Định hướng phát triển sắn tại Việt Nam

Định hướng phát triển sắn tại Việt Nam

Ngày 8/4, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị “Thực trạng và định hướng phát triển sắn bền vững tại Việt Nam”.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, cơ cấu giống sắn ở Việt Nam có sự thay đổi lớn về năng suất, chất lượng từ sau năm 2005. Cụ thể, giống sắn cũ đã được thay thế bằng một số bộ giống sắn mới có năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao phục vụ chế biến như KM60, KM94, KM95, SM937, KM98-1 VÀ KM140, KM98-7.

Hiện, các giống sắn mới được trồng phổ biến tại các tỉnh, vùng trồng sắn với khoảng 75% tổng diện tích sắn cả nước, đặc biệt là vùng Duyên hải Nam Trung bộ, tạo sự đột phá về năng suất, sản lượng góp phần mang lại lợi nhuận cao cho nông dân trồng sắn, xoá đói giảm nghèo, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm khác chế biến từ sắn.

Định hướng phát triển sắn tại Việt Nam ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Tính đến năm 2021, diện tích sắn trên cả nước đạt hơn 500.000 ha, tập trung tại 5 vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam trung bộ, vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ với năng suất bình quân đạt 20,3 tấn/ha; sản lượng đạt gần 10,7 triệu tấn.

Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để tăng hiệu quả sử dụng đất và giải quyết nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến, ngoài việc nghiên cứu chọn tạo các giống sắn có năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá sắn thì tiêu chí thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng rải vụ cung cấp củ tươi cho công nghiệp chế biến đang được tập trung nghiên cứu.

Từ đó, Viện Nông nghiệp khoa học Việt Nam và các Viện thành viên đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế - CIAT, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA và tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc - FAO triển khai đánh giá tập đoàn các giống sắn trong nước và nhập nội. Đã có 9 giống sắn mới được công nhận và lưu hành, trong đó có 6 giống có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn (HN3, HN5, HN, HN36, HN80, HN97) và HL-S12, HL-S14, STB1. Các nhóm này có thời gian sinh trưởng từ 270-300 ngày, kháng bệnh khảm lá Sri Lanka, có khả năng xuất tinh bột cao hơn so với đối chứng.

Liên quan đến việc quản lý bệnh trên cây sắn, Cục Trồng trọt cũng cho biết, đến nay trên cả nước đã có 26 tỉnh, thành phố ghi nhận bệnh khảm lá sắn với diện tích hơn 65.000 ha. Để phòng, chống bệnh kịp thời, hiệu quả, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn để các địa phương phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng.

Đánh giá chung về thực trạng sắn Việt Nam hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong giai đoạn 2015-2021, chế biến và tiêu thụ sắn tại nước ta đã đạt được kết quả đáng ghi nhận và giá trị kim ngạch xấu khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cho thấy sự phát triển sắn còn thiếu tính bền vững. Theo đó, giá trị, sản lượng chế biến và xuất khẩu sắn lát và tinh bột sắn tăng trưởng nhanh qua từng năm, hiện Việt Nam đang là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan. Việc nâng cấp hệ thống chế biến tinh bột sắn và đưa các nhà máy chế biến ethanol từ sắn mở ra một tiềm năng phát triển đầu ra cho cây sắn.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước đều phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, điều này dẫn đến thiếu bền vững và bị động. Trong khi đó, tiêu thụ sắn và cac sản phẩm sắn trong nước chỉ chiếm khoảng 30% tổng sản lượng dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi, làm thức ăn cho gia súc, nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp... nhưng chúng ta lại phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu chế biến thực phẩm. Công nghệ trong nhiều nhà máy còn lạc hậu khiến hiệu quả đầu tư thấp, lãng phí và ảnh hưởng tới môi trường, chưa có nhiều giống sắn cho năng suất cao, hàm lượng tinh bột cao và chống chịu dịch bệnh là những tồn tại mà sự phát triển cây sắn tại Việt Nam đang mắc phải.

Qua nhiều thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị của các ban ngành liên quan cũng như các tỉnh lân cận có nhiều diện tích, khí hậu trồng sắn tương đồng với Gia Lai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa ra định hướng phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả, tập trung trồng sắn tại các vùng có lợi thế với diện tích khoảng 500.000 ha. Tạo các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn các nhà máy, doanh nghiệp chế biến; tăng cường đầu tư khoa học công nghệ trong trồng và chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ sắn, đa dạng hóa thị trường, tổ chức lại sản xuất để đẩy mạnh liên kết, gắn vùng sản xuất nguyên liệu và nhà máy chế biến.

Tại hội nghị, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng đã đưa ra một số mô hình canh tác sắn hiệu quả, bền vững để các địa phương học hỏi kinh nghiệm. Theo đó, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung bộ có diện tích sắn lớn nhất cả nước, sau đó Đến vùng Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc, vùng Đông Nam bộ.

Tại các vùng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện các dự án khuyến nông trung ương như "xây dựng mô hình canh tác bền vững trên đất dốc với cây trồng chính là ngô và sắn tại vùng núi phía Bắc" thực hiện từ năm 2019-2021. Qua 3 năm thực hiện, mô hình đã trồng được 150 ha với 400 hộ nông dân tỉnh Yên Bái và Phú Thọ tham gia, vượt hơn 15-27% năng suất so với cách làm truyền thống, mức độ xói mòn của đất dốc giảm từ 40-47%.

Hoặc như dự án "xây dựng mô hình sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do Virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm". Dự án này đã thực hiện tại 5 tỉnh; trong đó có Gia Lai, duy trì được năng suất và hoàn thiện quy trình phòng trừ bệnh khảm lá sắn để áp dụng rộng rãi trong sản xuất.

Riêng đối với địa bàn tỉnh Gia Lai, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho rằng, để cây sắn phát triển bền vững tại địa phương, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp, hiệu quả cho từng địa phương. Chỉ tập trung phát triển sắn ở những vùng có điều kiện thuận lợi về thâm canh, nhà máy và thuận tiện trong áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các dự án liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình có hiệu quả kinh tế cao, đẩy mạnh các khâu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến sắn.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng cần xây dựng thị trường sắn và các sản phẩm từ sắn, tăng cường trao đổi thông tin về cảnh báo thị trường, yêu cầu thị trường, rào cản kỹ thuật, kiến thức hội nhập để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chủ động xây dựng kế hoạch phát triển, thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước.

Hội nghị cũng đưa ra thảo luận thống nhất các giải pháp thực hiện những định hướng phát triển cây sắn tại Việt Nam, như tăng cường nghiên cứu chọn tạo, nhân nhanh, chuyển giao mạnh mẽ các tiến bộ kỹ thuật về giống sắn và canh tác, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất sắn.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, các nhà máy sản xuất sắn phải tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến sắn, các sản phẩm từ sắn, giải quyết triệt để các vấn đề xử lý chất thải trong chế biến sắn đảm bảo an toàn môi trường. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng cần đẩy mạnh phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ tiêu thụ nội địa phục vụ công nghiệp thực phẩm, sản xuất Ethanol, thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, các giải pháp về tăng cường liên kết vùng sản xuất và nhà máy chế biến, tổ chức lại sản xuất tập trung phát triển theo mô hình hợp tác xã tại các vùng sản xuất sắn cũng cần được chú trọng.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm