Dịch COVID-19: Từ 0 giờ ngày 22/7, Hà Nội cách ly tập trung toàn bộ người dân về từ các địa phương có dịch

Ngày 21/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 16/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý là từ 0 giờ ngày 22/7, thành phố sẽ tổ chức cách ly tập trung tại các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội theo văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; trừ các lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch; công tác công vụ đảm bảo các yêu cầu, quy định phòng, chống dịch được cấp thẩm quyền cho phép.

Dich COVID-19: Tu 0 gio ngay 22/7, Ha Noi cach ly tap trung toan bo nguoi dan ve tu cac dia phuong co dich hinh anh 1Nhân viên y tế quận Hoàn Kiếm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp có nguy cơ cao trong khu vực liên quan đến ca dương tính với SARS-CoV-2 tại phố Hàng Mắm (phường Lý Thái Tổ) ngày 18/7/2021. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Công điện nêu rõ: Thành phố đã triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19, bước đầu đã khống chế, kiểm soát một số chùm ca bệnh mới phát sinh. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, thành phố đã có các phương án vận chuyển, cung cấp đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho nhân dân.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, vẫn có một bộ phận nhỏ người dân chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và tồn tại tình trạng tập trung đông người tại một số nơi. Hàng ngày vẫn có hàng ngàn người từ các địa phương khác trở về thành phố mang theo nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; đã xuất hiện một số ca nhiễm tại cơ sở dược phẩm và ca nhiễm được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc người có biểu hiện ho, sốt, khó thở,...

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại cuộc họp ngày 21/7, để tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch và chủ động sàng lọc, truy vết, kiểm soát tình hình dịch bệnh, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các đoàn thể chính trị xã hội thành phố, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thực hiện ngay một số nội dung sau:

Từ 0 giờ ngày 22/7 tổ chức cách ly tập trung tại các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn thành phố đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội theo văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; trừ các lực lượng phục vụ công tác phòng chống dịch; công tác công vụ đảm bảo các yêu cầu, quy định phòng, chống dịch được cấp thẩm quyền cho phép.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, xây dựng phương án, đảm bảo công tác trực ban 24/24/7, đặc biệt tại các trụ sở cơ quan chính quyền các cấp, các cơ sở y tế tại địa phương để kịp thời xử lý mọi tình huống trong thời gian ngắn nhất; chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập theo quy mô phường, xã, thị trấn, khu đô thị theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Chính quyền các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tại cơ sở, Tổ phòng, chống COVID cộng đồng phối hợp Mặt trận Tổ quốc cơ sở, các đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng, quản lý, giám sát chặt chẽ người dân trở về từ các tỉnh, thành phố khác. Với những trường hợp về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch khác, thông báo trên phương tiện truyền thanh cơ sở, ghi rõ thông tin, danh sách, ngày về địa phương để người dân cùng chính quyền giám sát chặt chẽ việc di biến động, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm từ các vùng dịch khác về. Đặc biệt, các đơn vị, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã thực hiện chế độ trực 24/24/7; tăng cường công tác lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ các trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 như ho, sốt, khó thở… tại địa bàn.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn xây dựng phương án và đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý, cùng phối hợp thực hiện một số công việc như: củng cố, mở rộng Khoa Hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh nặng; đào tạo, thiết lập nhiều đội, nhóm có đủ năng lực hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu để sẵn sàng đào tạo, hỗ trợ cho các bệnh viện khác trên địa bàn; chủ động chuẩn bị phương án, nguồn lực, trang thiết bị y tế, danh mục thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ và công tác kiểm soát lây nhiễm theo Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế cho đơn vị Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 nặng, đặc biệt chú ý hệ thống khí nén, oxy trung tâm, máy thở… để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát.

Các bệnh viện khẩn trương rà soát năng lực xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và điều kiện an toàn sinh học cấp II để hỗ trợ kịp thời xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo hướng dẫn tại Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22/4/2020 của Bộ Y tế.

Sở Y tế Hà Nội khẩn trương kiểm tra phương án tổ chức các cơ sở cách ly tại các quận, huyện, thị xã, từ đó tham mưu, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo triển khai phương án đáp ứng cách ly cho 30.000 và 50.000 người, ưu tiên tổ chức tại các khu vực ngoại thành.

UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các đoàn thể chính trị xã hội của thành phố cùng phối hợp với các lực lượng chức năng cơ sở để tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu nhân dân Thủ đô thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố, chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết. Khi phát hiện có các biểu hiện như ho, sốt, khó thở…, người dân cần chủ động liên hệ ngay với cơ sở y tế tại địa phương để được lấy mẫu, xét nghiệm, sàng lọc trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kêu gọi, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn, "mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài", chung tay chống dịch. Ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng, để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.

Nguyễn Cúc

Tin liên quan

Dịch COVID 19: Sáng 21/7, nước ta ghi nhận 2.787 ca mắc mới COVID-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Tính từ 18 giờ 30 phút ngày 20/7 đến 6 giờ ngày 21/7, nước ta ghi nhận 2.787 ca mắc mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 2.775 trong nước. Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận (1.739 ca), Bình Dương (657 ca), Đồng Nai (85 ca), Tiền Giang (65 ca), Vĩnh Long (39 ca), Khánh Hòa (38 ca), Bến Tre (35 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (18 ca), Cần Thơ (16 ca), Đắk Lắk (13 ca), Kiên Giang (12 ca), Bình Phước (12 ca), Hậu Giang (9 ca), Long An (8 ca), Hà Giang (6 ca), Phú Yên (5 ca), Đắk Nông và Hà Nội ( mỗi nơi 4 ca), Quảng Ngãi (3 ca), Bình Định, Nghệ An, Lâm Đồng (mỗi nơi 2 ca), Gia Lai (1 ca); trong đó có 393 ca trong cộng đồng.


Hà Nội coi bảo vệ an toàn, tính mạng nhân dân là sứ mệnh

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang tiếp tục đặt ra những yêu cầu cấp bách, khó khăn. Bên cạnh việc duy trì sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để chiến thắng dịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, cấp ủy, tổ chức Đảng, trước tiên là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt phải xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1 và phải thực sự là “tổng chỉ huy” trong nhiệm vụ này. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức và mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị phải thực hiện tinh thần “chống dịch như chống giặc” bằng hành động cụ thể; coi chiến thắng dịch COVID-19, bảo vệ an toàn, tính mạng nhân dân là sứ mệnh, là lẽ sống.


Dịch COVID-19: Hà Nội thành lập 22 chốt tại các cửa ngõ lớn

Ngày 13/7, nguồn tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, Chủ tịch UBND thành phố vừa đồng ý về việc phân công các sở, ngành, quận, huyện phối hợp với Công an thành phố thành lập 22 chốt trực cố định tại các bến tàu, bến xe liên tỉnh, chốt trực lưu động tại tuyến đường cửa ngõ ra, vào Thủ đô để kiểm soát lưu lượng phương tiện vận tải hành khách cũng như việc di chuyển của người dân giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố (đặc biệt là địa phương đang có dịch).



Đề xuất