Diện như nàng dâu đi quạt

Diện như nàng dâu đi quạt
Cha mẹ khuất núi, ngày tổ chức tang lễ, các cô con dâu mặc váy tang truyền thống của người Mường được làm bằng vải thô màu trắng. Tới khi vào lễ dâng cơm cho người đã khuất thì các cô con dâu ấy phải mặc một bộ trang phục khác để làm động tác quạt ma. 

Anh Bùi Văn Thành, dân tộc Mường, ở làng Tre, xã Trung Bì, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, cho biết: sở dĩ con dâu quạt, chứ không phải là con gái, bởi người Mường trước đây quan niệm con gái là con của người ta, con dâu mới là con nhà mình. Con dâu cũng là người gắn bó dài lâu, chăm sóc cho tới khi bố mẹ chồng nhắm mắt xuôi tay. 

Anh Thành tả, thông thường, bộ đồ quạt ma của cô dâu như thế này: 

- Bên trong, cô vẫn mặc bộ tang trắng như vậy, nhưng trùm một cái áo rất dài, nhiều màu sắc ra ngoài. Áo đó người ta làm rất đẹp. Màu đã đẹp rồi, lại còn đính nhiều tua vải màu sắc sặc sỡ, thậm chí là phải xâu cả những hạt cườm hoặc là dây kim tuyến lấp lánh. Những sợi dây ấy người ta đính từ trên vai áo, buông xuống tận gót.
 
Con dâu tay cầm quạt trong tang lễ người Mường. Ảnh:baomoi.com
Con dâu tay cầm quạt trong tang lễ người Mường. Ảnh:baomoi.com

Tua rua vải, hạt cườm, kim tuyến được đính cả trước và sau áo. Chiếc mũ trên đầu cô con dâu cũng được trang trí nhiều màu lấp lánh. Nào váy đen, cạp mới, áo ngắn; nào áo chùng trắng, yếm đỏ. Hai tay các cô đều đeo vòng hạt cườm. Mũ có hình lưỡi rìu, nở ra ở phần trên. Trên đỉnh mũ đính các dải tua kim tuyến, hay vải mỏng, dài chấm gót. Lúc này nhìn cô con dâu rất đẹp. Cho nên người Mường có câu “Diện như nàng dâu đi quạt”.
 
Lễ quạt ma, người Mường gọi là lễ “nhương ăn”. Đây là thủ tục để con cái dâng cơm lên mời bố mẹ mới chết, tỏ lòng kính trọng. Mục đích thứ hai của lễ quạt ma là để cho linh hồn của người chết mát mẻ. Việc quạt ấy như là việc thanh lọc linh hồn.
 
- Có bao nhiêu cô con dâu thì bấy nhiêu người phải tham gia. Thông thường thì dâu cả đứng trên cùng, tính từ trên đầu xuống. Mỗi người cầm một cái quạt mo. Thông thường thì người chị tay trái vác gậy, tay phải cầm quạt. Động tác quạt rất nhẹ nhàng, và lần lượt. Ví dụ người con dâu cả quạt một cái thì liền sau đó người em kế tiếp lại quạt. Động tác quạt là quạt xuôi quan tài. Cứ như vậy, gió quạt chạy như một làn sóng. Chị quạt trước, sau đó đến em, rồi em nữa. Hết em út thì chị lại quạt tiếp. Cứ như vậy - anh Thành mô tả.
 
Đám ma của người Mường, trước đây, suốt 12 ngày đêm liền, con cháu đều làm lễ dâng cơm, dâng rượu cho người quá cố. Các cô con dâu, chỉ vẻn vẹn có hai động tác, phải múa đi múa lại liên tục tới hàng trăm lần trong suốt 12 ngày đêm đó.
 
Tục con dâu múa quạt ma, giờ chỉ còn được người Mường thực hiện 1 - 2 lần trước khi đưa người quá cố đi chôn cất. Và tất nhiên, chỉ những người già, có con dâu thì mới được hưởng hình thức báo hiếu này, khi về với tổ tiên.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm