Điệu "Hò hẻ" độc đáo của làng chài Cảnh Dương

Điệu "Hò hẻ" độc đáo của làng chài Cảnh Dương
Ngày trước, sau những chuyến bám biển dài ngày, cá mú thu về được đàn ông làng chài Cảnh Dương giao cho vợ bán buôn, còn mình ở nhà dỗ con. Và họ đã sáng tác ra những câu hò để ru con. Điệu lý “hò hẻ” độc đáo của đàn ông Cảnh Dương đã ra đời từ đó.

Lời ru của đàn ông Cảnh Dương độc đáo chính ở điệu hát “hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông” thoạt nghe rất lạ tai nhưng nghe thêm, nghe nữa sẽ thấy thú vị. Giải thích vì sao lại có điệu nhạc trầm bổng đó, ông Phạm Ngọc Thức (80 tuổi), Nghệ nhân ưu tú về thể loại hát ru làng biển Cảnh Dương cho hay: “Từ ngày lọt lòng, sớm chiều, cả cuộc đời chúng tôi gắn bó với biển. Dẫu đó là vùng lộng gần bờ hay vươn khơi xa bờ thì tiếng gào thét của sóng, tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền đã trở thành âm điệu quen thuộc trong cuộc sống. “Hò hẻ” chẳng qua là sự lắng lại tiếng gầm gào của sóng. Còn từ “bôồng bôổng bôông bôông” là từ tượng thanh gợi tả tiếng vỗ vào mông, vào lưng trẻ thơ tựa nhịp chòng chành giữa một bên là con thuyền đang lắc lư ngoài khơi với một đằng là nhịp nâng giấc đứa bé; một mặt để át đi tiếng sóng dữ dằn nhưng mặt khác cũng gợi cảm giác thân thương, gần gũi. Lời ru “hò hẻ” còn là lời minh định cứng rắn của đàn ông Cảnh Dương lúc nào cũng sẵn sàng đương đầu với sóng dữ, với bất trắc để quyết tâm bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa truyền thống. Đàn ông Cảnh Dương sáng tạo ra điệu “hò hẻ” không chỉ để ru con, điệu ru ấy còn hát về tấm gương hiếu hạnh, về thề nguyền gái trai, về kinh nghiệm đánh bắt, về bè bạn, xóm giềng và có khi là lời ru mình và ru đời trước thế thái nhân tình”.
 
Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Ngọc Thức, người đàn ông hát ru hay nhất làng Cảnh Dương hiện nay (Nguồn: Giáo dục Việt Nam).
Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Ngọc Thức, người đàn ông hát ru hay nhất làng Cảnh Dương hiện nay (Nguồn: Giáo dục Việt Nam).

Không cần nhạc nền, chủ xướng, đàn ông Cảnh Dương có thể cất cao tiếng hát bất cứ nơi đâu, khi đang nhổ neo, đạp sóng hay lúc thả lưới, buông câu: “Đi ra thì khổ mình ta/Ở nhà thì đói cả bà liền con/Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông/Ru em cho théc cho muồi/Để mẹ đi chợ mua thuồi luồi em ăn/Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông”. Điệu “ru em” không thể gần gũi hơn khi dùng hình ảnh quả thuồi luồi, một loại trái cây trẻ con rất thích, sống bền bỉ trên những triền cát trắng gần bờ biển; thức quả có vị chua ngọt lẫn lộn này hay mọc ở bìa làng Cảnh Dương. “Cha mẹ em muốn ăn cá khiên/ cho nên anh phải đóng thuyền ra khơi” là lời nhắn nhủ các chàng trai, một khi đã lấy “em” làm vợ thì hãy giữ trọn lòng hiếu kính với bố mẹ vợ cho phải đạo làm con. “Đêm qua anh gối tay nàng/Ngày nay ra biển, anh gối đàng dây neo” lại là lời thở than của một anh chàng lênh đênh lâu ngày trên biển nhớ người thương. Hay là lời reo vui, phấn chấn: “Ai về đất Cảnh hôm nay/Ra khơi vào lộng sóng reo sớm chiều/Thuyền anh chở nặng cá tôm/Trên bờ em đón trái tim rộn ràng”. Tùy vào hoàn cảnh cụ thể mà điệu “hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông” được đệm vào từng vị trí khác nhau trong câu hát ru. Ra giữa khơi xa, hiểm nguy thì câu hát “hò hẻ” sẽ được cất lên đầu tiên và điệp đi điệp lại sau cuối để xua đi niềm nhung nhớ, tiếp thêm hứng khởi và mong cầu bình an được luôn cận kề.

Điệu “hò hẻ” đã trở thành khúc hát quê hương, được con cháu làng biển Cảnh Dương tiếp nối, giữ gìn. Phàm là đàn ông làng Cảnh thì phải biết hát ru, phải thấm nhuần từng điệu ví, câu chữ để luôn vững vàng trước biển cả bao la.
Báo Điện tử Đắk Lắk

Có thể bạn quan tâm