Dịch COVID-19: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron

Ngành y tế tỉnh Ninh Thuận lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch COVID-19 cho người dân tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Ngành y tế tỉnh Ninh Thuận lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch COVID-19 cho người dân tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Tính từ 16 giờ ngày 20/1 đến 16 giờ ngày 21/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.935 ca mắc mới, trong đó 34 ca nhập cảnh và 15.901 ca trong nước (giảm 736 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Có 10.912 ca trong cộng đồng.

Tăng cường giám sát kiểm dịch tại các cửa khẩu

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 133 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Hà Nội (12 ca), Quảng Nam (27 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (68 ca), Đà Nẵng (8 ca), Khánh Hòa (11 ca), Quảng Ninh (2 ca)...
Mặc dù chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron trên địa bàn, nhưng để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tỉnh Sơn La tăng cường giám sát kiểm dịch tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở và đối với các trường hợp nhập cảnh về Việt Nam; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch y tế quốc tế tại các cửa khẩu, đặc biệt tăng cường kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới; siết chặt kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép.

Tỉnh tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế (bất kể tiền sử đã tiêm vaccine hoặc đã mắc COVID-19 trước đó) và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Ngoài ra, tỉnh đẩy nhanh tiến độ vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại; tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả các Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng; tiếp tục duy trì các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; đảm bảo an toàn cho các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh sản xuất và khu vực tập trung đông người…

Dịch COVID-19: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron ảnh 1 Ngành y tế tỉnh Ninh Thuận lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch COVID-19 cho người dân tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Điều trị, chăm sóc F0 qua đường dây nóng

Tại tỉnh Quảng Ninh, để thực hiện hiệu quả công tác điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, đồng hành hỗ trợ các tuyến y tế cơ sở thực hiện chăm sóc F0, vừa qua Sở Y tế tỉnh quyết định thành lập Tổ tư vấn y tế điều trị, chăm sóc F0 qua đường dây nóng.

Theo đó, Tổ tư vấn có 15 bác sĩ thuộc Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện số 1 (Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái), Bệnh viện số 2 (Bệnh viện Phổi Quảng Ninh), Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy.

Các thành viên trong tổ có nhiệm vụ tiếp nhận các cuộc gọi từ hệ thống đường dây nóng để kịp thời giải đáp về phòng, chống dịch COVID-19 và tư vấn về điều trị, chăm sóc F0.

Các bác sĩ chủ động cập nhật kiến thức chuyên môn, các quy định, hướng dẫn về điều trị, chăm sóc F0 để tư vấn, hỗ trợ người dân. Thành viên Tổ tư vấn làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; các chế độ, chính sách thực hiện theo quy định hiện hành.

Theo báo cáo phòng, chống dịch COVID-19 của Quảng Ninh, từ ngày 1/10/2021 đến ngày 20/1/2022, các cơ sở y tế của tỉnh đã tiếp nhận 4.671 ca F0. Đã có 3.666 trường hợp khỏi bệnh, ra viện; 7 trường hợp chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; 6 trường hợp tử vong; 21 trường hợp chuyển cách ly tại nhà; 970 F0 đang điều trị tại cơ sở y tế.

Từ tháng 11/2021 đến nay, Quảng Ninh đã triển khai việc cách ly điều trị, theo dõi sức khỏe cho F0 không triệu chứng tại nhà và khu cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế. Qua đó đã có 2.553 F0 được theo dõi tại khu cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế; 3.624 F0 cách ly điều trị tại nhà.

Hà Nội còn 4 quận, huyện "vùng cam"

Hà Nội vẫn tiếp tục có số ca mắc cao nhất cả nước với 2.805 ca, phân bố tại 385 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch lấn thứ 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 105.861 ca.

Hiện Hà Nội đã có thông báo mới đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Thủ đô. Theo đó, UBND thành phố thông báo cấp độ dịch tại thành phố với 2 tiêu chí: Tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian và độ bao phủ vaccin. Theo phân cấp độ dịch mới, thành phố Hà Nội thuộc cấp độ 2.

Thành phố còn 4 quận, huyện ở "vùng cam" gồm: Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và Chương Mỹ. Như vậy, so với thông báo trước đây 1 tuần, Hà Nội có thêm huyện Chương Mỹ chuyển từ "vùng vàng" sang "vùng cam", nhưng giảm được 4 quận là Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình, Long Biên (các quận này sẽ chuyển về "vùng vàng"). Thành phố có 26 quận, huyện, thị xã ở "vùng vàng", không có đơn vị nào thuộc "vùng xanh".

Về cấp xã, phường, thành phố Hà Nội có 43 địa phương "vùng xanh", giảm 11 đơn vị so với thông báo trước; 377 đơn vị ở "vùng vàng", 158 đơn vị ở "vùng cam".

Trong ngày 21/1, cả nước có 2.256 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca bệnh được điều trị khỏi lên 1.797.180 ca.

Trong ngày cũng ghi nhận 177 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.443 ca, chiếm 1,7% so với tổng số ca mắc.

Trong ngày 20/1 có 1.151.381 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 173.708.365 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.752.251 liều, tiêm mũi 2 là 73.571.085 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 21.385.029 liều.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm