Điều chỉnh mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới

Điều chỉnh mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới
Theo đó, các giải pháp cần triển khai trong thời gian tới là đẩy mạnh tuyên truyền về nông thôn mới, triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là thanh niên trí thức khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở nông thôn. Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả các Đề án xây dựng nông thôn mới đặc thù, các Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020...; Đề án hỗ trợ cho các thôn, bản, ấp thuộc các xã khó khăn nhất xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.
Xã Hưng Châu (Hưng Nguyên, Nghệ An) hiện đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Châu đang tiếp tục vận động, phát huy các nguồn lực, phấn đấu về đích trong năm 2018. Trong ảnh: Nhiều tuyến đường đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Xã Hưng Châu (Hưng Nguyên, Nghệ An) hiện đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Châu đang tiếp tục vận động, phát huy các nguồn lực, phấn đấu về đích trong năm 2018. Trong ảnh: Nhiều tuyến đường đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn và theo hướng hữu cơ ở những nơi có điều kiện, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, trên phạm vi cả nước, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền. Ngoài ra, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã theo Luật năm 2012; đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế... Một giải pháp quan trọng nữa là nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, theo đó, từng địa phương phải xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hoá và an ninh trật tự. Đối với các xã đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn, phải đảm bao chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích. Đối với các xã khó khăn, cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, ưu tiên tập trung đầu tư ở cấp thôn, bản; tập trung chỉ đạo xây dựng một số huyện thí điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu, làm cơ sở đánh giá, đề xuất tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 21/2/2018, cả nước có 3.160 xã (35,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; còn 113 xã dưới 5 tiêu chí. Có 46 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tăng 3 huyện so với cuối năm 2017 “huyện Phước Long - tỉnh Bạc Liêu; huyện Trực Ninh, Xuân Trường - tỉnh Nam Định”).

Thành Trung

Có thể bạn quan tâm