Dịch COVID-19: Số ca mắc gia tăng, các địa phương siết chặt biện pháp phòng dịch

Dịch COVID-19: Số ca mắc gia tăng, các địa phương siết chặt biện pháp phòng dịch

Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 24/12 đến 16 giờ ngày 25/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.586 ca mắc mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 15.559 ca ghi nhận trong nước (giảm 583 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố; có 8.077 ca trong cộng đồng.

Dịch COVID-19: Số ca mắc gia tăng, các địa phương siết chặt biện pháp phòng dịch ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân huyện biên giới Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Hà Nội vẫn đứng đầu cả nước về số ca mắc (1.879 ca), tiếp đó là Tây Ninh (946 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (885 ca), Vĩnh Long (875 ca), Cà Mau (835 ca), Khánh Hòa (793 ca), Đồng Tháp (789 ca), Cần Thơ (702 ca)…

Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.995 ca/ngày.

Cả nước có duy nhất Bắc Kạn không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua.

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 14.423 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.229.684 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.762 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 5.527 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.156 ca; Thở máy không xâm lấn: 154 ca; Thở máy xâm lấn: 906 ca; ECMO: 19 ca.

Ngày 25/12, cả nước ghi nhận 241 ca tử vong; Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 31.007 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca mắc.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 237 ca/ngày.

Trong ngày 24/12 có 989.988 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 144.513.779 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.881.418 liều, tiêm mũi 2 là 65.354.960 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 2.277.401 liều.

* Hà Nội có 8 quận trung tâm ở cấp độ 3

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký thông báo đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội. Tính đến 10 giờ ngày 24/12, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, chỉ còn 1 huyện ở cấp độ 1 - màu xanh và có đến 8 quận trung tâm ở cấp độ 3 - màu cam.

Theo đó, huyện duy nhất còn ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng màu xanh) là huyện Phúc Thọ, giảm 3 quận, huyện so với thông báo ngày 17/12. Ngoài ra, thành phố có 21 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 (màu vàng - vùng nguy cơ). Đặc biệt, Hà Nội hiện có 8 quận trung tâm ở cấp độ 3 (màu cam - vùng nguy cơ cao) gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ.

Toàn thành phố có 396 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1; 116 xã, phường ở cấp độ 2; 67 xã, phường ở cấp độ 3. Như vậy, so với thông báo hôm 17/12, thành phố có thêm 6 quận và 42 xã, phường chuyển “màu cam”.

Theo thống kê, các quận màu cam có số ca bệnh tăng vọt trong 14 ngày trở lại đây. Cụ thể, quận Ba Đình có số ca mắc trong cộng đồng 14 ngày qua là 1.172 ca, số ca mắc cộng đồng/100.000 dân/tuần là 259 ca. Con số tương ứng với các quận như sau: Đống Đa là 1.726 và 228, Hai Bà Trưng là 1.630 và 273, Hoàn Kiếm là 495 và 176, Hoàng Mai là 2.212 và 207, Long Biên là 1.303 và 192, Nam Từ Liêm là 1.142 và 201, Tây Hồ là 523 và 157.

Số xã, phường có cấp độ 3 cụ thể như sau: Quận Ba Đình có 9 phường; Quận Đống Đa có 11 phường; Huyện Gia Lâm có 1 xã; Quận Hà Đông 3 phường; Quận Hai Bà Trưng 12 phường; Quận Hoàn Kiếm 4 phường; Quận Hoàng Mai 12 phường; Quận Long Biên 3 phường; Quận Nam Từ Liêm 2 phường; Quận Tây Hồ 5 phường; Huyện Thanh Trì 3 xã; Huyện Thường Tín có 1 xã và huyện Ứng Hóa có 1 xã.

Trước đó, theo đánh giá cấp độ dịch của thành phố Hà Nội hôm 17/12, hai quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và 25 phường "màu cam" đều đã triển khai siết chặt hơn các biện pháp phòng, chống dịch như cấm tụ tập đông người, cấm cửa hàng ăn uống bán tại chỗ, chỉ được phép bán mang về, học sinh lớp 9, lớp 12 chuyển sang học trực tuyến...

*Cung ứng hàng hóa, thực phẩm theo từng cấp độ dịch

Sáng 25/12, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng ban hành phương án cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu trong các tình huống phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, các phương án được áp dụng trong phạm vi cấp độ dịch theo quy mô quận, huyện. Tùy theo cấp độ dịch trên quy mô xã, phường, UBND các quận, huyện chủ động xây dựng và thực hiện phương án cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu trong các tình huống phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp.

Cụ thể, trong điều kiện bình thường mới (cấp độ dịch là cấp 1) và trong điều kiện nguy cơ trung bình (cấp độ dịch là cấp 2), đơn vị cung ứng, phân phối được phép hoạt động chợ truyền thống, chợ đầu mối; trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini); siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng lương thực, thực phẩm; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại khác. Điều kiện hoạt động phải đảm bảo 5K, quét mã QRcode, tiêm vaccine phòng COVID-19.

Trong điều kiện nguy cơ cao (cấp độ dịch là cấp 3), các chợ truyền thống, bao gồm cả khu vực bán lẻ nằm trong chợ đầu mối chỉ được phép bán mang về đối với hàng ăn uống, không phục vụ tại chỗ; bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng, quầy hàng, có vách ngăn giữa người bán và người mua và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối phục vụ tối đa 20 người cùng một thời điểm, đảm bảo giãn cách 2 mét giữa người với người.

Ngoài các quy định giống như ở điều kiện nguy cơ cao (cấp độ dịch là cấp 3), trong điều kiện nguy cơ rất cao (cấp độ dịch là cấp 4), các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối (trừ khu vực bán lẻ) phục vụ tối đa 10 người cùng một thời điểm, đảm bảo giãn cách 2 mét giữa người với người. Đặc biệt, người tham gia hoạt động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ.
Tính từ ngày 16/10 đến nay, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 5.400 ca mắc COVID-19, trong đó có 189 ca ngoại tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đề nghị các địa phương có nguy cơ cao như: Hải Châu, Thanh Khê và các điểm chợ đầu mối, Khu công nghiệp… lưu ý tập trung phân tích, đánh giá tình hình đầy đủ, đưa ra biện pháp phòng dịch kịp thời.

* Siết chặt các biện pháp phòng dịch

Tại Hà Nam, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng trong những ngày gần đây. Riêng sáng 25/12, tỉnh tiếp tục ghi nhận 28 ca mắc COVID-19. Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân được phát hiện qua sàng lọc y tế khi có biểu hiện ho, sốt tại các khu dân cư, doanh nghiệp.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn, Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã có công văn chỉ đạo tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương rà soát, thiết lập khu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 ngay trong cơ sở khám, chữa bệnh hiện tại để sẵn sàng vừa điều trị bệnh nhân thông thường, vừa điều trị người mắc COVID-19, thực hiện chuyển tuyến khi vượt quá năng lực chuyên môn. Trước mắt, Sở chỉ đạo ưu tiên thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 và Bệnh viện Lao và bệnh phổi. Khi vượt quá công suất tại 2 Bệnh viện này, việc thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ về các Trung tâm Y tế huyện, thị xã và Bệnh viện tuyến huyện (bao gồm cả Bệnh viện Đa khoa Hà Nội-Đồng Văn).

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, từ ngày 14/10 đến tối 25/12, toàn tỉnh ghi nhận 2.680 ca ca mắc COVID-19. Tỉnh còn 12 vùng phong tỏa với 722 hộ gia đình và 2.984 nhân khẩu.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Phú Thọ tiếp tục chỉ đạo, đồng thời yêu cầu các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là; nghiêm túc triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, đồng thời duy trì, phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo ổn định đời sống, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...

Chiều 25/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Trị đã công bố 158 trường hợp mắc COVID-19; trong đó có 103 ca được phát hiện thông qua giám sát cộng đồng, tăng gấp 2 lần so với những ngày trước.

Thành phố Đông Hà là địa phương ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19 nhất với 87 ca, trong đó có 78 ca được phát hiện thông qua giám sát cộng đồng. Đáng chú ý, chùm ca bệnh ở thành phố Đông Hà đang có diễn biến rất phức tạp, do nhiều trường hợp mắc COVID-19 có yếu tố dịch tễ liên quan đến chợ Đông Hà – chợ có quy mô lớn nhất Quảng Trị với khoảng trên 1.000 tiểu thương. Nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Trị cũng đã ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 có yếu tố dịch tễ liên quan đến chợ Đông Hà.

Trong những ngày qua, sau khi phát hiện nhiều trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến chợ Đông Hà, lực lượng y tế đã tổ chức xét nghiệm nhanh cho những tiểu thương, nhằm sớm phát hiện trường hợp mắc bệnh để truy vết, cách ly và điều trị. Sở Y tế Quảng Trị cũng đã thành lập Cơ sở điều trị COVID-19 quy mô 100 giường tại Nhà khách Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Trị ở thành phố Đông Hà để thu dung điều trị cho những trường hợp mắc bệnh trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế Quảng Trị đã thành lập hai Cơ sở điều trị COVID-19, để thu dung điều trị cho những trường hợp mắc bệnh trên địa bàn xã Linh Trường, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Gio Linh và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gio Linh.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm