Dịch COVID-19: Sáng 29/4, không có ca mắc mới, thêm 1 ca dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh

Dịch COVID-19: Sáng 29/4, không có ca mắc mới, thêm 1 ca dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh
Như vậy, tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 29/4 đã 13 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong số 270 ca mắc COVID-19, Việt Nam có 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Việt Nam đã xác định thêm 1 bệnh nhân số 151 dương tính trở lại với SARS-CoV-2. Bệnh nhân là vợ của bệnh nhân số 207, đã được công bố khỏi bệnh và cùng chồng được ra viện, tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà thêm 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ngày 27/4, sau khi chồng là bệnh nhân số 207 dương tính trở lại, bệnh nhân số 151 cũng được đưa đến cách ly tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh). Cũng trong ngày 27/4, bệnh nhân được xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Ngày 28/4, xét nghiệm lại lần 2 và cho kết quả dương tính trở lại. Hiện bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Việt Nam có 221/270 trường hợp khỏi bệnh, hiện còn lại 49 người bệnh đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó kết quả xét nghiệm chuyển âm tính lần 1 là 11 ca, âm tính 2 lần liên tiếp trở lên là 8 ca, 30 ca có kết quả xét nghiệm  dương tính.

Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 42.057 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 323 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 6.643 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 35.091 người.

Trước đó, thông tin về những người lành mang bệnh hoặc trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 rồi lại dương tính trở lại, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, có mấy vấn đề đặt ra về chuyên môn với những trường hợp người bệnh này, thứ nhất có thể người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi.

Thứ 2, là khả năng những người đã khỏi bệnh, trong quá trình đào thải virus nhưng ở dạng bất hoạt- xác virus. Khi làm khuếch đại gen, chúng ta xác định được gen của virus. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được.

Thứ 3 là người lành mang trùng (hiện có một trường hợp). Cho đến thời điểm hiện nay chúng ta chưa khẳng định được chắc chắn có phải người lành mang trùng không nhưng nó ở dạng như vậy. Điều này có thể xảy ra khi cơ thể con người ta chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus này.

"Chúng tôi đã yêu cầu với các cơ quan, với tất cả các trường hợp có xét nghiệm âm sau đó xét nghiệm dương thì giao cho 2 labo tiến hành nuôi cấy virus. Nếu virus đó sống, phát triển thì chứng tỏ cơ thể người đó chưa khỏi bệnh"- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Về phía Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Tiểu Ban Điều trị cũng đã có văn bản số 507/KCB-QLCT&CĐT về việc theo dõi xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người bệnh COVID-19 đã ra viện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các Bệnh viện được phân công điều trị COVID-19. Theo đó, để thực hiện đúng Hướng đãn của Bộ Y tế về Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đường hô hấp do SARS-CoV-2, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Tiểu Ban Điều trị yêu cầu thủ trương các đơn vị trên thực hiện ngay việc tiếp tục có biện pháp chỉ đạo mạng lưới y tế trên địa bàn để kiểm tra, quản lý, theo dõi tình trạng sức khoẻ của người bệnh COVID-19 sau khi ra viện.

Khi kết thúc 14 ngày cách ly tại nhà của người bệnh COVID-19 kể từ ngày ra viện, bệnh viện đã điều trị người bệnh phù hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương, cơ quan y tế và đơn vị liên quan nơi người bệnh cư trú tiến hành làm lại xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người bệnh (kỹ thuật RT PCR)

Theo thông tin báo chí, Hàn Quốc hiện cũng gặp phải tình trạng tương tự. Ngày 18/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) công bố 160 bệnh nhân dương tính lại sau trung bình 13,5 ngày ra viện, Tổ chức Y tế Thế giới đang điều tra về các trường hợp này.
PV

Có thể bạn quan tâm