Địch Giáo cán đích nông thôn mới

Địch Giáo cán đích nông thôn mới

Địch Giáo. Những con đường bê tông chạy qua các thôn, xóm; những đồng lúa xanh mát, với hệ thống kênh mương được quy hoạch bài bản...

Với hơn 20km đường liên thôn đã được bê tông hóa, việc đi lại của bà con trong xã giờ  đây thuận tiện hơn rất nhiều. Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay, hệ thống điện thắp sáng phủ đến tất cả các nhà dân. 3 trường đã đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống trạm y tế, khu chợ, khi xử lý rác thải… Địch Giáo đã thay đổi rất nhiều khi xã hoàn thành tất cả 19 tiêu chí nông thôn mới.

Tân Lạc đổi thay từng ngày. Ảnh:hoabinh.gov
Tân Lạc đổi thay từng ngày.  Ảnh:hoabinh.gov

Ông Bùi Văn Đình, Chủ tịch UBND xã Địch Giáo, bảo: "Có được cơ sở vật chất như hôm nay là nhờ vào những người dân, với sự đồng lòng, quyết tâm và nhất là không ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Theo thống kê, toàn xã Địch Giáo có 702 hộ dân. Bà con đã hiến trên 50.000 m2 đất các loại. Xóm Lạ hiến trên 5.000 m2. Dân các xóm còn lại cũng hiến từ vài trăm đến vài nghìn m2 đất. Có hộ đã chấp nhận đập cả nhà và chuyển đến nơi ở mới, một số hộ dân ở xóm Kem và xóm Đồi Lò còn chấp nhận di dời phần mộ của tổ tiên để việc làm đường liên xã thuận lợi hơn. 

Gia đình anh Bùi Văn Đọn, ở xóm Chạo, đã hiến hơn 500 m2 đất và nhiều ngày công để làm đường bê tông liên thôn:

- Đây là chương trình để nhân dân và xóm được hưởng thụ nên mọi người phấn khởi và đóng góp ngày công và hiến đất. Đường nội đồng mở rộng ra thì người dân muốn làm cái gì cũng thuận tiện, giao lưu hàng hóa thuận tiện. Trường mầm non phát triển lên con em đi học có nhiều thuận lợi.

Đường ở Địch Giáo đang từng bước được bê tông hóa. Ảnh: hoabinh.gov
Đường ở Địch Giáo đang từng bước được bê tông hóa. Ảnh: hoabinh.gov

Gia đình anh Bùi Văn Nhu ở xóm Bả đóng góp  800 m2 đất để làm đường bê tông và đường nội đồng. Với anh, việc này là để bà con và chính gia đình mình được đi lại thuận tiện hơn, con cái mình cũng đỡ vất vả khi đến trường: 

- Nông thôn mới thì ích lợi rất nhiều, đường xá  thuận tiện, nói về trường học thì trẻ con vô cùng thuận lợi, sắm xe, không phải đi xa như ngày xưa. Tóm lại là bây giờ đường, trường, trạm, chúng tôi là người dân không phải đi xa, không phải đi lên tuyến trên.
 
Kinh nghiệm và những bài học thực tiễn của Địch Giáo 

Ông Chủ tịch UBND xã Địch Giáo Bùi Văn Đình kể rằng: Ban đầu khó khăn cũng nhiều lắm, do người dân chưa hiểu hoặc chưa nhận thấy hiệu quả tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để phát triển hệ thống giao thông liên thôn, liên xóm. Nhiều đoạn lại rơi vào những diện tích đất thổ cư của bà con, nên xã xác định nếu bà con không hiểu, không đồng lòng chung tay thì không thể thực hiện được.
 
- Phải được sự đồng thuận của nhân dân ở trong xã, chúng tôi  tuyên truyền để nhân dân hiểu được xây dựng nông thôn mới là xây dựng cho mình chứ không phải xây dựng cho một ai, với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng lòng của bà con nhân dân thấu đến máu thịt của từng người dân thì mới thực hiện được cái chương trình nông thôn mới này. Nếu mà người dân không đoái hoài, họ coi như một dự án của Nhà nước thì chắc chắn không thể hoàn thành được - ông Đinh nói.

Người dân hiến đất xây dựng NTM tại xã Địch Giáo. Ảnh:hoabinh.gov
Người dân hiến đất xây dựng NTM tại xã Địch Giáo. Ảnh:hoabinh.gov

Ông Nguyễn Quang Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tân Lạc, thành viên ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện, cho rằng:

- Tôi cho rằng cái thói quen trông chờ của nhân dân miền núi nói chung, thứ hai là hạ tầng đang ở mức thấp kém, địa bàn hết sức phức tạp, đồi núi, sông suối xen kẽ và khu dân cư ở cách xa nhau, cho nên hạ tầng để cùng một lúc nâng cấp đủ tiêu chuẩn thì sẽ tốn rất nhiều kinh phí. Về thu nhập, tiêu chí hộ nghèo thì trong tâm lý của một số người dân vẫn chưa muốn thoát nghèo bởi vì chính sách hỗ trợ người nghèo chúng ta ưu tiên rất là nhiều, khi mà xây dựng nông thôn mới, thoát nghèo thì sẽ không được hỗ trợ. Chính vì vậy, để mà tự thoát nghèo được, đăng ký thoát nghèo thì cái này nó liên quan đến công tác tuyên truyền.

Từ kinh nghiệm của Địch Giáo, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở huyện Tân Lạc đã rút ra kinh nghiệm không nên đầu tư dàn trải, mà căn cứ vào khả năng và sự tích cực của người dân từng xã, để đề ra những mục tiêu phù hợp. Huyện không chọn xã điểm mà trên cơ sở xã nào có thành tích hàng năm tốt nhất sẽ ưu tiên nguồn lực hỗ trợ để khuyến khích các xã tích cực thi đua.
 
Cùng với xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc ưu tiên nguồn lực cho 2 xã khác là Phong Phú và Tử Nê, để các xã này về đích nông thôn mới trong năm 2015 này.  Các xã còn lại phấn đấu đạt 1-2 tiêu chí trong năm.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm