Điểm tựa giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo ở Quảng Trị

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) tư vấn cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) tư vấn cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo; đời sống được nâng lên, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi dần thay đổi. Từ đó, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Điểm tựa giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo ở Quảng Trị ảnh 1Bà Phan Thị Diễn ở thôn Phú An, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị) được vay vốn ưu đãi dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

Mở cánh cửa

Nhiều hộ dân của huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, nơi định cư của phần lớn người dân tộc thiểu số nhờ vay vốn ưu đãi của nhà nước đã thoát nghèo. Gia đình ông Hồ Văn Thương ở thôn Khe Ngài, xã Đakrông, huyện Đakrông là một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đakrông để phát triển kinh tế.

Với số vốn vay 100 triệu đồng, ông đầu tư trồng 6 ha cây tràm và nuôi 6 con trâu, tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Đầu năm 2022, ông Thương tiếp tục vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để trang trải chi phí cho con trai của mình là Hồ Văn Điệp (20 tuổi) qua Nhật Bản lao động. Từ chỗ là hộ nghèo, đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo và gửi tiết kiệm được 120 triệu đồng.

"Được vay vốn ưu đãi của nhà nước, gia đình tôi đầu tư mua giống cây tràm trồng rừng, nuôi trâu; đặc biệt đầu tư cho con trai đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Nhờ đó mà nhà tôi thoát nghèo, kinh tế ổn định, mỗi năm thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Vợ chồng tôi đã có tiền gửi tiết kiệm, đã mua được xe máy, năm sau chúng tôi sẽ xây nhà mới"- ông Thương chia sẻ.

Điểm tựa giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo ở Quảng Trị ảnh 2Chị Hồ Thị Hạnh, ở thôn Cơ Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được vay vốn ưu đãi dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển chăn nuôi lợn. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

Hàng xóm với ông Thương là hộ ông Hồ Văn Cua (48 tuổi) cũng nhờ vay vốn chính sách để đầu tư chăn nuôi và trồng rừng mà thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Gia đình ông Cua hiện nuôi 10 con trâu, trồng 5 ha rừng tràm, thu nhập bình quân hàng năm hơn 100 triệu đồng. Ông Cua phấn khởi: "Nhờ có vốn vay để phát triển kinh tế mà giờ nhà mình đã có trâu, có rừng; mình dùng đồng vốn vay chăm chỉ làm ăn thì không còn sợ cái đói, cái nghèo nữa".

Một điển hình thoát nghèo khác là trường hợp anh Hồ Văn Nguy, 30 tuổi, người dân tộc Pa Kô ở xã biên giới Hướng Việt, huyện Hướng Hóa. Trước đây, Hồ Văn Nguy là hộ nghèo được hỗ trợ lương thực thường xuyên. Năm 2020, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hướng Hóa cho vay vốn ưu đãi 80 triệu đồng và hướng dẫn cách làm ăn, anh Nguy đã xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi dê trên núi Sa Mù. '

Ngoài đàn dê hơn 30 con, gia đình anh còn trồng 3 ha rừng, nuôi thêm đàn bò, sau khi trừ chi phí, thu nhập hàng năm hơn 100 triệu đồng. Từ hộ nghèo, nay gia đình ông Hồ Văn Nguy đã xây dựng nhà ở kiến cố, khang trang; gia đình anh đã tình nguyện đăng ký rút khỏi diện hộ nghèo.

Mở rộng đối tượng vay

Ði dọc Quốc lộ 9 lên huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là màu xanh bạt ngàn của những vườn chuối, vườn sắn, rừng tràm trải dài trên các triền đồi; những vườn cà phê, tiêu xanh um; nhà cửa người dân mọc lên ngày càng nhiều và khang trang hơn.

Điểm tựa giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo ở Quảng Trị ảnh 3Hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, Đảng và nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào các dân tộc thiểu số với nhiều chính sách ưu đãi lớn, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội đang mang lại hiệu quả thiết thực. Có vốn, đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư trồng rừng keo tràm, nuôi bò, nuôi dê, cải tạo đất đồi thành ruộng trồng lúa nước, bắp lai, xuất khẩu lao động...

Nhờ nguồn vốn ưu đãi này nên nhiều gia đình có điều kiện để mở rộng đầu tư sản xuất, có thu nhập cao, xóa được nghèo khó, tỷ lệ hộ khá trong các thôn, bản tăng lên. Theo ông Châu, nhu cầu vay vốn của hộ đồng bào dân tộc thiểu số rất lớn, người dân rất mong muốn ngân hàng tăng định mức và mở rộng đối tượng cho vay.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua, với sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị cùng sự cố gắng nỗ lực của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững. Đặc biệt hơn là đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Đồng bào ngày càng tin tưởng vào các chính sách của Đảng, nhà nước góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh sinh sống.

Điểm tựa giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo ở Quảng Trị ảnh 4Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) tư vấn cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

Theo ông Đồng, hiện nguồn vốn hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị vẫn còn ít, dàn trải nhiều chương trình, trong khi nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế của người dân là rất lớn. Trong giai đoạn tới, chính sách tín dụng xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần tiếp tục đổi mới và mở rộng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng cho vay liên quan đến các dự án sản xuất - kinh doanh, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Trần Đức Xuân Hương, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho biết, Chi nhánh đang thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ dân tộc thiểu số, đến ngày 30/11/2022 có 14.240 hộ dân tộc thiểu số vay vốn, với tổng số tiền 580 tỉ đồng.

Theo bà Hương, các hộ dân tộc thiểu số vay vốn đã sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả, có tích lũy và trả nợ vay đúng hạn, giúp hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua ngưỡng nghèo.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng, huy động được các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nhờ đó, thời gian qua những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống đã được đảm bảo, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự trở thành "đòn bẩy" giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có nhiều hộ nghèo dân tộc thiểu số vươn lên, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, qua đó đã thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các chính sách dân tộc.

Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Trị tiếp tục cho vay kịp thời, hiệu quả các chương trình hỗ trợ dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là chương trình tín dụng theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Nguyên Linh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm