Dịch COVID-19: Tìm hướng đi cho nông sản trong bối cảnh khó xuất khẩu

Dịch COVID-19: Tìm hướng đi cho nông sản trong bối cảnh khó xuất khẩu
Dưa hấu còn khoảng 10 ngày nữa được thu hoạch song chưa có thương lái hỏi mua. Ảnh: Dư Toán - TTXVN
Dưa hấu còn khoảng 10 ngày nữa được thu hoạch song chưa có thương lái hỏi mua. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Nông dân gặp khó khăn

Krông Pa là địa phương có diện tích dưa hấu lớn nhất tại Gia Lai, với gần 700 ha, tăng 13,6% so với vụ Đông Xuân 2018 - 2019. Đa số nông dân trồng dưa tại đây đến từ các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên, thuê đất của nông dân địa phương để canh tác. Tuy dưa hấu được trồng xen giữa hai vụ sắn, với thời gian trồng, chăm sóc và thu hoạch gần bốn tháng, song nếu được mùa, người nông dân trồng dưa có thể bỏ một vốn, ăn hai lời. Chính vì vậy, diện tích dưa hấu tại Krông Pa năm sau luôn tăng hơn năm trước.

Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 2/2019, do ảnh hưởng của của dịch COVID-19 gây ra, những người nông dân trồng dưa hấu tại đây lại gặp khó khăn vì giá dưa đang ở mức thấp, thậm chí khó tìm được đầu ra.

Ông Lê Văn Phú (sinh năm 1964, trú xã Phú Cần, huyện Krông Pa) cho biết, cũng như năm trước, vụ Đông Xuân 2019 – 2020, gia đình ông thuê 1,5 ha đất để trồng dưa hấu. Ở vụ trước, cũng trên diện tích này, dưa hấu của ông bán với giá 5.500 đồng/kg, sản lượng 70 tấn/ha, trừ hết chi phí, gia đình ông thu về 200 triệu đồng. Năm nay, ông quyết định tiếp tục vay ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư. Đến nay, dưa hấu của gia đình ông đã chuẩn bị cho thu hoạch, song giá thu mua khá thấp.
 
Dưa hấu được thu mua cũng chỉ ở mức giá 700đ/kg. Ảnh: Dư Toán - TTXVN
Dưa hấu được thu mua cũng chỉ ở mức giá 700đ/kg. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Cách đó không xa, vườn dưa hấu 4,5 ha của gia đình anh Nguyễn Ngọc Minh cũng trong tình cảnh tương tự. Năm trước, anh Minh trồng 1,5 ha, thu lãi được hơn 60 triệu đồng, nên ở vụ năm nay, gia đình anh mạnh dạn thuê thêm đất, mở rộng diện tích canh tác, vay ngân hàng để đầu tư với tổng số vốn 560 triệu đồng. Nếu không bán được dưa, anh Minh và gia đình không biết phải làm thế nào để trả hết số tiền đã vay trước đó.

Nửa đầu tháng 2/2019, tại Gia Lai vẫn có những vườn dưa được các thương lái thu mua, song giá rất thấp. Anh Nguyễn Thanh Phúc, trú huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định lên thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai thuê 3ha đất trồng dưa hấu. Với khoản đầu tư 480 triệu đồng, anh hy vọng vườn dưa sẽ mang về khoản lợi nhuận lớn, tuy nhiên đến khi thu hoạch, thương lái chỉ mua với giá 700 đồng/kg.

"Năm trước giá 3.000 đồng/kg tôi mới hòa vốn, năm nay có 700 đồng/kg thì quá rẻ, thu về được hơn 100 triệu đồng. Biết thế nhưng mà vẫn phải bán vì dưa chín rồi, không bán thì hỏng mất, đành chấp nhận được đồng nào hay đồng đó, còn nợ bao nhiều thì làm trả từ từ vậy", anh Phúc chia sẻ.

Tìm hướng đi cho nông sản

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều loại nông sản bước vào thời kỳ thu hoạch như dưa hấu, tiêu, điều, thanh long,… Tuy nhiên, ngoài dưa hấu, các loại nông sản khác có thể bảo quản lâu dài, hoặc là nông sản do các công ty, doanh nghiệp trồng phục vụ cho nhu cầu sản xuất, chế biết sản phẩm tinh của đơn vị đó.

Đến nay, Gia Lai đã thu hoạch khoảng 600 ha dưa hấu, chủ yếu là trước Tết Nguyên đán Canh Tý với giá cao, từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Hiện nay, còn khoảng 900 ha dưa hấu đã chuẩn bị được thu hoạch đại trà. Với sản lượng bình quân 50 – 55 tấn/ha, thì sẽ có gần 50.000 tấn dưa hấu được thu hoạch trong đợt này.

Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai cho biết, dưa hấu Krông Pa có đặc điểm nổi trội là quả đều, tỉ lệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ 75 – 80%, chất lượng dưa đỏ, đều, không rỗng ruột nên có thể bảo quản được lâu hơn từ 5 – 7 ngày so với dưa các vùng khác.

"Hiện nay, có nhiều đơn vị đã thực hiện chương trình hỗ trợ mua dưa hấu cho nông dân, nên giá thu mua đã có phần tăng lên, từ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, do sức lan tỏa từ các phương tiện thông tin đại chúng về việc giải cứu dưa hấu, vấn đề đầu ra cho dưa hấu cũng đã được giải quyết khi nhiều thương lái đến tìm mua. Tuy nhiên, với giá như thế này, bà con nông dân bán dưa chỉ hòa vốn hoặc lãi ít", ông Duyên nói.
 
Nhiều công ty, doanh nghiệp, cá nhân tại Gia Lai chủ động thu mua và bán dưa hấu giúp bà con nông dân. Ảnh: Dư Toán - TTXVN
Nhiều công ty, doanh nghiệp, cá nhân tại Gia Lai chủ động thu mua và bán dưa hấu giúp bà con nông dân. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Trong khi đó, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho rằng, đa số các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh như cà phê, hồ tiêu, mía, sắn,… đều đã có nhà máy chế biến, song đối với cây trồng ngắn ngày như dưa hấu thì bà con nông dân vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái tự do, bán để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra, việc xuất khẩu nông sản cũng bị ảnh hưởng, khiến giá cả xuống thấp và sức thu mua chậm.

"Ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức đi kiểm tra tình hình sản xuất và tình hình tiêu thụ đối với dưa hấu. Những ngày gần đây, chúng tôi đã tìm kiếm và kết nối các doanh nghiệp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh về thu mua dưa cho bà con. Đồng thời, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh iếp tục kêu gọi các doanh nghiệp có điều kiện thu mua và chế biến đối với sản phẩm dưa hấu thu mua cho người dân, để người dân có đầu ra cho sản phẩm, ổn định đời sống, sản xuất", ông Có nói.

Cũng theo ông Đoàn Ngọc Có, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có Trung tâm Chế biến rau quả của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) với công suất 55.000 tấn sản phẩm/năm; trong đó có sản phẩm chế biến từ chanh dây, rau, củ, quả và dưa hấu. Đây chính là đầu mối giúp cho nông dân tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, thời gian đến, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cũng có hướng xây dựng nhà máy chế biến rau, hoa, củ, quả với công suất trên 100.000 tấn sản phẩm/năm, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân trên địa bàn tỉnh.

"Về lâu dài, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến sâu nông sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có rau, củ, quả. Đây cũng là điều kiện giúp cho đầu ra sản phẩm của người dân được ổn định hơn. Ngành nông nghiệp với vai trò là cơ quan chuyên môn và quản lý về lĩnh vực nông nghiệp, sẽ đề nghị các nhà máy chế biến tổ chức hệ thống thu mua trực tiếp cho người dân, tránh việc bán qua thương lái, bị ép giá và không ổn định về đầu ra khiến bà con nông dân gặp khó khăn", ông Đoàn Ngọc Có nhấn mạnh.
Dư Toán
TTXVN

Có thể bạn quan tâm