Dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ, phát triển rừng Đắk Lắk

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Chiều 23/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm tổ chức và hoạt động của Qũy bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012 – 2022.

Dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ, phát triển rừng Đắk Lắk ảnh 1Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao kết quả hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh trong 10 năm qua; đồng thời, đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh trong thời gian tới, tiếp tục rà soát các đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng, nhưng chưa thực hiện việc chi trả trực tiếp hoặc ủy thác qua Quỹ tỉnh để chi trả cho các bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng thì khẩn trương tiến hành ký kết Hợp đồng ủy thác để chi trả theo quy định.

"Tăng cường công tác kiểm tra diện tích và chất lượng rừng tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng, bảo đảm ổn định diện tích rừng cung ứng, hạn chế tình trạng diện tích rừng cung ứng bị suy giảm, tác động. Tiếp tục đẩy mạnh việc kêu gọi, huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia trồng cây xanh hoặc hỗ trợ kinh phí về Quỹ tỉnh để tổ chức trồng và chăm sóc cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, nhằm hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động", Phó chủ tịch Nguyễn Tuấn Hà đề xuất.

Theo báo cáo tại hội nghị, qua hơn 10 năm tổ chức và hoạt động, Qũy bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk đã mang lại nhiều hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Sau hơn 10 năm thực hiện, Qũy đã chi 732.349 triệu đồng phục vụ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Điều này đã tạo điều kiện tốt cho người dân nghèo đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người có điều kiện nâng cao đời sống, vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia giữ rừng.

Đến hết năm 2022, có 4.047 hộ gia đình và 56 cộng đồng, nhóm hộ tham gia cung ứng và hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2015-2022, tỉnh giao kế hoạch trồng rừng thay thế cho các đơn vị đủ điều kiện. Qua đó, Qũy bảo vệ và phát triển rừng đã kịp thời giải ngân nguồn tiền trồng rừng thay thế để thực hiện trồng 327,2 ha rừng; trong đó, rừng sản xuất là 112,69 ha (chiếm 34,4%); rừng phòng hộ là 77,64 ha (chiếm 23,8%); rừng đặc dụng là 136,87 ha (chiếm 41,8%).

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của quỹ vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại như: địa vị pháp lý của Quỹ cấp tỉnh quy định tại Luật Lâm nghiệp chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến mỗi địa phương tổ chức hoạt động theo mỗi mô hình khác nhau. Hiện, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về việc lồng ghép bố trí các nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng dẫn đến một số chủ rừng nằm trong lưu vực có mức chi trả dịch vụ môi trường rừng thấp bị thiệt thòi. Chính sách quy định về thu chi sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng và tiền trồng rừng thay thế còn nhiều bất cập.

Dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ, phát triển rừng Đắk Lắk ảnh 2Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của Qũy bảo vệ và phát triển rừng, ông Nguyễn Hoài Dương cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ tại Quỹ tỉnh; tăng cường trang bị cơ sở vật chất cho công chức, viên chức, người lao động Quỹ tỉnh; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đảm bảo sử dụng có hiệu quả và theo đúng quy định, phục vụ mục tiêu quản lý, bảo vệ rừng; hoàn thành việc thu tiền trồng rừng thay thế của các Dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhưng vẫn chưa chấp hành việc nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các huyện khẩn trương đôn đốc các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, hoàn thành việc trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; đồng thời, kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không có khả năng trồng rừng thay thế mà không nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh theo quy định.

Dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ, phát triển rừng Đắk Lắk ảnh 3Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Đối với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở đề nghị ban hành quy định hướng dẫn cụ thể về tổ chức, bộ máy, biên chế tại Quỹ cấp tỉnh, nhằm tạo cơ sở pháp lý để các địa phương áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc; xem xét điều chuyển tiền trồng rừng thay thế của các tỉnh không còn quỹ đất, để Quỹ tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận và tham mưu phân bổ trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo quy định.

Đắk Lắk có diện tích rừng là 509.774 ha; trong đó, diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng 209.718 ha (số liệu năm 2022), chiếm 41% tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm