Diện tích rừng trong Vườn quốc gia Du Già được bảo vệ nhờ giao khoán cho cộng đồng dân cư

Diện tích rừng trong Vườn quốc gia Du Già được bảo vệ nhờ giao khoán cho cộng đồng dân cư
 Tệ nạn phá rừng giảm mạnh

Vườn quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đi vào hoạt động từ tháng 8/2015, được quy hoạch vào hệ thống rừng đặc dụng cả nước theo Quyết định số 1377 của Thủ tướng Chính phủ. Với tổng diện tích rừng và đất rừng được quy hoạch là 21.054,9 ha, trải rộng trên địa bàn 6 xã thuộc 3 huyện gồm Xã Lạc Nông, Thượng Tân, Minh Ngọc, Minh Sơn huyện Bắc Mê; xã Tùng Bá huyện Vị Xuyên; xã Du Già huyện Yên Minh. Liền kề với các khu rừng đặc dụng có 31 thôn, bản sinh sống, trong đó có 1 thôn nằm trong vùng lõi. Những hộ gia đình trên chủ yếu là dân tộc Hmông dân tộc Dao, đa phần là hộ nghèo, đời sống khó khăn không đủ ruộng để trồng lúa, lương thực thiếu quanh năm, nguồn thu nhập chủ yếu là làm nương rẫy, thu hái lâm sản.
 
Loài voọc mũi hếch tại Vườn Quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: tapchimoitruong.vn
Loài voọc mũi hếch tại Vườn Quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn.
Ảnh: tapchimoitruong.vn

Vườn quốc gia Du Già có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật quý hiếm như vọoc mũi hếch, vượn đen má trắng, sơn dương nâu; các loại cây bách xanh, bách xanh núi đá, nghiến, đinh... Vườn duy trì chức năng phòng hộ đầu nguồn của lưu vực sông Gâm, khai thác thế mạnh cảnh quan thiên nhiên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn để phát triển du lịch sinh thái, giáo dục môi trường dựa trên quan điểm bảo tồn và phát triển bền vững.

Theo phản ánh của người dân trên địa bàn một số xã Thượng Tân, Minh Sơn thuộc huyện Bắc Mê và xã Du Già, huyện Yên Minh - khu vực thuộc rừng đặc dụng Du Già, cách đây 5-10 năm về trước trên cung đường đi các huyện Yên Minh, Vị Xuyên, Bắc Mê, tình trạng đốt phá, chặt cây rừng tại nhiều bìa rừng xảy ra rất phổ biến. Không chỉ núi đá trơ trọi, ngay cả trên nhiều triền núi đất cũng trong cảnh trơ trọc, nhiều cây to bị đốn hạ không hiếm. Vào cuối ngày, xe máy, ô tô tải chở gỗ lậu lại bắt đầu nhộn nhịp, lao vun vút vượt các cung đường vòng vèo để vào rừng, xuống phố… Nguyên nhân là do trên địa bàn rất thiếu đất để canh tác, nên vì kế sinh nhai, người dân đã phải làm liều đốt phá rừng để lấy đất làm nương, rẫy, nhu cầu sử dụng gỗ để làm nhà của người dân cao nên việc khai thác gỗ trái phép làm nhà vẫn xảy ra… Nhưng hiện tại chuyện phá rừng, đốt rừng làm rẫy, buôn bán gỗ lậu trên các địa bàn này đã giảm đáng kể.

Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già Nguyễn Văn Dương cho biết: Đơn vị chính thức đi vào hoạt động từ 22/11/2014 với biên chế được giao là 18 cán bộ công chức, viên chức (trong đó viên chức ban quản lý là 7 người, công chức kiểm lâm là 11 người). Nếu so với định mức biên chế quy định tại Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng thì lực lượng quá mỏng, vì thế đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như: Công an, UBND các xã nhằm đấu tranh phòng chống các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.

Đồng thời, đơn vị cũng tổ chức thường xuyên các buổi tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cho bà con trong thôn, bản. Theo đó, đơn vị đã tiến hành giao khoán rừng cho 29 hộ dân của 6 xã từ năm 2015, ký hợp đồng hỗ trợ cộng đồng vùng đệm cho 31 thôn (theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg); ước cả năm 2018 sẽ giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư 14.935,9 ha.

