Diễn tập xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm tập thể quy mô lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh

Diễn tập xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm tập thể quy mô lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh
Tình huống giả định được đặt ra là: Vào 15 giờ 30 phút ngày 3/11 tại Công ty TNHH Nidec Tosok (Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7) có 4 công nhân có triệu chứng bất thường sau khi ăn bữa trưa, sau đó có thêm 20 công nhân có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy và được đưa đi khám tại Phòng y tế của công ty. 30 phút sau đó, số lượng công nhân nghi ngộ độc tăng lên đến 300 người. Ngay lập tức, Phòng Y tế của công ty đã thông báo tình trạng khẩn cấp lên Trung tâm cấp cứu 115 để cử lực lượng hỗ trợ cấp cứu; đồng thời báo cáo về Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố để được hỗ trợ điều tra, xác định nguyên nhân sự việc liên quan đến ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, công ty cũng đã báo cáo tình hình cho Phòng Y tế Quận 7 để được hỗ trợ.
Diễn tập tình huống công nhân bị ngộ độc thực phẩm sau buổi ăn trưa. Ảnh: Phương Vy - TTXVNDiễn tập tình huống công nhân bị ngộ độc thực phẩm sau buổi ăn trưa. Ảnh: Phương Vy - TTXVNDiễn tập tình huống công nhân bị ngộ độc thực phẩm sau buổi ăn trưa. Ảnh: Phương Vy - TTXVNDiễn tập tình huống công nhân bị ngộ độc thực phẩm sau buổi ăn trưa. Ảnh: Phương Vy - TTXVN
Diễn tập tình huống công nhân bị ngộ độc thực phẩm sau buổi ăn trưa. Ảnh: Phương Vy - TTXVN

Sau khi nhận được thông tin cần hỗ trợ cấp cứu, Trung tâm cấp cứu 115 đã điều động đơn vị cấp cứu vệ tinh gần nhất là Bệnh viện Quận 7 đến công ty xảy ra vụ ngộ độc tiến hành sơ cứu tại chỗ và đưa đến bệnh viện điều trị đối với những trường hợp có biểu hiện nặng. Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cử cán bộ xuống công ty lấy mẫu thức ăn, điều tra nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
 
Phân tích kết luận sơ bộ ban đầu, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố xác định đây là vụ ngộ độc thực phẩm có nhiều người mắc với nguyên nhân là bữa ăn trưa ngày 3/11 gồm các món ăn: Xíu mại sốt cà, giá hẹ xào, canh súp rau củ, cơm trắng, chuối.

Đoàn kiểm tra phát hiện nguồn nguyên liệu thịt heo để chế biến món xíu mại sốt cà không đảm bảo an toàn về nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, đoàn cũng phát hiện 3 nhân viên của bếp ăn chưa được khám sức khỏe định kỳ và xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.
 
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện thành phố có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với hơn 280.000 công nhân, trong đó có 279 bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, 496 bếp ăn tập thể bên ngoài khu chế xuất và 154 cơ sở nhận suất ăn từ bên ngoài.

Đây là thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho toàn bộ hệ thống bếp ăn tập thể. Thời gian qua Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã tập trung kiểm soát các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm nhưng trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 488 trường hợp bị ngộ độc.
Các đơn vị chức năng kiểm tra mẫu thức ăn công nhân bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa. Ảnh: Phương Vy - TTXVN
Các đơn vị chức năng kiểm tra mẫu thức ăn công nhân bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa. Ảnh: Phương Vy - TTXVN

Bà Lan cho biết, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm tập thể, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã trực tiếp cử cán bộ đến các doanh nghiệp hướng dẫn thiết lập hệ thống tự kiểm tra bếp ăn, rà soát, thanh kiểm tra định kỳ; yêu cầu các doanh nghiệp mua suất ăn sẵn phải giám sát, rà soát lại các điều kiện an toàn thực phẩm của nơi cung cấp, không đẩy toàn bộ trách nhiệm cho cơ sở cung cấp suất ăn.
 
“Muốn không xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều phía, trong nhiều khâu, từ khâu cung cấp nguyên liệu đến khâu chế biến, bảo quản”, bà Lan nhấn mạnh./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm