Diện mạo mới ở vùng căn cứ cách mạng Chư A Thai, Gia Lai

Làng Trớ, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai sau khi được sắp xếp, di dời nhà cửa theo Đề án của phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Dư Toán - TTXVN
Làng Trớ, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai sau khi được sắp xếp, di dời nhà cửa theo Đề án của phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Từng là “vùng trũng” về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bốn làng Pông, Trớ, Hek, Kinh Pêng (gọi chung là 4 làng đồn) thuộc xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (Gia Lai) đang đổi thay từng ngày nhờ triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Diện mạo mới ở vùng căn cứ cách mạng Chư A Thai, Gia Lai ảnh 1Làng Trớ, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai sau khi được sắp xếp, di dời nhà cửa theo Đề án của phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Sức bật từ các chương trình phát triển kinh tế

Xã Chư A Thai nằm ở phía Đông Bắc huyện Phú Thiện, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 1.124 hộ với 4761 nhân khẩu, sinh sống tại 11 thôn, làng. Trong số các thôn, làng trên địa bàn xã có bốn làng đồn gồm Pông, King Pêng, Trớ và Hek với 85% dân số là đồng bào Bahnar sinh sống.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu vực trung tâm huyện (ngày nay là thị trấn Phú Thiện) bị địch chiếm đóng, với địa hình phức tạp, đồi núi bao bọc nên quân đội ta đã chọn bốn làng gồm Pông, King Pêng, Trớ và Hek là vùng căn cứ cách mạng. Từ đó, cái tên “làng đồn” đã ra đời. Đến nay, bốn làng đồn vẫn là những ngôi làng đặc biệt khó khăn của xã Chư A Thai.

Trước thực tế trên, tỉnh Gia Lai đã xây dựng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội đặc thù dành cho vùng này. Nổi bật là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số và Đề án phát triển kinh tế - xã hội 4 làng đồn của huyện Phú Thiện giai đoạn 2016-2020.

Sau 3 năm triển khai, chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân trồng các loại cây trồng có năng suất cao. Ngoài ra, địa phương thực hiện quy hoạch, bố trí lại dân cư gắn với phát triển kinh tế vườn và chăn nuôi, phù hợp điều kiện thực tế cũng như đặc thù riêng của mỗi làng đồn.

Trên cơ sở này, huyện Phú Thiện đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thành Thành Công Gia Lai chuyển đổi gần 90 ha lúa rẫy một vụ cho năng suất thấp, hiệu quả kém của 87 hộ dân tộc thiểu số tại Plei Pông và Plei Kinh Pêng sang mô hình cánh đồng mía lớn. Đây là một trong hai cánh đồng mía lớn có sự tham gia của 100% hộ dân tộc thiểu số, đồng thời là mô hình quy mô lớn nhất triển khai tại huyện Phú Thiện.

Ngoài giúp người dân phát triển kinh tế tập trung, huyện Phú Thiện thực hiện quy hoạch, di dời nhà cửa, bố trí, sắp xếp dân cư của bốn làng đồn. Huyện đã huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa công tác di dời nhà cửa, bố trí sắp xếp ổn định dân cư, tổng kinh phí thực hiện trên 2,7 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng, nguồn vận động doanh nghiệp là 600 triệu đồng và vận động người dân đóng góp 675 triệu đồng.

Trước đó, huyện Phú Thiện đã ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa - xã hội tại bốn làng đồn. Huyện hỗ trợ giống cây trồng và cấp phát 18 con bò giống với tổng số tiền 430 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 89 hộ và chuyển đổi mua máy nông cụ cho 12 hộ với kinh phí trên 615 triệu đồng, giải ngân gần 3 tỷ đồng cho 177 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển sản xuất...

Trạm Y tế xã Chư A Thai được xây dựng theo tiêu chí trạm chuẩn quốc gia với đầy đủ trang thiết bị và các phòng chức năng, bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Diện mạo nông thôn mới

Về bốn làng đồn những ngày mưa tháng 6, dọc trên những tuyến đường bê tông sạch đẹp, thẳng tắp, ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chư A Thai phấn khởi cho biết, diện mạo 4 làng đồn đã thay đổi so với trước đây. Các ngôi nhà đã được sắp xếp ngăn nắp, tuyến đường nội làng được bố trí theo ô bàn cờ thuận tiện cho người dân đi lại, sinh hoạt. Chính quyền địa phương vận động người dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm nhà sàn...Kết quả này là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương trong công tác vận động, tuyên truyền và hỗ trợ người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Kế thừa những kết quả quan trọng của giai đoạn 1, bước sang giai đoạn 2, chính quyền địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền để thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu và tâm lý trông chờ của người dân. Chính quyền xã hỗ trợ triển khai một số mô hình kinh tế, tạo việc làm, phấn đấu thực hiện một số tiêu chí xây dựng làng nông thôn mới.

Theo ông Phùng Trung Toàn, hiện nay, 4 làng đồn vẫn là 4 làng đặc biệt khó khăn của xã. Xuất phát điểm của người dân thấp, trình độ canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo rất cao (29,7%, năm 2020), chưa có công trình thủy lợi nên sản xuất không ổn định. Mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động song một số hộ dân vẫn tiếp tục chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn. Nhiều gia đình chưa có nhà tắm, nhà vệ sinh đảm bảo nên ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.

Để vận động, khuyến khích người dân 4 làng thay đổi tập tục lạc hậu, lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

Xã đứng ra kêu gọi nguồn vốn 600 triệu đồng vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường. Theo đó, mỗi hộ dân được vay 20 triệu đồng để khoan giếng và làm nhà tắm, nhà vệ sinh… thay vì phải dùng nước không hợp vệ sinh như trước đây.

Chị Đinh Thị Rét, làng Pông cho biết, nhờ nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội chị đã đầu tư khoan giếng, lấy nước sạch dùng. Nước giếng đủ dùng trong sinh hoạt, trồng thêm rau màu để cải thiện bữa ăn, người dân không lo thiếu nước vào mùa khô.

Ông Toàn cho biết thêm, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng do tập tục từ xưa, đồng bào vẫn tổ chức đám tang, đám cưới kéo dài nhiều ngày... Vì vậy, xã giao nhiệm vụ cho các Đảng ủy viên, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân hiểu, nhận ra việc lãng phí, tốn kém để điều chỉnh hợp lý. Ngoài ra, từ các nguồn vốn hỗ trợ, xã sẽ trực tiếp hướng dẫn người dân tiếp cận gói vay phù hợp, sử dụng hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, từng bước thay đổi cuộc sống.

Những căn nhà kiên cố, đường sá đi lại thuận tiện, sạch đẹp là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền huyện Phú Thiện trong việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội 4 làng đồn xã Chư A Thai. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, thời gian tới cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt, tích cực hơn nữa từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân.

Có thể khẳng định, những kết quả bước đầu này sẽ là động lực để địa phương tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng huyện Phú Thiện phát triển toàn diện và bền vững.

Quang Thái

(TTXVN

Có thể bạn quan tâm