Đặc biệt, đơn vị đã ký cam kết bảo vệ rừng cho 2.106 lượt người và chi trả hơn 4,4 tỷ đồng cho các hộ gia đình được giao khoán rừng. So với những năm về trước, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng đã giảm 70 - 80%. Cụ thể, trong năm 2017, đơn vị phát hiện 12 vụ vi phạm pháp luật về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, trong đó có 2 vụ vi phạm xảy ra ở xã Thượng Tân, huyện Bắc Mê đã bị truy tố, đưa ra xét xử hình sự do đốt phá rừng làm nương rẫy với diện tích lớn… Năm 2018, đơn vị chỉ phát hiện 6 vụ vi phạm pháp luật về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, còn lại hầu hết là những vụ vi phạm nhỏ như người dân vào rừng chặt gỗ làm nhà, làm xưởng, không có vụ nào vi phạm về mua bán, vận chuyển chế biến gỗ, cất giấu lâm sản trái pháp luật.

Mở rộng giao khoán rừng cho dân

Theo Điều 37 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trách nhiệm đầu tiên để xảy ra các vụ phá rừng trên địa bàn thuộc về chủ rừng. Tuy vậy, với tập quán và suy nghĩ, nếp sống của người dân (phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số), việc bám rừng làm kế sinh nhai vẫn tồn tại. Nhằm hạn chế tối đa các vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng tại khu vực rừng đặc dụng Du Già, bên cạnh việc tăng cường lực lượng cho Ban quản lý, tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của người dân, thì việc tiếp tục mở rộng giao khoán rừng để người dân trực tiếp cùng tham gia vào việc quản lý bảo vệ, phát triển rừng là rất cần thiết.

Chủ tịch UBND xã Du Già, Hoàng Văn Trường chia sẻ: “Khi tiến hành giao khoán rừng cho cộng đồng, cấp ủy, chính quyền xã không nghĩ sẽ nhận được sự tham gia tích cực của người dân đến như vậy. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất và phối hợp với người dân của xã để hạn chế tối đa các vụ việc vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với đó, việc phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Bộ đội Biên phòng, các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra; phối hợp, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về công tác bảo vệ và phát triển rừng cho người dân các địa phương nằm trong khu rừng đặc dụng cũng được chúng tôi thực hiện bài bản”.

“Do địa bàn quản lý rộng bị chia cắt bởi hồ, sông suối, phương tiện tuần tra không có nên công tác bảo vệ rừng, kiểm soát lâm sản gặp không ít khó khăn, phức tạp, nhất là trong mùa lũ. Chính vì vậy, trong năm 2018, đơn vị đã cố gắng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm tra rừng nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Ban quản lý Dự án Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải, Tổ chức Bảo tồn Động thực vật quốc tế (FFI) thực hiện các chương trình về quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học; bảo tồn các loại động thực vật rừng quý hiếm hiện có” - Giám đốc Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh.

Để việc phổ biến chính sách về bảo vệ rừng có hiệu quả, Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già cũng chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện lồng ghép tuyên truyền cho người dân về công tác quản lý bảo vệ và phòng chống cháy rừng để người dân nắm bắt, sau đó về tuyên truyền, phổ biến lại cho người thân, thôn bản.

Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng tham mưu với chính quyền địa phương củng cố lại ban, phòng chống cháy rừng cấp xã và thành lập các tổ đội phòng, chống cháy rừng ở các thôn, bản. Đồng thời, Ban quản lý tiếp tục tiến hành khoán lại rừng cho cộng đồng, hoặc người dân quản lý để họ giám sát chặt chẽ hơn việc tuần tra, phát hiện các trường hợp vi phạm lâm luật. Kết quả, số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng như chặt phá cây rừng, đốt rừng làm nương trong thời gian gần đây giảm rõ rệt, đặc biệt không xảy ra các vụ chặt phá, buôn bán gỗ rừng lớn.
Diệu Thúy
TTXVN

Có thể bạn quan tâm