Diễn đàn xúc tiến đầu tư nông nghiệp, du lịch và tiêu thụ gà đồi Yên Thế

Diễn đàn xúc tiến đầu tư nông nghiệp, du lịch và tiêu thụ gà đồi Yên Thế


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng các đại biểu tham quan gian hàng các sản phẩm nông nghiệp của huyện Yên Thế. Ảnh: Tùng Lâm – TTXVN.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng các đại biểu tham quan gian hàng các sản phẩm nông nghiệp của huyện Yên Thế. Ảnh: Tùng Lâm – TTXVN.
 
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Diễn đàn kinh tế xúc tiến đầu tư phát triển nông nghiệp, du lịch và tiêu thụ Gà đồi Yên Thế năm 2019 tổ chức ngày 26/10, tại huyện Yên Thế, Bắc Giang.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: riêng đối với sản phẩm gà, huyện Yên Thế cần xây dựng một đề án hệ sinh thái cụ thể gắn với ứng dụng các công nghệ vào bảo vệ môi trường. Huyện cũng cần phải đa dạng hơn nữa các sản phẩm từ gà, đồng thời đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ gà. Các doanh nghiệp tiếp tục đi sâu khai thác vào lợi thế của từng điạ phương để cùng với chính quyền và người dân tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp từng vùng, góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp.

Yên Thế là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang. Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng tạo điều kiện cho huyện phát triển ngành nông nghiệp đa dạng bằng các mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng gắn với phát triển chăn nuôi, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong đó, đặc biệt Gà đồi Yên Thế được coi là thế mạnh của địa phương, là sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang hướng tới xây dựng thương hiệu quốc gia.

Hiện tổng đàn gà của huyện duy trì ổn định từ 4 - 4,5 triệu con, cơ cấu đàn gà phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hàng năm, huyện xuất bán ra thị trường trên 14 triệu con gà đồi thương phẩm, giá trị từ chăn nuôi gà năm 2019 ước đạt trên 1.500 tỷ đồng. Đến nay, nhãn hiệu Gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước Lào, Trung Quốc và Singapore.

Ngoài gà, huyện Yên Thế còn có các sản phẩm chăn nuôi khác như dê với tổng đàn trên 13 nghìn con, sản lượng đạt trên 800 tấn/năm, doanh thu đạt trên 130 tỷ đồng và đã xây dựng thành công nhãn hiệu “Dê núi Hồng Kỳ”. Sản phẩm mật ong với tổng đàn ong trên 8 nghìn đàn, sản lượng đạt trên 90 tấn/năm. Các sản phẩm chăn nuôi thế mạnh khác như đàn trâu, bò hàng năm đạt trên 11 nghìn con; đàn thỏ khoảng 7,5 nghìn con; đàn hươu, đàn lợn…

Bên cạnh đó, lĩnh vực trồng trọt của huyện cũng có nhiều sản phẩm thế mạnh. Yên Thế đã xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa địa phương có thế mạnh như vùng sản xuất chè xanh, vùng sản xuất cây ăn quả có múi, vùng sản xuất nhãn, vùng sản xuất rau mầu, vùng sản xuất vải thiều. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp, Yên Thế cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, Thác Ngà, bản Ven, đập Đá Ong…

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề  như, hiện trạng sản xuất chăn nuôi gia cầm và các giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững; nâng cao hiệu quả hợp tác, tạo liên kết chuỗi giá trị; cơ hội phát triển du lịch gắn với các sản phẩm nông sản…

Nhiều ý kiến cho rằng, huyện Yên Thế có nhiều sản phẩm thế mạnh, tuy nhiên việc quảng bá nông sản hàng hóa của địa phương nói chung và sản phẩm Gà đồi Yên Thế trên thị trường chưa thực sự bền vững, giá cả thị trường thường xuyên diễn biến phức tạp; chất lượng con giống chưa đồng đều, năng lực sản xuất con giống chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tại Hà Nội rất tiềm năng, các kênh phân phối tại thị trường này cũng rất nhiều. Thương hiệu Gà đồi Yên Thế đã có tiếng ở khu vực phía Bắc, sản lượng tiêu thụ ngay càng tăng. Tuy nhiên xu hướng của người Hà Nội ngày càng yêu cầu cao về sản phẩm, nhất là khâu truy suất nguồn gốc.

Do vậy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề nghị huyện quan tâm từ khâu chăn nuôi, kỹ thuật, giết mổ để sản phẩm đáp ứng được an toàn thực phẩm. Tất cả các sản phẩm Gà đồi Yên Thế khi đưa ra thị trường đều phải được dán tem truy suất nguồn gốc. Bên cạnh đó, huyện cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm trong chăn nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu Gà đồi Yên Thế hơn nữa và quan tâm đến bao bì, mẫu mã sản phẩm.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải khẳng định: chủ trương phát triển của tỉnh Bắc Giang là đi vững chắc bằng hai chân gồm công nghiệp và nông nghiệp. Đối với nông nghiệp, tỉnh hình thành các vùng nông nghiệp tập trung, mỗi vùng tỉnh có chính sách riêng. Bắc Giang luôn luôn lắng nghe và học tập kinh nghiệm từ các địa phương, các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp để ngày càng hoàn thiện, xây dựng nhiều sản phẩm tốt, an toàn được người tiêu dùng đón nhận.

Nhân dịp này, UBND huyện Yên Thế đã ký kết hợp tác đầu tư phát triển nông nghiệp; hợp tác kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp và hợp tác sản xuất chế biến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp với một số sở, hiệp hội, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh./.
Đồng Thị Thúy

Có thể bạn quan tâm