Điện Biên: Khai mạc Lễ hội hoa Ban và Ngày hội "Hương sắc miền Tây Bắc"

Điện Biên: Khai mạc Lễ hội hoa Ban và Ngày hội "Hương sắc miền Tây Bắc"

Tối 12/3, tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã khai mạc “Lễ hội hoa Ban năm 2023” và Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh lần thứ VII với chủ đề “Hương sắc miền Tây Bắc”.

Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 69 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2023), 114 năm thành lập tỉnh (28/6/1909-28/6/2023) và 74 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949-10/10/2023).

Dự buổi Lễ có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành trong nước; đại biểu các tỉnh của nước bạn Lào và hàng nghìn đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Điện Biên: Khai mạc Lễ hội hoa Ban và Ngày hội "Hương sắc miền Tây Bắc" ảnh 1Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô phát biểu khai mạc Lễ hội. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô nhấn mạnh: Lễ hội hoa Ban năm 2023 và Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh lần thứ VII là sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc, mang tính nhận diện đặc trưng riêng của tỉnh Điện Biên. Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn, sôi nổi nhằm bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa các cộng đồng dân tộc trên địa bàn; qua đó góp phần chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Đây cũng là dịp để tỉnh Điện Biên quảng bá vẻ đẹp về mảnh đất con người, tiềm năng du lịch của Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, khẳng định Điện Biên đã và đang nỗ lực từng bước triển khai, thực hiện các giải pháp đồng bộ để sớm đưa Điện Biên trở thành địa phương phát triển mạnh về du lịch.

Lễ hội hoa Ban với nhiều hoạt động sôi nổi cũng là dịp để Điện Biên phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc, mang đến cho du khách trong và ngoài nước nhiều trải nghiệm và ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất, con người Điện Biên.

Sau bắn pháo hoa tầm thấp và những tiết mục văn nghệ, cảnh diễn giới thiệu về vẻ đẹp của hoa Ban, thiên nhiên, mảnh đất, con người Điện Biên là chương trình khai mạc lễ hội.

Điện Biên: Khai mạc Lễ hội hoa Ban và Ngày hội "Hương sắc miền Tây Bắc" ảnh 2Các đại biểu bấm nút khai mạc Lễ hội. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Chương trình khai mạc diễn ra với màn nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề “Hương sắc miền Tây Bắc” do hàng trăm nghệ sỹ, diễn viên của Trung ương, địa phương và diễn viên quần chúng trình diễn.

Chương trình nghệ thuật gồm 2 phần: "Tỏa hương giữa miền Tây Bắc", "Điện Biên lung linh miền khát vọng". Lấy ý tưởng từ những thửa ruộng bậc thang rất đặc trưng của Tây Bắc; từ những cánh hoa Ban e ấp của Điện Biên, sân khấu chương trình được tạo ra bởi 3 tầng, có hiệu ứng không gian đổi màu; tổng thể sân khấu rất lớn với nhiều lớp hiệu ứng và hình thức thể hiện đa dạng, hiệu quả về mặt thị giác.

Thông qua các clip “Về với Điện Biên”, “Điện Biên đón người”, các hoạt cảnh “Bức tranh thổ cẩm”, “Ngày xuân vui hội bánh dày”, “Tây Bắc thả chiều vào tranh”…, chủ đề “Tỏa hương giữa miền Tây Bắc” đã khẳng định Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng quanh năm đều mang vẻ đẹp rạng rỡ được thiên nhiên ban tặng. Điện Biên còn biết đến như một vùng đất cổ, là cái nôi của dân tộc Thái thể hiện qua những câu chuyện sử thi và vũ điệu dân gian; đồng thời, khắc họa một kho tàng văn hóa dân gian độc đáo, đa sắc với nét sinh hoạt đặc trưng vẫn còn được gìn giữ, trao truyền của 19 cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Chủ đề “Điện Biên lung linh miền khát vọng”, qua các cảnh diễn, lớp diễn “Tự hào Điện Biên tôi”, “Điện Biên tỏa sắc”, “Trẩy hội non sông”, “Điện Biên xin chào”, “Ánh sáng Điện Biên”… đã khắc họa rõ nét một Điện Biên phát huy truyền thống, niềm tự hào về mảnh đất lịch sử; từng ngày đổi thay trên các lĩnh vực nhờ sự đoàn kết, chung tay xây dựng từ những bàn tay, khối óc của con người miền Tây Bắc của Tổ quốc, tạo ra những tiền đề vững chắc cho khát vọng bay lên. Đồng thời, khẳng định Điện Biên sẽ phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, lấy du dịch thúc đẩy hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa đã mở ra triển vọng cho vùng đất lịch sử Điện Biên ngày càng khởi sắc, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh du lịch trọng điểm của khu vực Tây Bắc.

Khép lại chương trình khai mạc là hoạt động múa xòe cộng đồng đoàn kết; không gian trải nghiệm nhảy sạp của dân tộc Khơ-mú, Thái, Lào diễn ra tại Quảng trường 7/5.

Đêm khai mạc mang đến cho du khách, người xem những ấn tượng, cảm nhận tốt đẹp về mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, linh thiêng, tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa và thân thiện, trọng tình, mến khách.

Điện Biên: Khai mạc Lễ hội hoa Ban và Ngày hội "Hương sắc miền Tây Bắc" ảnh 3
Điện Biên: Khai mạc Lễ hội hoa Ban và Ngày hội "Hương sắc miền Tây Bắc" ảnh 4
Điện Biên: Khai mạc Lễ hội hoa Ban và Ngày hội "Hương sắc miền Tây Bắc" ảnh 5
Điện Biên: Khai mạc Lễ hội hoa Ban và Ngày hội "Hương sắc miền Tây Bắc" ảnh 6
Điện Biên: Khai mạc Lễ hội hoa Ban và Ngày hội "Hương sắc miền Tây Bắc" ảnh 7
Điện Biên: Khai mạc Lễ hội hoa Ban và Ngày hội "Hương sắc miền Tây Bắc" ảnh 8
Điện Biên: Khai mạc Lễ hội hoa Ban và Ngày hội "Hương sắc miền Tây Bắc" ảnh 9Chương trình nghệ thuật đặc sắc khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2023. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Được tổ chức thường niên từ năm 2014 vào tháng Ba, thời điểm gắn liền với sự kiện mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Lễ hội hoa Ban đã trở thành một thương hiệu du lịch đặc sắc riêng có của tỉnh Điện Biên; là nơi đồng bào các dân tộc và du khách được đắm chìm trong không gian văn hóa gắn với hoa Ban - loài hoa đặc hữu của núi rừng Tây Bắc, trở thành thương hiệu và nhận diện văn hóa, du lịch của tỉnh Điện Biên.

Sau 3 năm tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (năm 2020, 2021 và 2022), Lễ hội hoa Ban năm 2023 được tổ chức trở lại, từ ngày 10-13/3 với các hoạt động gồm: Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc; hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao; diễu hành đường phố chủ đề “Đêm hội hoa Ban”; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch; giới thiệu không gian văn hóa truyền thống của địa phương; không gian văn hóa vùng cao, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, độc đáo của các địa phương; các chương trình văn nghệ, trình diễn di sản Then, Xòe... của đồng bào Tây Bắc.

Đặc biệt năm nay, Lễ hội Hoa Ban có điểm nhấn là Cuộc thi “Người đẹp hoa Ban” với sự tham gia của hơn 100 thí sinh đến từ nhiều tỉnh, thành trong khu vực, vượt qua các vòng sơ tuyển, sơ khảo, 20 người đẹp sẽ được chọn ra để tham dự đêm Chung kết vào tối 13/3.

Xuân Tiến – Xuân Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm