Điều trị lao ở trẻ em cần đúng phác đồ và càng sớm càng tốt

Điều trị lao ở trẻ em cần đúng phác đồ và càng sớm càng tốt

Theo các chuyên gia y tế: Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lao –một căn bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp. Vi khuẩn gây lao thường tồn tại lơ lửng trong không khí khi bệnh nhân lao ho, hắt hơi, khạc đờm hoặc nói chuyện. Trẻ em có thể mắc phải bệnh lao khi hít phải trực khuẩn lao trong không khí.

Bác sỹ Đinh Quốc Việt, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Lao ở trẻ em không phải là một bệnh hiếm gặp. Hàng năm, cứ 100 người mới được phát hiện mắc bệnh lao thì có tới 15 trẻ em. Trẻ bị bệnh lao có thể có biểu hiện của mọi thể lao tương tự như ở người lớn. Tuy nhiên phổ biến nhất là lao sơ nhiễm, lao phổi, lao màng phổi, lao màng não cấp tính và một số thể lao ngoài phổi như lao xương, lao màng bụng, lao hạch, lao ruột ... Mỗi thể lao có những biểu hiện khác nhau, xảy ra ở những độ tuổi khác nhau, mức độ nặng thay đổi phụ thuộc vào cơ địa của trẻ, đáp ứng điều trị và lượng vi khuẩn gây bệnh.

Trong quá trình điều trị lao ở trẻ em, các thuốc chống lao được phối hợp theo phác đồ điều trị. Trẻ cần dùng thuốc đúng liều lượng, đều đặn hàng ngày và đủ thời gian quy định. Đối với lao tiềm ẩn ở trẻ em, việc điều trị là liệu trình điều trị hiệu quả cho người có nguy cơ cao mắc lao hoặc có bằng chứng mắc lao tiềm ẩn.

Điều trị lao tiềm ẩn là rất quan trọng đối với trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi), vì trẻ em có nguy cơ phát triển bệnh nghiêm trọng cao nhất (bệnh lao phổi và lao màng não). Những trẻ em cần được điều trị lao tiềm ẩn là: Trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao phổi, loại trừ mắc lao; Trẻ em 0-14 tuổi nhiễm HIV được xác định không mắc lao; Trẻ 5 -14 tuổi tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao phổi (có xét nghiệm Mantoux hoặc IGRA dương tính và được xác định không mắc lao).

Việc điều trị trẻ bị bệnh lao cần được tiến hành đúng phác đồ điều trị và càng sớm càng tốt.

Các triệu chứng lâm sàng thường thấy khi trẻ bị bệnh lao là sốt và ho kéo dài trên 10 ngày, ăn uống kém, sụt cân, dễ quấy khóc. Vì biểu hiện tương tự như những bệnh lý khác nên phụ huynh thường chủ quan, tự ý điều trị tại nhà khiến việc nhận diện và điều trị cho trẻ bị chậm trễ, vô tình gây tăng tỷ lệ lây nhiễm cho cộng đồng.

Trẻ bị bệnh lao trên 5 tuổi có khả năng lây nhiễm cao hơn vì các em đã có thể thực hiện được các động tác khạc nhổ, giải phóng vi khuẩn ra môi trường bên ngoài. Nếu không được điều trị sớm, trẻ có thể phải chịu nhiều biến chứng nặng nề như biến dạng cột sống, điếc, mù, động kinh, liệt hay thậm chí tử vong, tùy theo từng thể lao và biến chứng của nó.

Nguyên tắc điều trị bệnh lao ở trẻ em tương tự như việc điều trị bệnh lao ở người lớn. Phác đồ điều trị phối hợp giữa các thuốc kháng lao trong thời gian dài chiếm vai trò chính. Thời gian điều trị để đạt hiệu quả kéo dài khoảng 6-9 tháng liên tục. Thuốc uống phải được sử dụng đúng liều và tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ. Hiệu quả của việc điều trị bệnh lao ở trẻ em phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh. Bệnh lao ở trẻ em được phát hiện sớm, khi chưa có biến chứng hoặc chưa lây lan đến các hệ cơ quan khác có tiên lượng tốt hơn.

Bệnh lao ở trẻ em là bệnh có thể dự phòng được và tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh chủ động có hiệu quả nhất. Hiện Việt Nam đã sản xuất được vaccine BCG phòng bệnh lao. Trẻ sơ sinh trong vòng 1 tháng đầu sau sinh cần được tiêm vaccine BCG càng sớm càng tốt. Vaccine này đặc biệt hiệu quả trong việc phòng ngừa các hình thái lao nguy hiểm, trong đó có lao viêm màng não với độ bảo vệ lên tới 70%. Vaccine thường được khuyến cáo cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất là đã có thể bảo vệ sức khỏe trọn đời, không cần tiêm nhắc lại.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm