Dịch COVID-19: Thầy giáo trường dạy nghề với sáng kiến làm máy trợ thở

Thầy Văn Sỹ Nghi (trái) lắp ráp các bộ phận của máy trợ thở. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN
Thầy Văn Sỹ Nghi (trái) lắp ráp các bộ phận của máy trợ thở. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN
Thầy Văn Sỹ Nghi, sinh năm 1975, giảng viên Trường Cao đẳng nghề Phú Yên đã chế tạo thành công máy trợ thở không xâm nhập nhằm hỗ trợ bệnh nhân khó thở do bệnh tật hoặc ngạt thở. Từ thành công ban đầu, thầy Nghi cùng các đồng sự đang nghiên cứu để hoàn thiện máy thở và hướng tới phát triển thành máy thở xâm nhập, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Dịch COVID-19: Thầy giáo trường dạy nghề với sáng kiến làm máy trợ thở ảnh 1Thầy Văn Sỹ Nghi (trái) lắp ráp các bộ phận của máy trợ thở. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN
Chia sẻ về sáng chế này, thầy Văn Sỹ Nghi cho biết, nghĩ là làm, chỉ sau 1 tháng mày mò tìm tòi, nghiên cứu, chiếc máy trợ thở đã hoàn thành. Hiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở y tế thiếu máy thở, thiếu nhân lực để chăm sóc bệnh nhân nên Thầy đã có ý tưởng nghiên cứu, làm ra chiếc máy này. Đây là loại máy trợ thở không xâm nhập, máy áp lực dương làm nở phổi. Máy có kích thước 18x25x30cm, trọng lượng 4kg, bên trong máy có gắn một môtơ điện dùng nguồn thấp chỉ 12V kéo bánh răng làm 2 “cánh tay” phía trên bóp bóng Ambu theo lập trình.
Do nguồn điện thấp nên máy có thể sử dụng điện trên xe cấp cứu hay pin viên, bình ắc-quy để hoạt động. Máy có thể điều chỉnh được tốc độ bóp từ 17-23 lần/phút tùy theo mức độ cần oxy của người bệnh theo chỉ định của bác sĩ. Giá thành máy trợ thở từ 2-2,5 triệu đồng tùy chất liệu làm vỏ máy là nhựa cứng hoặc nhựa trong suốt.
 
Dịch COVID-19: Thầy giáo trường dạy nghề với sáng kiến làm máy trợ thở ảnh 2Chiếc máy có kích thước nhỏ gọn, được đặt trong phòng y tế trường Cao đẳng nghề Phú Yên để phục vụ dạy học cho sinh viên. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN
Bác sĩ Đoàn Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Phú Yên đánh giá: Máy trợ thở của thầy Văn Sỹ Nghi là ý tưởng rất tốt, thuận lợi để cấp cứu cho bệnh nhân ngoài bệnh viện. Cụ thể, khi có người tập luyện thể dục thể thao gặp tai nạn cần cấp cứu, nhân viên y tế sẽ sử dụng máy trợ thở kết hợp xoa bóp tim sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân. Hoặc khi bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, không có máy thở, chiếc máy có thể thay thế cho việc bóp bóng thủ công. Ngoài chức năng trợ thở, máy này cũng có thể dùng để hà hơi thổi ngạt cho người ngưng thở do bị ngạt nước, ngạt khói. Đây là điều rất tốt khi dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, việc hà hơi thổi ngạt bằng miệng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhất, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Phú Yên cho biết: Trường sẽ liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ cũng như Sở Y tế tỉnh Phú Yên để có đánh giá, thẩm định hiệu quả của máy. Trường cũng sẽ hỗ trợ về mặt kinh phí và kêu gọi một số đơn vị giúp đỡ về mặt kỹ thuật để thầy Văn Sỹ Nghi hoàn thiện sản phẩm của mình với mục đích cuối cùng là đưa sản phẩm hữu ích này phục vụ công tác điều trị cho người bệnh.
 
Dịch COVID-19: Thầy giáo trường dạy nghề với sáng kiến làm máy trợ thở ảnh 3Chiếc máy có kích thước nhỏ gọn, được đặt trong phòng y tế trường Cao đẳng nghề Phú Yên để phục vụ dạy học cho sinh viên. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN
Thời gian qua, nhất là khi xảy ra dịch COVID-19, các giảng viên của Trường Cao đẳng nghề Phú Yên đã có nhiều sáng kiến phục vụ công tác phòng chống dịch như pha chế nước rửa tay khô sát khuẩn, máy sát khuẩn tự động, may khẩu trang kháng khuẩn. Đáng chú ý, hệ thống máy rửa tay tự động do các thầy, cô giáo chế tạo đã được áp dụng ở nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Hệ thống máy này cũng được Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) hỗ trợ đưa sản phẩm phục vụ cộng đồng.
Xuân Triệu
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm