Dịch COVID-19: Sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh

Mỗi lớp học ở trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được bố trí 1 chai nước rửa tay sát khuẩn. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Mỗi lớp học ở trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được bố trí 1 chai nước rửa tay sát khuẩn. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 15/11 đến 16 giờ ngày 16/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.650 ca mắc mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 9.641 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.038 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố; có 4.369 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: An Giang (178 ca), Hà Nội (81 ca), Long An (36 ca).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 6.481 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 870.997 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.101 ca.

Ngày 16/11 ghi nhận 87 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.270 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc.

Đề cao ý thức của người dân

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 141/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11/2021. Tại Nghị quyết số 141/NQ-CP, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2023 do Bộ Y tế trình.

Trong đó, Chính phủ lưu ý cần phải rà soát kỹ, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới, bảo đảm khả thi, dễ thực hiện, thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu; nhấn mạnh các biện pháp y tế với 3 trụ cột: Cách ly chặt, nhanh, hẹp và giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể, xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả và nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh; điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, bảo đảm người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế gần nhất, sớm nhất có thể; các biện pháp hành chính, bảo đảm an sinh xã hội và việc đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân, người lao động, lưu thông hàng hóa phù hợp áp dụng tương ứng với cấp độ dịch của từng vùng, từng địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.

Việc thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải dựa trên nguyên tắc: 5K + vaccine + thuốc điều trị + các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân và các biện pháp khác; đẩy nhanh tiêm phòng, tăng độ bao phủ của vaccine và bảo đảm thuốc điều trị; nâng cao năng lực của hệ thống y tế; giảm thiểu tỉ lệ tử vong.

Sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học

Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các phương án, kế hoạch, kịch bản ứng phó, phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro và chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết cho phòng, chống dịch; sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh; tăng cường y tế dự phòng và y tế cơ sở; trong đó khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở để đề xuất nhu cầu, cơ chế đầu tư bổ sung, kiện toàn, cân nhắc tập trung ở quy mô khu vực; đặc biệt cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phân bổ nguồn nhân lực hợp lý, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nhân lực hiện có.

Chính phủ yêu cầu, cần làm rõ nhu cầu vaccine, thuốc, sinh phẩm, kit, test xét nghiệm và trang thiết bị y tế trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022, dự kiến nguồn lực thực hiện và kế hoạch mua sắm rõ ràng, cụ thể; có cơ chế hỗ trợ sản xuất trong nước vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị, thuốc điều trị COVID-19; nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc thành lập Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở Quỹ vaccine phòng COVID-19; tăng cường hợp tác công tư, phát huy vai trò của y tế tư nhân và tăng cường sự phối kết hợp giữa y tế tư nhân và y tế nhà nước trong phòng, chống dịch; khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền trong năm 2012 các luật về dược, khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo hoàn thiện các dự thảo Tờ trình, Báo cáo, Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2023.

Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19

Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Đến hết ngày 13/11/2021, Bộ Y tế đã phân bổ 116 triệu liều vaccine tới các địa phương và đơn vị triển khai tiêm chủng. Bộ Y tế đề nghị Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để nhanh chóng đạt được tốc độ bao phủ mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên các đối tượng từ 50 tuổi trở lên và người có bệnh nền) và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian; chủ động rà soát tình hình sử dụng vaccine, tổng hợp và báo cáo số lượng vaccine phòng COVID-19 được cấp từ nguồn Bộ Y tế và các nguồn khác (nguồn do doanh nghiệp viện trợ trực tiếp cho địa phương…), số vaccine còn tồn và báo cáo nguyên nhân.

Trong trường hợp địa phương không kịp sử dụng và không có nhu cầu sử dụng số vaccine được cấp phải báo cáo kịp thời cho các Viện vệ sinh dịch tễ để điều phối đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả. "Địa phương, đơn vị nào nhận vaccine từ nguồn khác không báo cáo Bộ Y tế, không kiểm định theo quy định mà tự tổ chức tiêm thì phải chịu trách nhiệm", văn bản Bộ Y tế nêu rõ.

Các Sở Y tế phải đề xuất nhu cầu cần cấp từ nay đến cuối năm để bao phủ đủ mũi cho toàn bộ đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn và nhu cầu vaccine năm 2022, báo cáo Bộ Y tế trước ngày 20/11/2021. Sau ngày 20/11, địa phương nào không có đề xuất, được hiểu là không có nhu cầu, Bộ Y tế sẽ không cấp vaccine cho địa phương. Sở Y tế chịu trách nhiệm trước Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và nhân dân về việc không đủ vaccine để tiêm chủng do không có đề xuất.

Số ca mắc trong cộng đồng gia tăng, các địa phương điều chỉnh biện pháp ứng phó

Ngày 16/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.

Công điện nêu rõ, từ ngày 17/11/2021, thành phố Hà Nội điều chỉnh công tác thu dung điều trị các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội.

Theo đó, thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.

Đồng thời, điều chỉnh phương án cách ly các đối tượng tiếp xúc gần (F1). Cụ thể, điều chỉnh thời gian thực hiện cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần (F1) xuống còn 14 ngày; thí điểm thực hiện cách ly tại nhà phòng, chống dịch COVID-19 cho người tiếp xúc gần (F1) đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế.

Chiều 16/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh đã ký ban hành kế hoạch thực hiện thí điểm quản lý, chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện thí điểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người mắc bệnh không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ được chăm sóc tốt hơn về thể chất, tinh thần, cũng như điều kiện sinh hoạt hàng ngày, góp phần giảm tải cho các khu điều trị bệnh nhân COVID-19.

Theo kế hoạch, người mắc COVID-19 được quản lý, chăm sóc tại nhà phải đáp ứng các điều kiện là người bị bệnh (được khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.

Trước diễn biến dịch phức tạp, ngành y tế và chính quyền các địa phương của tỉnh Nghệ An đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Lãnh đạo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các cấp đã trực tiếp có mặt tại các “điểm nóng” xuất hiện và dự báo xuất hiện nhiều trường hợp dương tính để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng địa phương nhưng vẫn tuân thủ đúng quy định trong phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế và của tỉnh Nghệ An.

Theo đó, ngày 16/11, UBND huyện Nghi Lộc có thông báo cập nhật cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế. Cấp huyện có cấp độ dịch cấp 2; cấp độ 4 có thị trấn Quán Hành, các xã Nghi Hoa, Nghi Phương, Nghi Diên, Nghi Thuận; cấp độ 3 có xã Nghi Trung; cấp độ 2 có xã Nghi Yên, Nghi Trường, Nghi Đồng, Khánh Hợp; cấp độ 1 là các xã còn lại. Ngày 16/11, UBND huyện Quỳnh Lưu cũng quyết định thiết lập vùng cách ly y tế trên địa bàn xã Quỳnh Hậu, bắt đầu áp dụng từ 12 giờ ngày 16/11.

Tối 16/11, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau cho biết, số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày là 340 ca, tăng 125 ca so với ngày 15/11. Đây là con số kỷ lục về ca mắc mới tại tỉnh kể từ đầu năm 2021 đến nay. Như vậy, số ca mắc COVID-19 của toàn tỉnh gần cán mốc 5.000 ca và số tử vong lên đến 23 người, riêng trong ngày 16/11 có 5 ca tử vong.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, với số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng, tỉnh Cà Mau tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, khống chế có hiệu quả các ổ dịch mới phát sinh, không để lan rộng trong cộng đồng. Tỉnh Cà Mau đang đẩy nhanh tiến độ bao phủ dân số tiêm vaccine phòng COVID-19; hiện có 859.463 người đã tiêm vaccine phòng COVID-19, đạt 74,8% dân số, trong đó tiêm đủ 2 mũi là 486.075 người.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm