Điểm tựa sáng trường vùng sâu

Điểm tựa sáng trường vùng sâu
Gương sáng của đồng nghiệp
Trần Thị Phụng sinh năm 1965, quê xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Cô có 31 năm nay gắn bó với ngành giáo dục, ở Lâm Đồng từ năm học 2010-2011. Từ bề dày kinh nghiệm, nhiệt huyết, vượt lên cảnh lạ nước lạ cái, quyết chí thì nên, chỉ sau 2 tháng, cô Phụng đã được tín nhiệm là khối trưởng khối 3 của Trường Tiểu học Tà Năng, Đức Trọng; sau một năm với vai trò chủ tịch công đoàn trường đến nay. Khiêm tốn, nói ít làm nhiều, tính tình mềm mỏng nhưng hành động quyết đoán và nghiêm khắc là những đức tính và phẩm chất của cô giáo Trần Thị Phụng. Cùng với phẩm hạnh nhân ái đã giúp cô giáo Phụng thành công nhiều trong công việc. Ở cô, hội đủ người giáo viên giỏi, cán bộ công đoàn mẫu mực; người mẹ chứa chan trách nhiệm, cả nghĩa hẹp với 2 đứa con đẻ và nghĩa rộng với trẻ thơ học trò… 
 
Học sinh A Ghe được cô giáo Phụng dìu về sau buổi học
Học sinh A Ghe được cô giáo Phụng dìu về sau buổi học
Ấn tượng mạnh nhất về Trần Thị Phụng đối với các đồng nghiệp và cộng đồng dân cư vùng sâu Tà Năng là cô đã dám nghĩ, dám làm nên khu ở tập thể của giáo viên tươm tất. Khu nhà công vụ này vốn trống trải giữa bãi đất hoang và càng chống chếnh giữa lầy lội mưa dầm. Phụng xa xót thương đồng nghiệp và những con trẻ trong chung cư... Nhiều đêm trằn trọc rồi cô mạnh dạn đặt vấn đề với địa phương, nhà trường và kêu gọi các mạnh thường quân chung tay cải tạo. Bây giờ, khu nhà công vụ không chỉ sạch, đẹp mà có giếng nước, nhà vệ sinh, hàng rào, internet... Nơi đây trở thành địa chỉ của lan tỏa yêu thương, ấm cúng chan hòa, hạnh phúc và cả tự hào với người chị cả Trần Thị Phụng. Cô Lê Thị Liên không giấu cảm xúc: “Chúng tôi thầm cảm ơn những đóng góp, những trăn trở của cô Phụng để có kết quả như bây giờ”... 
Chủ tịch công đoàn Trần Thị Phụng thực thụ là một thủ lĩnh. Cô phát động phong trào bằng những hành động truyền lửa cụ thể. “Hai giỏi”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương năng động, sáng tạo”…, những phong trào vừa có chiều sâu vừa linh động trong lồng ghép. Thành tựu của từng cá nhân đăng ký cũng là thành công cộng hưởng của cả tập thể. Đó là tập thể dục buổi sáng, luyện thể thao buổi chiều; trồng rau sạch, nuôi gia cầm; là tổ chức sinh nhật, vận động hiến máu nhân đạo. Đó là thành lập 2 tổ góp vốn với 30 nữ công đoàn tham gia, hàng tháng góp được 15 triệu đồng; là vận động 100% đoàn viên tham gia quỹ tương trợ mỗi tháng 50 nghìn đồng để giúp 40 đoàn viên khó khăn... Trần Thị Phụng còn chia sớt đồng lương của mình giúp một số đồng nghiệp bằng tình mẹ - con, tình chị - em… Kết đoàn, phấn chấn với nghề từ đó mà nẩy lộc, nhân rộng trong cộng đồng. Công đoàn tiểu học Tà Năng 3 năm học liền (2012-2015) đều “Vững mạnh xuất sắc” trong ngành giáo dục huyện. Cá nhân cô Trần Thị Phụng tiếp tục đạt các danh hiệu giáo viên giỏi, lao động tiên tiến cấp trường, cấp huyện và chiến sĩ thi đua cơ sở. Cô được Huyện ủy biểu dương gương điển hình tiên tiến về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2011 - 2014; Công đoàn giáo dục huyện công nhận đoàn viên xuất sắc và Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Công đoàn”… Một đồng nghiệp nhận xét với tôi: “Chị Phụng về trường đến nay được 5 năm đã mang lại cho nhà trường và cộng đồng những thành công mà bao thế hệ chủ tịch công đoàn các nhiệm kì trước kia chưa bao giờ làm được”. 
San sớt tình thương cho con trẻ lớn lên 
Năm 1984, Phụng xây dựng gia đình, 12 năm thì hạnh phúc đổ vỡ. Phụng trằn trọc tự vấn: “Với đồng lương ở vùng thuận lợi liệu có đủ nuôi con của mình ăn học không? Mình phải làm gì? Và có những mơ ước gì?...”. Thế là cô quyết buông chốn Đồng Tháp lên tỉnh miền núi và vào vùng sâu “trồng người” nhằm tăng thu nhập. Có tiền mới gồng gánh nuôi 2 con học đại học như chị từng phấn đấu và giúp đỡ những cảnh nghèo khác. Gian nan rồi cũng ngọt bùi. Cả 2 con của chị đều tốt nghiệp Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và được nhận làm việc tại Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Con gái đầu Lê Thị Thanh Kiều, sinh 1985, là kế toán trưởng, nay làm Phó chi nhánh Công ty tại Đồng bằng sông Cửu Long, đã có 1 con với chồng là Công an tỉnh Đồng Tháp. Con trai Lê Trần Đăng Khoa, sinh năm 1992, vốn là sinh viên loại giỏi và đang tiếp bước gương thành đạt của chị gái.
 
Cô giáo Phụng với vật liệu xây dựng các công trình ở khu tập thể
Cô giáo Phụng với vật liệu xây dựng các công trình ở khu tập thể
Ước nguyện đau đáu ở Trần Thị Phụng là khi các con thành đạt, cô sẽ đền đáp cho nhà trường và cho những mảnh đời bất hạnh tại vùng Tà Năng bằng những việc làm từ thiện. Những kết quả như tổ chức công đoàn vững mạnh; môi trường đời sống khu tập thể khang trang và hạnh phúc là một phần đích đến của cô. Với trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số ở Tà Năng, cô giáo Phụng trở thành người mẹ thứ 2 rất mực từ bi. Cô Phụng chia sẻ: “Tôi luôn trải lòng với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Từ đây, tôi mạnh dạn và tích cực đưa những tâm tình đó đến chính quyền, với các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân”. Lòng kiên trì, đức phát tâm, sự thiện nguyện trở thành duyên lớn giúp Trần Thị Phụng san sớt tình thương yêu đến với rất nhiều mảnh đời bất hạnh. Hàng chục bộ quần áo mới và hàng trăm tập vở như đã đến tay học sinh các phân trường Tà Sơn, Klong Bong. Chứng kiến học sinh lớp 2 Jơ Wang Prong A Ghe ở thôn Khăm Prông phải nghỉ học vì bị bệnh bại liệt, cô Phụng đến động viên em học lại và đích thân đảm nhận dạy em học. A Ghe lên được lớp 3, cô tiếp tục kêu gọi giúp đỡ và được nhà trường nhận nuôi em mỗi tháng 15kg gạo cùng những sách vở, áo quần của chính cô mua. Hàng ngày, cô giáo Phụng trực tiếp đón em đến trường, bế em vào lớp học hay đi vệ sinh bằng tấm lòng mẫu tử. Cô mừng vui nhắn tin chia sẻ với tôi: “Tháng 8 vừa rồi em đã xin được chiếc xe lăn cho A Ghe đi học rồi anh ạ”. Cùng với A Ghe, em Ma Nến (sinh năm 2004, bị viêm não cấp tính không đi lại được) từ năm 2014 đến nay, hàng tháng cô Phụng trích 250 ngàn đồng từ lương của mình để nuôi 2 em. Nhiều HS tránh được mất học vì thiếu sách vở, áo quần hay bụng đói đã được cô giáo Phụng kêu gọi cộng đồng giúp đỡ đến nay đã lên hàng chục triệu đồng. 
Còn trường hợp giúp đỡ gia đình MaNy bị hoạn nạn vào tháng 5/2015 chính là duyên để tôi gặp Trần Thị Phụng. Vợ chồng MaNy bị sét đánh, chồng chết, vợ mang bầu hơn 5 tháng bị thương, 3 đứa con thơ dại lay lắt trong hoàn cảnh nhà rất nghèo. Trần Thị Phụng quyết định viết “Thư ngỏ” nhờ chính quyền địa phương và nhà trường xác nhận để kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Chỉ một thời gian ngắn, gia đình MaNy đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của rất nhiều người trong và ngoài tỉnh với hơn 60 triệu đồng để sống hàng ngày và mở sổ tiết kiệm, cùng nhiều vật dụng sinh hoạt, lương thực, thực phẩm và được sửa lại ngôi nhà... 
Ánh sáng đẹp từ cô giáo Trần Thị Phụng đã lan tỏa diệu kỳ nơi vùng sâu. Lãnh đạo xã, lãnh đạo ngành giáo dục huyện đều cảm phục và ghi nhận. Đặc biệt, tâm hồn và trí tuệ của cô Phụng lay động mạnh trong tâm cảm các đồng nghiệp. Những vần thơ, bài viết về cô giáo Phụng được sáng tác từ các cô Trần Thị Thanh Bình, Tôn Thị Cao Nguyên, Lê Thị Liên, Trần Thị Ngọc Bích, Bùi Thị Mai… Họ đã đồng điệu với cô Lê Thị Liên: “Cô Trần Thị Phụng là một tấm gương sáng, là một người mẹ, người cô, người chị để chúng tôi học tập và noi theo. Bởi vì, việc học tập của mỗi con người không chỉ diễn ra trên ghế nhà trường mà chính cả trong cuộc sống đời thường. Tôi rất thán phục và ngưỡng mộ những cống hiến của cô dành cho đời, dành cho sự nghiệp “trồng người”.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm