo nghề gắn với tạo việc làm chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; môi trường nông thôn và giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn; đánh giá tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh yêu cầu mới; phát triển thương mại, nông sản gắn với hội nhập quốc tế.

Định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa ảnh 1 Đường giao thông và nhà dân xây dựng khang trang ở xã nông thôn mới Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Với tham luận “Nghiên cứu đánh giá tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh, yêu cầu mới”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, qua 13 năm thực hiện, Nghị quyết 26-NQ/TW đã góp phần tăng trưởng kinh tế nông thôn và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, theo ông Đào Thế Anh, hiện khu vực nông thôn đang gặp phải những trở ngại như: Dịch chuyển lao động tự do từ nông nghiệp sang công nghiệp, lao động nông nghiệp bị già hóa và bị nữ hóa do lao động nam đã di cư đến các thành phố để kiếm việc làm. Đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế nên khó mở rộng sản xuất...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Thế Anh chỉ rõ, dịch COVID-19 ảnh hưởng tới sự phát triển của nông nghiệp, nhất là nền nông nghiệp Việt Nam có độ mở lớn, biến động cao. Do đó, cần quan tâm tới vấn đề dự báo, bắt kịp theo xu hướng chung của quá trình hội nhập; quan tâm phát triển kinh tế nông nghiệp số, nông thôn số, tăng trưởng xanh và bền vững; liên kết nhiều ngành để phát triển bền vững, hình thành thế hệ nông dân chuyên nghiệp, ứng xử thông minh với các biến động như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thị trường.

Đặt vấn đề: “Làm sao để nông thôn hiện đại phải trở thành miền quê đáng sống, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ công, bảo vệ môi trường, thu hút du lịch nông thôn”, ông Đào Thế Anh cho rằng, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa trong giai đoạn tới phải dựa trên nền nông nghiệp sinh thái, phù hợp với vùng miền gắn với quá trình sản xuất. Theo đó, phải ưu tiên sản xuất dựa trên áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, tạo đột phá về khả năng cạnh tranh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng năng suất lao động để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Đây là yếu điểm trong 13 năm qua nên cần khắc phục để tránh tình trạng lao động nông thôn vì đời sống thấp đã phải di cư từ vùng nông thôn đến các khu thành thị để kiếm sống.

Thạc sỹ Nguyễn Hải Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dân số, lao động việc làm, Viện Khoa học lao động xã hội Việt Nam cũng cho rằng, cần quan tâm tới vấn đề đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Theo bà Ninh, phải hoàn thiện thể chế, chính sách đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân về vấn đề này. Chính phủ cần công bố các định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để từng địa phương, từng vùng có cơ sở hình thành kế hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của địa phương và của nền kinh tế.

Kết luận Hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược của Đảng ta. Hiện người dân sống ở nông thôn chiếm hơn 60% dân số Việt Nam, do đó lo cho nông thôn là lo cho đa số người dân Việt Nam. “Hiện chúng ta đã tái cơ cấu nông nghiệp nhưng cần đầu tư mạnh mẽ khoa học công nghệ cho lĩnh vực này. Phải tạo việc làm cho người dân, tránh việc tha hương xong đến khi dịch bệnh, lũ lụt lại trở về quê như thời gian qua”, ông Hưng lưu ý.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các thành viên trong tổ biên tập, tổ thư ký tiếp tục tiếp thu, cập nhật các ý kiến đóng góp nhằm xây dựng Báo cáo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW đảm bảo đúng thời gian, tiến độ đã đề ra.

Phan Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm