Dịch COVID-19: Phát hiện mới về tế bào miễn dịch ở những người đã khỏi bệnh

Dịch COVID-19: Phát hiện mới về tế bào miễn dịch ở những người đã khỏi bệnh

Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nature số ra ngày 24/5, trong cơ thể những người từng mắc COVID-19 thể nhẹ sau vài tháng khỏi bệnh vẫn còn các tế bào miễn dịch tiếp tục sản sinh kháng thể chống virus SARS-CoV-2 và có thể tồn tại suốt đời.

Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ) thực hiện, trong đó theo dõi nồng độ kháng thể trong các mẫu máu của 77 người từng nhiễm virus SARS-CoV-2, được thu thập trong vòng 3 tháng kể từ một tháng sau khi những người này được xác định nhiễm bệnh. Hầu hết những người tham gia đều đã từng mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ và chỉ có 6 người phải nhập viện. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn lấy mẫy tủy xương của 18 trong 77 người nói trên trong khoảng bảy hoặc tám tháng sau khi họ mắc COVID-19. Bốn tháng sau đó, 5 người trong số này tiếp tục cung cấp mẫu tủy xương thứ hai để phục vụ nghiên cứu. Để so sánh, nhóm nhà khoa học cũng đã thu thập các mẫu tủy xương của 11 người chưa từng mắc COVID-19.

Kết quả phân tích cho thấy nồng độ kháng thể trong máu của các trường hợp mắc COVID-19 nói trên đã giảm nhanh chóng trong một vài tháng đầu tiên sau khi họ mắc bệnh, nhưng sau đó hầu như chững lại, và thậm chí cón phát hiện được một số kháng thể ở những người đã nhiễm SARS-CoV-2 từ 11 tháng trước đó. Đáng chú ý, có 15/19 mẫu tủy xương của những người từng mắc COVID-19 nói trên có chứa các tế bào sản sinh kháng thể chống virus SARS-CoV-2, và vẫn có thể tìm thấy các tế bào như vậy khoảng 4 tháng sau ở 5 người trở lại cung cấp mẫu tủy xương thứ hai. Trái lại, không có bất kỳ ai trong số 11 người chưa từng mắc COVID-19 có các tế bào sản sinh kháng thể chống virus SARS-CoV-2 trong tủy xương của họ.

Hiện nhóm nhà khoa học Đại học Y Washington ở St. Louis đang tiếp tục nghiên cứu xem liệu việc tiêm phòng có tạo ra các tế bào sản sinh kháng thể tồn tại lâu dài hay không.

Minh Tâm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm