Điện Biên tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1

Điện Biên tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1
Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên khám, chữa bệnh cho bệnh nhân mắc cúm A. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
 Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên khám, chữa bệnh cho bệnh nhân mắc cúm A. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Từ ngày 16 đến 25/12, theo ghi nhận có gần 300 trường hợp nghi mắc cúm vào xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Kết quả xét nghiệm có hơn 140 trường hợp dương tính với cúm A, B (chủ yếu là cúm tuýp A). Các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là trẻ em 1 – 4 tuổi, trong đó có 44 trường hợp có diễn biến nặng phải nhập viện điều trị. Theo bác sĩ Đỗ Tiến Lợi - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, bệnh cúm là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, do virus gây ra. Bệnh thường có các biểu hiện sốt cao, đau mỏi người, đau cơ, mệt mỏi. Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ, tuy nhiên đối với trẻ em sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch thì bệnh có thể diễn biến nặng, dễ biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao. Đa số các trường hợp bệnh cúm chúng ta có thể chăm sóc ở nhà, dùng các biện pháp để hạ sốt, chườm ấm; vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng các loại nước muối sinh lý hoặc có thể tự pha nước muối loãng. Khi chăm sóc bệnh nhân cúm nên đeo khẩu trang để tránh lây lan. Khi trẻ sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt vẫn không hiệu quả, có biểu hiện mệt mỏi nhiều, nôn chớ, khó thở, ho nhiều thì phụ huynh cần đưa đến các cơ sở y tế để khám và có biện pháp điều trị. Bác sĩ Nguyễn Quang Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên cho biết: Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên đã đề nghị các Bệnh viện, Trung tâm y tế các địa phương trong tỉnh giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cộng đồng, các cơ sở điều trị nhằm phát hiện trường hợp mắc bệnh tiến triển, xử lý triệt để; khoanh vùng khi phát hiện ổ bệnh hoặc chùm ca bệnh mắc cúm, không để lây lan, bùng phát ra cộng đồng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh cúm, phát hiện sớm, cách ly, điều trị tại nhà đối với trường hợp nhẹ; đối với các trường hợp nặng cần đến cơ sở y tế để điều trị; vận động người dân hạn chế đến nơi đông người khi có dịch bệnh để phòng lây lan, khi cần tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang; tăng cường vệ sinh cá nhân, tăng cường chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng để phòng bệnh, giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết lạnh, chủ động tiêm phòng vắc xin phòng cúm với các chủng cúm đã có vắc xin bảo vệ. Đối với các cơ sở điều trị cần tổ chức tốt công tác phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly, cấp cứu, thiết lập khu vực riêng điều trị bệnh nhân cúm; phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, lấy mẫu bệnh phẩm và xét nghiệm để phát hiện kịp thời các tác nhân cúm độc lực cao; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất, khu vực cách ly để điều trị và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Xuân Tư

Có thể bạn quan tâm