Điện Biên đảm bảo an toàn các hồ, đập vượt lũ

Điện Biên đảm bảo an toàn các hồ, đập vượt lũ
Lãnh đạo Công ty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên kiểm tra hồ, đập nhằm phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời. Ảnh: dienbientv.vn
Lãnh đạo Công ty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên kiểm tra hồ, đập nhằm phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời. Ảnh: dienbientv.vn

Theo thống kê, toàn tỉnh Điện Biên hiện có hơn 900 công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng, trong đó có 13 hồ chứa, 2 trạm bơm điện, 2 trạm thủy luân, hơn 880 công trình lấy nước bằng đập dâng, phai tạm. Ngoài 13 hồ chứa đã đưa vào khai thác sử dụng còn có 2 hồ chứa đang thi công là hồ chứa nước Ảng Cang (xã Ảng Cang, huyện Mường Ảng), hồ chứa nước Nậm Khẩu Hu (xã Hua Thanh, huyện Điện Biên). Các hồ, đập chứa nước là những công trình phục vụ tưới, tiêu trong nông nghiệp, sinh hoạt, vừa tích nước để cung cấp nước cho các máy phát điện, điều tiết nước trong mùa lũ. Tuy nhiên các hồ, đập chứa nước cũng là nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn cho người dân sống ở khu vực hạ du, hạ lưu, ven sông hồ nếu xảy ra sự cố. Vì vậy, trước mùa mưa lũ năm nay, cơ quan chức năng đã xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp nhằm bảo đảm an toàn hồ đập, tránh sự cố xấu nhất có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Định, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Điện Biên cho biết: Để đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa lũ 2018, Chi cục đã chỉ đạo, yêu cầu các chủ hồ tiến hành kiểm tra đánh giá chung về ổn định hồ, đập; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp để xây dựng, cập nhật, bổ sung phương án phòng, chống lụt, bão của hồ, đập và phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du, hạ lưu. Trong đó, tập trung kiểm tra các công trình đầu mối hồ chứa, đập dâng nước, tràn xả lũ, cống lấy nước, cống xả cát, hệ thống kênh và công trình trên kênh; thường xuyên rà soát, kiểm tra vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu, vật liệu dự phòng trong mùa mưa lũ; tăng cường việc trồng mới và khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm nâng cao khả năng điều tiết, kéo dài thời gian truyền lũ về hạ du, bảo vệ hệ thống các công trình hồ đập và khu dân cư ven sông, suối. Duy trì phối hợp, trao đổi thông tin giữa chủ hồ và chính quyền địa phương, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp trong việc giám sát vận hành, điều tiết xả lũ của hồ chứa theo đúng quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Ông Nguyễn Văn Duyên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn quản lý thủy nông Điện Biên cho biết: Đơn vị đang quản lý 12 hồ, đập chứa nước, trong đó hồ Pá Khoang có sức chứa lớn nhất với dung tích trên 50 triệu m3 nước. Với nhiệm vụ quản lý và đảm bảo an toàn các hồ, đập chứa nước, ngay từ đầu tháng 4/2018, Công ty đã tăng cường kiểm tra, rà soát tất cả các công trình, kịp thời sửa chữa, khắc phục hư hỏng. Ngoài ra để sẵn sàng ứng phó với những diễn biến thất thường mùa mưa lũ, gây mất an toàn cho các hồ, đập chứa nước, Công ty đã xây dựng phương án phòng chống lũ tại mỗi hồ, đập; đồng thời đơn vị đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, phân công cụ thể từng người, phụ trách từng đơn vị; thường xuyên phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ đóng trên địa bàn diễn tập, ứng cứu hồ đập; chuẩn bị vật tư như cọc, phên tre, đá, rọ thép…

Hiện nay, theo đánh giá của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn nhiều công trình hồ, đập chứa nước bị chia cắt bởi các dòng suối, nằm ở vùng sâu vùng xa, vào mùa mưa lũ khi xảy ra sự cố rất khó khăn cho việc ứng cứu. Đặc biệt, một số hồ chứa như hồ Bản Ban, hồ Na Hươm, hồ Sái Lương... do không có kinh phí đầu tư nên sau nhiều năm vẫn chưa có đường, cầu đi vào để đảm bảo cho các lực lượng và phương tiện ứng cứu khi sự cố xấu xảy ra.
Võ Văn Dũng

Có thể bạn quan tâm