Dịch COVID-19: Thêm 3.617 ca nhiễm tại 44 tỉnh, thành phố, người bệnh không phải chi trả khi được chỉ định xét nghiệm

Tiêm vaccine Sputnik V cho người dân huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN
Tiêm vaccine Sputnik V cho người dân huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Bộ Y tế cho biết, tính từ 17 giờ ngày 10/10 đến 17 giờ ngày 11/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.619 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 3.617 ca ghi nhận trong nước (tăng 104 ca so với ngày trước đó) tại 44 tỉnh, thành phố; có 1.726 ca trong cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Thành phố Hồ Chí Minh (1.527 ca), Đồng Nai (499 ca), Bình Dương (446 ca), An Giang (142 ca), Đắk Lắk (119 ca), Kiên Giang (91 ca), Long An (76 ca), Tiền Giang (67 ca), Tây Ninh, Đồng Tháp (mỗi địa phương 55 ca), Cà Mau (51 ca), Trà Vinh (48 ca), Cần Thơ (47 ca), Bình Thuận (45 ca), Bến Tre (40 ca), Quảng Ngãi (38 ca), Hậu Giang (32 ca), Nghệ An (27 ca), Lâm Đồng, Khánh Hòa (mỗi địa phương 26 ca), Hà Nam, Bình Định (mỗi địa phương 21 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (16 ca), Bạc Liêu (14 ca), Gia Lai (13 ca), Vĩnh Long (12 ca), Kon Tum (10 ca), Đắk Nông, Ninh Thuận (mỗi địa phương 9 ca), Bình Phước (6 ca), Quảng Bình (5 ca), Bắc Ninh, Hà Tĩnh (mỗi địa phương 4 ca), Sơn La (3 ca), Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị (mỗi địa phương 2 ca), Ninh Bình, Nam Định, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội (mỗi địa phương 1 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (336 ca), Đồng Nai (163 ca), Bình Thuận (64 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Thành phố. Hồ Chí Minh (460 ca), Đắk Lắk (119 ca), Bến Tre (28 ca).

Dịch COVID-19: Thêm 3.617 ca nhiễm tại 44 tỉnh, thành phố, người bệnh không phải chi trả khi được chỉ định xét nghiệm ảnh 1Tiêm vaccine Sputnik V cho người dân huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 4.183 ca/ngày.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 843.281 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.565 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 838.653 ca, trong đó có 781.931 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình.

11 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố. Hồ Chí Minh (411.655 ca), Bình Dương (222.528 ca), Đồng Nai (55.488 ca), Long An (33.379 ca), Tiền Giang (14.608 ca).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 2.549 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 784.748 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.014 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.391 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 788 ca; Thở máy không xâm lấn: 145 ca; Thở máy xâm lấn: 668 ca; ECMO: 22 ca.

Trong ngày ghi nhận 115 ca tử vong, trong đó tại Thành phố. Hồ Chí Minh (75 ca), Bình Dương (18 ca), Đồng Nai (5 ca), An Giang (5 ca), Tiền Giang (4 ca), Ninh Thuận, Long An (mỗi địa phương 2 ca), Quảng Bình, Bình Định, Cần Thơ, Tây Ninh (mỗi địa phương 1 ca).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 117 ca/ngày.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.670 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 128.114 xét nghiệm cho 205.382 lượt người; từ 27/4/2021 đến nay đã xét nghiệm 20.202.582 mẫu cho 56.174.649 lượt người.

Trong ngày 10/10 có 879.949 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 54.279.564 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 38.698.136 liều, tiêm mũi 2 là 15.581.428 liều.

Người bệnh không phải chi trả khi được chỉ định xét nghiệm

Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6665/VPCP-KGVX ngày 20/9/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, có thông tin rõ ràng, đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện chưa đúng quy định (nếu có) của các cơ sở y tế, ngày 28/9/2021, Bộ Y tế tiếp tục có công văn số 8157/BYT-KHTC đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố thuộc Trung ương; các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ, ngành; các cơ sở y tế tư nhân nghiêm túc chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID – 19.

Trước đó ngay đầu tháng 5 khi đợt dich thứ 4 bùng phát, tại Công điện số 615 ngày 7/5/2021 và Công điện số 628 ngày 10/5/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã quy định đối với người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế công lập nếu nghi ngờ mắc COVID-19 và được chỉ định xét nghiệm thì thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Công văn số 1126/BHXH ngày 29/4/2021; các đối tượng còn lại và phần đồng chi trả của người có thẻ bảo hiểm y tế chi từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 được cấp có thẩm quyền giao và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Như vậy, người bệnh không phải chi trả bất kỳ khoản kinh phí nào khi được chỉ định xét nghiệm COVID-19.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân; xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn. Trường hợp cần thiết báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm