Về cực Tây vui Tết mùa mưa cùng cộng đồng dân tộc Hà Nhì

Các thiếu nữ dân tộc Hà Nhì chuẩn bị trang phục đi chơi tết. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Các thiếu nữ dân tộc Hà Nhì chuẩn bị trang phục đi chơi tết. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Là một trong 19 cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cộng đồng dân tộc người Hà Nhì sinh sống tập trung chủ yếu tại hơn 20 bản thuộc 4 xã vùng biên của huyện Mường Nhé với dân số khoảng hơn 5.500 người, thuộc hai nhóm là Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Cồ Chồ. Nhắc tới hệ thống lễ, tết của người Hà Nhì thì Tết Mùa mưa (Dế Khừ Chà) là một lễ tết quan trọng, được tổ chức vào tháng 5 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để người Hà Nhì cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển và bản làng đoàn kết.

Về cực Tây vui Tết mùa mưa cùng cộng đồng dân tộc Hà Nhì ảnh 1Người Hà Nhì ở bản làng Tả Cố Khừ (một trong 7 bản của xã Sín Thầu) dọn dẹp nhà cửa, cảnh quan sân ngõ sạch sẽ để chuẩn bị cho Tết Mùa mưa. Ảnh: TTXVN phát

Tết mùa mưa được người Hà Nhì họp bàn, thống nhất tổ chức khi bắt đầu mùa mưa, cây lúa vừa qua kỳ bén rễ, đang lúc sinh trưởng, phát triển. Ngày được chọn tổ chức thường là ngày Hợi hoặc ngày Thìn. Năm nay, người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa (Dế Khừ Chà) trong hai ngày 26 và ngày 27/7.

Sau hành trình vượt gần 300 km, chúng tôi đặt chân đến xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé), địa bàn có hơn 320 hộ dân, gần 1.400 nhân khẩu, thuộc 7 cộng đồng dân tộc sinh sống, trong đó người Hà Nhì chiếm khoảng 96% dân số toàn xã. Miền đất “chóp cùng” cực Tây Tổ quốc này có đỉnh núi Khoan La San nằm trên dãy Pu Đen Đinh (khu rừng lạnh), ở độ cao gần 1.900 mét so với mực nước biển có mốc số 0 “ba cạnh” là điểm phân định ranh giới giữa ba nước Việt Nam – Lào - Trung Quốc.

Về cực Tây vui Tết mùa mưa cùng cộng đồng dân tộc Hà Nhì ảnh 2Người Hà Nhì chuẩn bị mâm cúng cho nghi thức gọi hồn. Ảnh: TTXVN phát

Ngay từ chiều 25/7, hoạt động tại bản làng Tả Cố Khừ (một trong 7 bản của xã Sín Thầu) đã nhộn nhịp, tất bật bởi các chị, em gái, các bà, các mẹ đi lấy lá chuối, ngâm gạo nếp, chuẩn bị các đồ dùng, vật dụng cho các lễ thức cúng của Tết Mùa mưa. Tả Cố Khừ là một trong những bản thành lập sớm nên người Hà Nhì sinh sống ở bản khá đông so với 6 bản còn lại của xã, hiện bản có hơn 100 hộ, hơn 540 nhân khẩu.

Rạng sáng 26/7, khi bản làng chưa tỏ mặt người, dân bản Tả Cố Khừ và các bản lân cận đã thức giấc chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, sân ngõ sạch sẽ. Thành viên trong các gia đình đã tất bật với việc đồ xôi. Tiếng giã bánh dày (gạ bạ) tại các gia đình cũng nhanh chóng vang vọng khắp bản làng, vùng biên.

Về cực Tây vui Tết mùa mưa cùng cộng đồng dân tộc Hà Nhì ảnh 3Không gian tổ chức lễ thức gọi hồn trong Tết mùa mưa được thực hiện ở nhiều địa điểm để cầu cho con cháu được khỏe mạnh, bản làng gặp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: TTXVN phát

Các bà, các mẹ người dân tộc Hà Nhì cho biết, gạo nếp được lựa chọn để giã bánh dày là loại gạo nếp do chính tay của những người trong gia đình cấy trồng, được lựa chọn kỹ càng của mùa vụ trước, được cất giữ, bảo quản cẩn thận nên hạt mẩy, khi đồ lên rất thơm, dẻo. Công đoạn giã bán dày có sự tham gia của nhiều người trong gia đình, họ hàng để thể hiện tình đoàn kết, sự sẻ chia. Bên những cối giã bánh dày đặt cạnh hiên nhà, đầu ngõ, người thì luôn tay đảo đều bột bánh trong cối đá, nhiều người nhịp chân đều đặn để nâng chày. Để tạo ra được một mẻ bánh dày ngon, có độ kết dính ưng ý, bánh mịn, dẻo thì công việc giã bánh diễn ra cả tiếng đồng hồ.

Khi hoàn tất việc giã bánh, các gia đình sẽ nặn thành ba chiếc bánh để dâng cúng tổ tiên. Do nền kinh tế chủ đạo là nông nghiệp, chăn nuôi nên trong tâm thức của người Hà Nhì, bánh dày là thành quả của quá trình lao động chăm chỉ và vất vả. Lễ vật này khi dâng cúng sẽ thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân, hiếu thuận của các thành viên trong gia đình, thế hệ con cháu đối với các đấng sinh thành, bậc tiên tổ. Thực hiện lễ thức khấn vái, cúng tổ tiên thì đàn ông hoặc phụ nữ trong gia đình đều có thể đảm nhận. Nhưng người đóng vai trò chủ lễ phải là chủ nhà (bố, mẹ), hoặc có vai trò quan trọng trong cộng đồng (già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ). Khi chủ lễ cúng xong, bánh dày sẽ được hạ lễ, chia cho các thành viên trong gia đình cùng thụ lễ.

Về cực Tây vui Tết mùa mưa cùng cộng đồng dân tộc Hà Nhì ảnh 4Người đóng vai trò chủ lễ phải là chủ nhà (bố, mẹ), hoặc có vai trò nhân nhân tố quan trọng trong cộng đồng (già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ). Ảnh: TTXVN phát

Không khí thiêng liêng, thành kính, trang nghiêm sau đó được tiếp diễn khi các gia đình thực hiện nghi thức gọi hồn. Lễ vật chuẩn bị cho lễ thức này gồm hai con gà, một quả trứng, một bát nước trắng, chai rượu và không thể thiếu một số vật dụng, trang sức gắn liền với đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người Hà Nhì như: vòng tay, khăn, áo, quần... Không gian tổ chức lễ thức gọi hồn được thực hiện ngoài cửa và trong nhà, nơi thờ tổ tiên để cầu cho con cháu được khỏe mạnh, bản làng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau lễ cúng gọi hồn, chủ lễ sẽ mang tất cả các lễ vật vào nhà, các thành viên trong gia đình cùng uống bát nước trắng và nhận lại trang sức, vật dụng.

Sau nghi thức gọi hồn, tiếp đó các gia đình sẽ cúng tổ tiên hai bên nội, ngoại. Chủ nhà sẽ cắt tiết vật hiến tế (hai con gà), mọi thành viên trong gia đình cũng nhanh tay chuẩn bị các thứ, sắp bày một mâm cúng với các lễ vật, gồm hai bát cháo, hai bát thịt nạc gà xé, gan gà luộc, hai chén rượu... Khi gia chủ hoàn tất việc cúng xin, lễ vật được hạ, mọi người trong gia đình cùng quây quần bên nhau ăn cỗ.

Về cực Tây vui Tết mùa mưa cùng cộng đồng dân tộc Hà Nhì ảnh 5Các thiếu nữ dân tộc Hà Nhì chuẩn bị trang phục đi chơi tết. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Theo chính quyền các xã Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), Tết Mùa mưa là một lễ tết quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân tộc Hà Nhì. Thông thường, sự kiện này được tổ chức trong 4 ngày, từ ngày Hợi, Tí, Sửu đến hết ngày Dần. Đây là khoảng thời gian mọi người trong bản làng nghỉ ngơi, vui chơi để lấy lại sức sau một năm lao động vất vả. Trong Tết mùa mưa, các nghi thức, lễ thức chủ yếu diễn ra trong ngày đầu tiên, các ngày tiếp theo diễn ra phần hội. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, trước tình hình dịch COVID-19, để phòng, chống dịch bà con tổ chức ăn Tết mùa mưa trong thời gian ngắn hơn, các lễ thức cũng diễn ra với quy mô nhỏ hơn, nhiều hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ trong phần hội cũng được cắt bỏ. Việc đi thăm, chúc phúc nhau, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong làm ăn kinh tế cũng được người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Về Mường Nhé- cực Tây Tổ quốc, được dự Tết Mùa mưa (Dế Khừ Chà) của cộng đồng dân tộc Hà Nhì, du khách sẽ dễ dàng cảm nhận được văn hóa trọng tình, mến khách, tình đoàn kết bản làng; tâm hồn, tính cách, văn hóa ứng xử của người dân nơi đây.

Trải qua tiến trình lịch sử, quá trình tìm đất khai hoang, định cư, tạo lập bản làng, cộng đồng dân tộc Hà Nhì ở Mường Nhé (Điện Biên) đã khẳng định được vai trò chủ thể trước hoàn cảnh, môi trường khắc nghiệt của tự nhiên. Đồng thời tạo dựng được những dấu ấn trong quá trình sáng tạo và phát triển văn hóa dân tộc; xây dựng, bảo lưu được các thiết chế bản làng, những tri thức dân gian, tập tục văn hóa độc đáo, mang tính nhận diện văn hóa dân tộc. Tết Mùa mưa (Dế Khừ Chà) là một sản phẩm tinh thần độc đáo của người Hà Nhì, góp vào kho tàng Di sản văn hóa dân tộc Việt Nam một tài sản quý.

Hải An

(TTXVN)
Dân tộc Hà Nhì Dân tộc Hà Nhì

Tên tự gọi: Hà Nhi gia.

Tên gọi khác: U Ní, Xá U Ní.

Nhóm địa phương: Hà Nhì, Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì đen.

Dân số: 21.725 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến (ngữ hệ Hán-Tạng), gần với Miến hơn.

Lịch sử: Cư dân Hà Nhì đã từng sinh sống lâu đời ở nam Trung Quốc và Việt Nam. Từ thế kỷ thứ 8, thư tịch cổ đã viết về sự có mặt của họ ở Tây Bắc Việt Nam. Nhưng phần lớn tổ tiên người Hà Nhì hiện nay là lớp cư dân di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm trở lại đây.

Hoạt động sản xuất: Người Hà Nhì sớm biết trồng lúa trên ruộng bậc thang. Họ giỏi việc khai khẩn tạo nên những thửa ruộng trên sườn núi dốc với những mương dẫn nước khéo léo. Họ quen dùng phân chuồng và phân tro trong canh tác lúa nước; đồng thời cũng làm nương cày hoặc nương cuốc để trồng ngô hoặc rau đậu, bầu, bí, bông, chàm...

Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo lối chăn thả tự nhiên. Ðàn trâu nuôi thả rông trong rừng có đến hàng trăm con.

Nghề trồng bông, dệt vải đảm bảo nhu cầu vải mặc truyền thống. Có nơi do khí hậu lạnh nên không trồng được bông phải đem các sản phẩm như chàm, đồ đan, gia cầm đổi lấy bông. Phụ nữ dệt vải trên khung cửi nhỏ, khổ 20 cm. Vải bền do kỹ thuật dệt đo được nhuộm chàm nhiều lần. Trồng chàm và nhuộm chàm là một hoạt động rất đặc sắc ở người Hà Nhì.

Hái lượm còn chiếm vị trí đáng kể trong đời sống hàng ngày.

Ăn: Người Hà Nhì quen dùng cả cơm nếp và cơm tẻ trong các bữa ăn hàng ngày. Thực phẩm chủ yếu được cung cấp từ săn bắt, đánh cá, hái lượm. Vào dịp lễ tết, họ thường làm nhiều loại bánh, ưa dùng thịt nướng, thịt xào và đặc biệt thích ăn cháo ám nấu với thịt gà hoặc thịt lợn.

: Họ quần cư chủ yếu trên dọc biên giới Việt-Trung, Việt-Lào thuộc các huyện Bát Xát (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu). Bộ phận làm ruộng bậc thang, nương định canh từ lâu đã sống định cư. Nhiều bản có tuổi trên 100 năm, đông tới 50, 60 hộ. Những nơi làm nương, bản thường phân tán rải rác theo nương.

Ða số cư dân ở nhà đất, tường trình chắc chắn, dày tới 30-40cm, thích hợp với khí hậu lạnh vùng núi cao. Tuỳ từng nơi, nhà có hàng hiên phía trước hoặc hàng hiên ở ngay trong nhà để tránh gió rét. Họ quen nấu cơm bằng chảo ở bếp lò xây trên nền đất.

Phương tiện vận chuyển: Người Hà Nhì phổ biến dùng gùi đeo qua trán, một số nơi dùng ngựa trong việc đi lại và chuyên trở.

Quan hệ xã hội: Tính cộng đồng trong làng bản biểu hiện khá tập trung không chỉ trong sản xuất mà cả trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng.

Gia đình nhỏ phụ quyền song người phụ nữ vẫn được trân trọng trong xã hội. Có nhiều họ khác nhau, mỗi họ lại chia ra thành nhiều chi. Tên chi gọi theo tên ông tổ.

Người Hà Nhì không có tục thờ cúng chung toàn dòng họ mà chỉ thờ cúng theo gia đình. Việc thờ cúng do con trai cả, dòng trưởng đảm nhận. Nếu dòng trưởng không có người thừa kế thì việc thờ cúng chuyển cho con trai út. Các thành viên trong gia đình, dù đã ra ở riêng, nếu bị chết phải đưa xác về quàn tại trước bàn thờ bố mẹ thì người quá cố mới được thờ cúng chung với tổ tiên.

Hàng năm vào tối 30 tết, một nghi lễ rất quan trọng trong gia đình được thực hiện. Ðó là lễ tưởng nhớ tổ tiên dòng họ, đọc tên từng tổ tiên và mọi người cùng nhắc lại. Tên từng người được gọi theo cách gọi phụ tử liên danh, tên cha nối với tên con, nên có vần điệu dễ nhớ. Có họ nhắc tới 71 tên gọi trong buổi lễ này. Có nơi nghi lễ này cũng được thực hiện trong lễ nhập quan cho người chết.

Cưới xin: Tuỳ từng vùng phong tục cưới xin khác nhau nhưng một điểm chung nhất là các cuộc hôn nhân do trai gái tự tìm hiểu. Ở vùng Bát Xát (Lào Cai), cưới qua nhiều bước. Sau ba lần dạm hỏi, lễ cưới thứ nhất được tổ chức nhằm đưa con dâu về nhà chồng. Lần cưới thứ hai ăn uống linh đình ở nhà gái. Lễ này chỉ diễn ra sau khi đôi vợ chồng làm ăn khá giả, lúc đó họ đã có con, cháu, có người 50-60 năm sau hoặc cho đến khi chết vẫn chưa tổ chức được lễ cưới này. Ở Tây Bắc, sau lễ hỏi, con rể đến ở rể. Nếu trả ngay tiền cưới thì không phải ở rể, lễ cưới được tổ chức ngay, từ đó con dâu mang họ của chồng.

Sinh đẻ: Phụ nữ Hà Nhì đẻ đứng. Ðể dễ đẻ họ có tục đập vỡ ống bương đựng nước cho nước toé ra hoặc thả ống bương nước trong có cái đục từ trên đỉnh nóc nhà xuống, đục bắn ra giống như đứa trẻ được đẻ ra. Có nơi sản phụ được uống nước tro của ruột voi với mong muốn sản phụ có sức mạnh như voi. Rau đẻ được chôn ở ngay sau cửa ra vào hay cột cạnh bếp lò.

Nhà có trẻ mới sinh được báo hiệu bằng chiếc nón úp trên cọc ở trước cửa, nếu cọc ở phía bên phải - sinh con gái, bên trái - sinh con trai.

Ma chay: Quan tài bằng thân cây khoét rỗng, có nắp đậy kín. Nơi đào huyệt được chọn bằng cách ném trứng, trứng vỡ ở đâu thì đào ở đấy. Kiêng chôn vào mùa mưa, vào thời điểm đó quan tài người chết được treo xuống huyệt nhưng không lấp, bên trên có nhà táng hoặc đặt trên giàn. Hết mùa mưa mới đem chôn quan tài có người chết.

Thờ cúng: Họ tin có linh hồn, thờ cúng tổ tiên, cúng bản và các nghi lễ nông nghiệp.

Lễ tết: Người Hà Nhì ăn tết năm mới vào đầu tháng 10 âm lịch. Trong năm còn có Tết cơm mới, Tết mồng năm tháng năm, rằm tháng 7.

Học: Người Hà Nhì chưa có chữ viết riêng, việc giáo dục chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác.

Văn nghệ: Người Hà Nhì có nền văn học dân gian với nhiều thể loại như truyện thần kỳ, cổ tích, trường ca, ca dao, thành ngữ...

Dân ca, dân vũ là những hình thức văn nghệ được mọi lứa tuổi ưa thích.

Các loại nhạc cụ có trống, chiêng, đàn tính, đàn môi, sáo.

Chơi: Trẻ em Hà Nhì thích chơi các trò chơi đòi hỏi lòng dũng cảm, khéo léo như đấu vật, đuổi bắt, trốn tìm, chơi cù, đu quay.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm