Diện mạo nông thôn mới ở huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An

Diện mạo nông thôn mới ở huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An

Quỳ Hợp (Nghệ An) là huyện miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Ngay khi thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, người dân chung tay, đoàn kết vào cuộc. Nhờ đó, đến nay, huyện đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Một số xã dù vẫn đang thuộc diện “xã nghèo 135”, nhưng nhiều thôn, bản đã đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thực sự thay đổi diện mạo vùng nông thôn, đời sống người ngày càng được nâng cao về vật chất lẫn tinh thần.

Diện mạo nông thôn mới ở huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An ảnh 1Các tuyến đường liên thôn, liên xã của xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đều được bê tông hoá. Ảnh: Văn Tý - TTXVN

Không chạy theo tiêu chí

Châu Cường một trong những xã khó khăn của huyện Quỳ Hợp, với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Thái, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Vì vậy, khi thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương đã chủ động lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng. Xã tập trung phát huy nội lực từ nhân dân để cùng đóng góp tham gia xây dựng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội như giao thông, thủy lợi.

Giai đoạn đầu, việc triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc do người dân chưa hiểu rõ ý nghĩa của chương trình. Nay nhờ sự tuyên truyền vận động của chính quyền, người dân đã tích cực tham gia và đạt được những kết quả tích cực. Tính đến nay, xã Châu Cường đã đạt 10/19 tiêu chí về nông thôn mới (quy hoạch, giao thông, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, trường học...). Đây là những tiêu chí quan trọng tạo động lực cho sự phát triển.

Diện mạo nông thôn mới ở huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An ảnh 2Nhờ hệ thống thuỷ lợi đảm bảo, người dân xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) canh tác thêm vụ đông xuân tăng thu nhập. Ảnh: Văn Tý – TTXVN

Chị Vi Thị Hồng Ngọc, bản Nhăng Thắm, xã Châu Cường cho biết, phong trào xây dựng nông thôn mới thực sự đã làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Những tuyến đường được bê-tông đã giúp người dân đi lại thuận tiện, tạo điều kiện thông thương buôn bán. Hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư đã giúp cho bà con canh tác hiệu quả hơn. Trước đây, bà con trong xã chỉ canh tác 2 vụ mỗi năm. Từ khi được nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, bà con đã tích cực sản xuất thêm vụ Đông - Xuân để tăng thu nhập. Năm 2021, bản Nhăng Thắm đã được công nhận bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo ông Sầm Phúc Thảo, Chủ tịch UBND xã Châu Cường, để thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể hàng năm. Trong điều kiện nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, ngay từ đầu, công tác tuyên truyền vận động được địa phương ưu tiên đẩy mạnh. Qua đó, đã huy động đáng kể nguồn lực từ nhân dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong hơn 39 tỷ đồng xây dựng đường bê-tông nông thôn, từ năm 2015-2022, nhân dân đóng góp hơn 5 tỷ đồng, hàng trăm hộ tự nguyện hiến đất mở đường.

Ông Thảo chia sẻ, xây dựng nông thôn mới không nên chạy theo thành tích mà cần thực chất. Quá trình xây dựng nông thôn mới là công việc lâu dài. Vì vậy, chỉ tiêu nào chưa đạt sẽ cố gắng huy động các nguồn lực để làm chứ không nên gượng ép đạt chỉ tiêu, trong khi trên thực tế chưa đạt bởi mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân.

Không có điểm kết thúc

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp với xuất phát điểm chỉ đạt 7/19 tiêu chí. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, tinh thần đoàn kết nhân dân chỉ sau 5 năm, xã Minh Hợp đã đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2015). Đây cũng là một trong những địa phương đạt chuẩn trong tốp sớm nhất của huyện Quỳ Hợp. Cơ sở hạ tầng hoàn thiện đã trở thành động lực giúp người dân tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhiều thanh niên đã mạnh dạn khởi nghiệp thành công từ những thế mạnh của địa phương, qua đó, không chỉ tăng thu nhập cho bản thân mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương.

Theo anh Nguyễn Sơn Tinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Hasafood Nghệ An cho biết, Minh Hợp nói riêng và vùng phía tây bắc Nghệ An nói chung có tiềm năng lợi thế về cây ăn quả rất lớn. Tuy nhiên, do không có đơn vị chế biến nên hiệu quả kinh tế thấp, nông dân luôn trong tình trạng “được mùa mất giá”. Sau nhiều năm làm việc ở Hà Nội, năm 2021, anh trở về địa phương, khởi nghiệp bằng mô hình chế biến các sản phẩm từ củ quả bằng công nghệ sấy lạnh. Mô hình không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương mà còn góp phần giúp người nông dân nâng cao giá trị nông sản. Hiện các sản phẩm của đơn vị đều đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao và được thị trường đón nhận.

Diện mạo nông thôn mới ở huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An ảnh 3Đóng gói sản phẩm sấy củ quả bằng công nghệ sấy lạnh của Công ty Cổ phần Hasafood Nghệ An. Ảnh: Văn Tý – TTXVN

Bà Đinh Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết, phong trào xây dựng nông thôn mới thực sự đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt vùng nông thôn. Sau khi đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, chính quyền địa phương, người dân tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt hoặc nâng cao hơn nữa những tiêu chí đã đạt. Hiện nay, xã đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn thiếu, vì sau nhiều năm một số công trình đã xuống cấp nên rất cần sự quan tâm của chính quyền cấp trên.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Quỳ Hợp áp dụng các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng; vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ dân sinh... Qua đó, tạo sức lan tỏa, người dân có thêm động lực phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Diện mạo nông thôn mới ở huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An ảnh 4Mô hình sấy củ quả bằng công nghệ sấy lạnh của Công ty Cổ phần Hasafood Nghệ An tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương. Ảnh: Văn Tý - TTXVN

Ông Trương Ngọc Bình, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Hợp cho biết, là huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn vì vậy, quá trình triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, địa phương đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền. Hàng tuần, hàng tháng Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đều tổ chức các cuộc họp Ban Chỉ đạo, giao ban nông thôn mới để triển khai những nhiệm vụ được giao, nhờ đó, đã tạo sự đồng thuận và huy động nội lực trong nhân dân rất cao. Đến nay, toàn huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó bình quân các xã đạt 10,6/19 tiêu chí.

“Phong trào xây dựng nông thôn mới là quá trình chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, bởi mục tiêu của chương trình mang tính chất phát triển toàn diện vùng nông thôn”, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Hợp chia sẻ.

Văn Tý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm