Dịch COVID-19: Thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn để bảo vệ môi trường

Dịch COVID-19: Thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn để bảo vệ môi trường

Dịch COVID-19 đã lan ra trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với diễn biến ngày càng phức tạp. Tại Việt Nam, dịch đã bùng phát trở lại lần thứ 4 với tốc độ nhanh, đáng lo ngại hơn trước. Ngoài gây tổn thất về sức khỏe và tính mạng của con người, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng lớn đến môi trường sống.

Dịch COVID-19: Thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn để bảo vệ môi trường  ảnh 1 Phun khử khuẩn tại phòng ăn công ty TNHH Optrontec Vina (khu công nghiệp Bá Thiện 2-Vĩnh Phúc). Ảnh: TTXVN

Ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến môi trường

Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch COVID-19 có những ảnh hưởng mang tính tích cực và tiêu cực đến môi trường sống. Mặt tích cực là suy giảm hiệu ứng nhà kính một cách mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhờ vào các biện pháp giãn cách xã hội mà các nước đã và đang áp dụng.

Tại Việt Nam, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, so sánh kết quả quan trắc chất lượng không khí tại các đô thị miền Bắc từ tháng 1-4/2020, trong đó có thời gian thực hiện cách ly xã hội cho thấy, sự thay đổi các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người là nguyên nhân quan trọng làm thay đổi chất lượng không khí.

So với cùng thời gian của những năm trước, chất lượng không khí cũng có xu hướng được cải thiện hơn. Tuy vậy, từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 3/2020, giá trị thông số PM2.5 có thấp hơn nhưng không rõ rệt nhưng từ nửa cuối tháng 3 đến gần giữa tháng 4, giá trị thông số PM2.5 thấp hơn hẳn. Điều này cho thấy ảnh hưởng của các nguồn phát thải như giao thông và hoạt động sản xuất có tác động đáng kể đến chất lượng không khí đô thị.

Xem xét tới những thông số khác, trong đó thông số CO-thông số đặc trưng cho nguồn phát thải từ hoạt động giao thông tại các khu vực đô thị. Kết quả quan trắc cũng cho thấy, giá trị CO trung bình 24 giờ từ nửa cuối tháng 3 và tuần đầu của tháng 4/2020 thấp hơn hẳn so với từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 3/2020. So sánh diễn biến cùng kỳ giữa các năm cũng thấy rằng, giá trị CO trong nửa cuối tháng 3 và tuần đầu của tháng 4/2020 thấp hơn khoảng giá trị cùng kỳ của những năm trước đó. Thời gian thực hiện cách ly xã hội từ ngày 1-10/4, giá trị CO giảm đáng kể vào các khung giờ cao điểm giao thông so với các tháng trước đó. Có thể thấy rằng, hoạt động giao thông đường bộ giảm mạnh cũng đã làm giảm lượng phát thải CO vào môi trường không khí tại khu vực đô thị.

Việc giãn cách xã hội và phong tỏa, yêu cầu người dân ở trong nhà để giảm lây lan virus gây dịch COVID-19 được áp dụng ở Vũ Hán (Trung Quốc) hay một số nước châu Âu như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy khiến các nhà máy phát điện, khu công nghiệp giảm mạnh sản lượng, việc sử dụng phương tiện giao thông cũng giảm nhiều dẫn đến sụt giảm mạnh mẽ bụi mịn PM2.5 và nồng độ NO2, nhờ đó môi trường không khí được cải thiện.

Các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng ở hầu hết các nước nên hoạt động du lịch bị ngưng lại, bãi biển trở nên vắng người, sạch hơn, rác thải ở các điểm du lịch cũng giảm mạnh. Tiếng ồn ở đô thị và các điểm công cộng cũng giảm do người dân không được tập trung, hoạt động buôn bán bị dừng lại, xe cộ bị hạn chế lưu thông.

Tuy nhiên, chất thải ra môi trường gia tăng làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Một số thành phố ở Mỹ đã hoãn chương trình tái sử dụng chất thải vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Những cửa hàng trước kia khuyến khích người dân tái sử dụng túi đựng hàng nay chỉ sử dụng túi dùng một lần và đã cấm sử dụng lại các dụng cụ như cốc, chén, đĩa… khiến lượng rác thải của các gia đình cũng như đô thị tăng lên.

Tại Việt Nam, chất thải y tế tăng lên rất mạnh, tại các bệnh viện tăng 2-4 lần do tăng trang phục, khẩu trang, găng tay cùng với nhiều trang thiết bị, bơm kim tiêm, dây chuyền dịch, thuốc men. Chỉ tính riêng Hải Dương, khối lượng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 đã thu gom từ khi xảy ra đợt dịch COVID-19 lần thứ 3 ngày 27/1-20/2/2021 là 304,856 tấn.

Người dân cũng được khuyến khích sử dụng khẩu trang và được thay thường xuyên nên khẩu trang đã qua sử dụng thải ra môi trường làm tăng lượng rác thải. Nhiều khu cách ly với hàng chục nghìn người được cung cấp khẩu trang, quần áo bảo hộ cũng như thực phẩm chế biến sẵn góp phần tạo nên lượng rác lớn thải ra môi trường. Cơ quan y tế cũng sử dụng một lượng lớn các hóa chất khử trùng, chủ yếu là Chloramin B, cũng rất độc hại cho môi trường. Để bảo đảm an toàn, nhiều khu cách ly, bệnh viện, khu xử lý chất thải đô thị đã sử dụng biện pháp đốt chất thải y tế, dẫn đến ô nhiễm không khí.

Thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn để bảo vệ môi trường


Theo Tổng cục Môi trường, thời gian đầu của đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 3, người dân còn khá lúng túng trong việc sử dụng và thải bỏ khẩu trang. Nhưng sau đó, nhờ công tác tuyên truyền, ý thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Lúc mới bùng phát dịch COVID-19, người dân chưa thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, nhiều trường hợp không đi đến vùng dịch, cơ sở y tế cũng sử dụng khẩu trang y tế, vứt bỏ khẩu trang y tế ngoài đường, thậm chí vứt xuống các cống nước, nhưng tình trạng này đã được cải thiện rất nhiều.

Trong các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung, vùng dịch… việc thải bỏ khẩu trang theo hướng dẫn đang được thực hiện tương đối tốt. Khẩu trang y tế đã được thu gom, đựng trong thùng có nắp đậy kín. Tuy nhiên, việc sử dụng khẩu trang liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 cần thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng như Bộ Y tế để giảm thiểu lượng chất thải phát sinh do phòng, chống dịch gây ra.

Tổng cục Môi trường khuyến cáo, khẩu trang y tế chỉ nên dùng cho các cơ sở y tế, các vùng dịch. Các vùng không có dịch người dân có thể sử dụng loại khẩu trang bằng vải có thể tái sử dụng được hơn 20 lần thay vì dùng khẩu trang y tế, vừa tiết kiệm chi phí vừa hạn chế được lượng rác thải.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương trong việc quản lý chất thải y tế. Bộ đã phối hợp với UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, hướng dẫn việc thu gom chất thải phát sinh tại 60 "điểm nóng" có dịch, 61 cơ sở cách ly y tế, 2 bệnh viện dã chiến để xử lý tại các cơ sở xử lý chất thải, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và công tác phòng, chống dịch.

Đồng thời, Bộ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Ban Chỉ đạo Quốc gia ban hành 5 hướng dẫn về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại gia đình; khu chung cư; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng; tại lễ tang; xử lý thi hài người tử vong do dịch COVID-19. Trong đó, nhấn mạnh đến việc các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, đặc biệt rác thải y tế lây nhiễm từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung. Các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải y tế, đặc biệt là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng thải bỏ.

Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo và đảm bảo kinh phí cho các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường; tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng quy định; không sử dụng lại đối với khẩu trang sử dụng một lần.

Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế, thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải y tế, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường; tăng cường giám sát vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế và khử khuẩn nước thải y tế, đảm bảo đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường.

Minh Nguyệt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm