Dịch COVID-19: Ngày 28/1/2022, cả nước có 14.929 ca mắc mới; ngày 29/1 sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022

Dịch COVID-19: Ngày 28/1/2022, cả nước có 14.929 ca mắc mới; ngày 29/1 sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022

Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 27/1 đến 16 giờ ngày 28/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.929 ca mắc mới, trong đó 37 ca nhập cảnh và 14.892 ca ghi nhận trong nước (giảm 780 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.422 ca trong cộng đồng).

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Thành phố Hồ Chí Minh (92 ca), Quảng Nam (27 ca), Hà Nội (14 ca), Khánh Hòa (11 ca), Đà Nẵng (8 ca), Kiên Giang (4 ca), Quảng Ninh, Thanh Hóa (mỗi địa phương 2 ca), Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng (mỗi địa phương 1 ca).

Dịch COVID-19: Ngày 28/1/2022, cả nước có 14.929 ca mắc mới; ngày 29/1 sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022 ảnh 1Xét nghiệm nhanh COVID-19 cho hành khách trước khi lên xe tại một bến xe trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 4.633 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.950.244 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.147 ca.

Ngày 28/1 nước ta ghi nhận 141 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 141 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.432 ca, chiếm 1,7% so với tổng số ca mắc.

* Ngày 29/1 sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022

Dịch COVID-19: Ngày 28/1/2022, cả nước có 14.929 ca mắc mới; ngày 29/1 sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022 ảnh 2Người dân tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022 cho thấy, trong tháng 1/2022, tình hình phòng, chống dịch COVID-19 có nhiều chuyển biến tích cực: Số ca mắc và tử vong có xu hướng giảm, trong bối cảnh nước ta đang hoàn tất tiêm chủng vaccine mũi 2 của liều cơ bản và đẩy mạnh mũi tiêm nhắc lại (mũi 3) cho toàn bộ người từ 12 tuổi trở lên. Nhờ đó, các hoạt động kinh tế - xã hội dần được phục hồi, các trung tâm, thành phố lớn đã và đang tổ chức lại các hoạt động như du lịch nội địa, du lịch quốc tế, cho trẻ em, học sinh đến trường trở lại.

Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai "thần tốc, thần tốc hơn nữa" thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine nhanh chóng, an toàn, khoa học, hiệu quả, đẩy nhanh tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường; có phương án an toàn, hiệu quả mở cửa trường học trở lại; hoàn thành các mục tiêu được giao, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, từ ngày 29/1/2022 đến hết ngày 28/2/2022, sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ và người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm. Theo kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân của Bộ Y tế, chiến dịch được triển khai trên quy mô toàn quốc tại tất cả các xã, phường, thị trấn.

Từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Đến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là gần 100%, 2 mũi là 95%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 92%, 2 mũi là 76%. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt.

Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục đã công bố số liệu đánh giá về mức độ ảnh hưởng tâm lý do dịch COVID-19 và học online, dựa trên kết quả nghiên cứu hơn 20.000 học sinh trên toàn quốc khi các em trải qua 6 tháng học trực tuyến.

Theo đó, có 65,1% học sinh có biểu hiện stress theo nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ, trung bình, đến nặng và rất nặng. Trong số này, có 32,9% học sinh ở tình trạng stress nặng và rất nặng; 41,8% học sinh có biểu hiện rối loạn lo âu ở các mức độ khác nhau, trong đó có 14,3% ở mức nặng và rất rặng; 34,4% học sinh có biểu hiện rối loạn trầm cảm ở các mức độ khác nhau, trong đó có 8,3% ở mức nặng và rất rặng.

Tiến sĩ Hoàng Trung Học cho rằng, một trong những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trên là hoc sinh cần sớm được đến trường. Trẻ chỉ bình thường khi được điều hòa hoạt động. Tuy nhiên, nhà trường nên dành tuần đầu tiên để giúp trẻ thích ứng; đồng thời, tập trung hỗ trợ các vấn đề cảm xúc, hành vi của trẻ trong giai đoạn đầu.

*Phòng, chống dịch COVID-19 lây lan trong dịp Tết

Ngày 28/1, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã kí công điện số 351/CĐ-BVHTTDL gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo tổ chức triển khai một số nhiệm vụ nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đối với hoạt động lễ hội truyền thống: Các địa phương không tổ chức các hoạt động hội, chỉ tổ chức phần nghi lễ. UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động lễ hội trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương hướng dẫn các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán. Các địa phương cũng cần tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm; yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết, trong ngày 28/1, ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất từ trước tới nay với 518 ca. Chính quyền, cơ quan chức năng địa phương đang tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch lây lan trong cộng đồng dịp Tết Nguyên đán.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, ước tính số lượng người Nam Định ở các tỉnh, thành phố về quê đón Tết sẽ tăng cao, ngày 28/1, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã có công văn yêu cầu, các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt những giải pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà phải bám sát tình hình, có giải pháp, phương án, kịch bản phù hợp, chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh.

Sở Y tế tỉnh phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2022 theo tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa", phấn đấu hoàn thành tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022; đảm bảo không bỏ sót người đủ điều kiện mà không được tiêm.

Ngày 28/1, Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã ban hành văn bản số 222/SYT-NVY hướng dẫn quản lý, cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Theo đó, Thái Bình thực hiện sàng lọc, điều trị tại nhà đối với F0 được phân loại nguy cơ “thấp” như: Tuổi từ 3 tháng đến 49 tuổi; chưa phát hiện bệnh lý nền; đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản phòng COVID-19; sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường... Chuyển tầng điều trị đối với F0 được phân loại nguy cơ “trung bình, cao, rất cao” lên các cơ sở điều trị tầng 1, tầng 2, tầng 3.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm