Dịch COVID-19: Học sinh vùng cao Lào Cai vượt khó, đảm bảo việc học

Dịch COVID-19: Học sinh vùng cao Lào Cai vượt khó, đảm bảo việc học
Học tập không khoảng cách

Với phương châm “Tạm ngừng đến trường nhưng không dừng việc học”, từ đầu tháng 3/2020, các trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đồng loạt thực hiện kế hoạch dạy và học bằng hình thức trên truyền hình, qua internet đối với tất cả các khối lớp. Hình thức dạy trực tuyến được thực hiện qua một số phần mềm như: VNPT Elearning, VioEdu, Zoom...

Những ngày này, chị Vũ Thanh Loan, phụ huynh học sinh lớp 2C, Trường Tiểu học Nam Cường, thành phố Lào Cai, đã sắp xếp lại công việc để cùng con học bài buổi tối. Nếu như trước kia, việc học tại nhà của con gái chị Loan là làm phiếu bài tập do cô giáo phát về, bố mẹ chỉ cần hướng dẫn những bài khó, thì nay vợ chồng chị phải sắp xếp mọi việc để ngồi học trực tuyến cùng con. Chị Vũ Thanh Loan chia sẻ: Trong quá trình học trực tuyến tại nhà, tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất cho con học tập và nhắc nhở con học theo đúng lịch học của nhà trường, nâng cấp máy tính, nhắc nhở con làm bài tập... Tôi thấy dạy học trực tuyến là giải pháp tối ưu trong thời gian các con nghỉ chống dịch. Việc học trực tuyến giúp con tôi củng cố kiến thức đã học, tiếp thu bài mới có hệ thống, tự tin hơn về công nghệ thông tin, chủ động chia sẻ với các bạn... và nâng cao khả năng tự học của bản thân mình hơn.

Để việc học trực tuyến không mang tính hình thức và có chất lượng, đảm bảo học sinh tham gia đầy đủ, các trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tổ chức họp phụ huynh trực tuyến nhằm thông báo chương trình, kế hoạch học tập, đồng thời xây dựng quy định lớp học trực tuyến… Không chỉ nhận được phản hồi tích cực, sự đồng thuận từ giáo viên, phụ huynh và các em học sinh, phương pháp này đang dần phát huy hiệu quả, trở thành kênh thông tin kết nối thường xuyên giữa thầy - trò và phụ huynh học sinh trong thời gian học sinh không thể đến trường học do dịch COVID-19. Thậm chí đối với nhiều phụ huynh, cách học này có ưu điểm là giúp họ theo dõi việc học của con tốt hơn, bằng cách tham gia trực tiếp vào lớp học cùng con hoặc quan sát bài giảng của các thầy cô giáo, thái độ học tập của con bằng những phần mềm ghi chép lại toàn bộ quá trình học trực tuyến của con. Học sinh cũng có thể xem lại bài giảng của thầy cô thông qua các phần mềm đó.

Tỉnh Lào Cai đang tích cực triển khai các nội dung theo cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và Truyền thông với ngành Giáo dục và Đào tạo trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, VNPT Lào Cai cung cấp tài khoản miễn phí, mở rộng hệ thống truyền hình hội nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo để kết nối đến Phòng Giáo dục và các trường học trên địa bàn phục vụ công tác đào tạo, tập huấn; tập huấn miễn phí khai thác hệ thống và miễn 100% chi phí sử dụng hệ thống học tập trực tuyến VNPT Elearning trong năm học 2019-2020 cho các trường học ở Lào Cai.

Đa dạng hóa hình thức dạy học phù hợp điều kiện thực tế

Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Dịch COVID-19 là khó khăn chung của toàn xã hội, đồng thời cũng là thử thách rất lớn đối với ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng cao Lào Cai. Từng trường học ở Lào Cai đang nỗ lực đa dạng hóa các hình thức, phương pháp để phòng, chống dịch bệnh và triển khai dạy học một cách hiệu quả nhất, sáng tạo nhất và phù hợp nhất với điều kiện của địa phương mình.

Nếu như ở vùng thấp và các địa bàn thành phố, thị trấn, việc học trực tuyến phát huy hiệu quả nhất định thì tại địa bàn vùng sâu, vùng xa của Lào Cai, phương pháp dạy học này gặp không ít khó khăn. Không có máy tính, chẳng có thiết bị di động thông minh, thậm chí có nơi không có cả điện lưới và sóng 3G, hàng nghìn học trò nghèo vùng cao Lào Cai đang phải vượt khó giữa đại dịch COVID-19 để ôn luyện kiến thức qua những bài học giao tận nhà được gửi đi từ chính thầy cô của mình.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát có 100% học sinh là người dân tộc Dao. Cô Vũ Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng của trường cho biết, hiện chỉ có hơn 32% học sinh của trường có điều kiện tham gia học trực tuyến. Các học sinh còn lại đều học tập và làm bài tập dựa vào các tài liệu được giáo viên gửi thông qua lực lượng đoàn viên, thanh niên xã có mặt ở hầu khắp thôn, hoặc các trưởng thôn...

"Hiệu quả thực sự không thể bằng được khi các em học tập trên lớp, thời gian nghỉ dài nên cũng có những phần kiến thức các em đã quên. Cơ bản chúng tôi tập trung củng cố, ôn tập lại kiến thức để khi trở lại học chính thức các em không bỡ ngỡ”, cô Vũ Thị Hoa chia sẻ.

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Trung học cơ sở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, phân công nhau soạn đề ôn luyện, phát gửi trực tiếp cho học sinh làm tại nhà. Em nào nhà gần thì gửi trực tiếp, nhà xa quá thì nhờ qua trưởng thôn, cán bộ xã. Cứ thế, các bài học được gửi đến tận nhà các em vì hầu hết học sinh của trường không đủ điều kiện tiếp cận với internet và các thiết bị máy tính thông minh tại gia đình.

Ông Nhâm Tiến Đức, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Si Ma Cai chia sẻ: Việc đảm bảo chất lượng học tập như bình thường trong mùa dịch đối với các trường ở vùng cao quả thực là rất nan giải, nhiều lắm chỉ 20–30% học sinh có thể học trực tuyến. Hơn nữa, hiện vào mùa làm nương rẫy nên một số học sinh còn tranh thủ đi làm phụ giúp gia đình, chưa dành nhiều thời gian cho việc học. Một số giáo viên còn hạn chế về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, chưa sử dụng thành thạo các phần mềm dẫn đến việc thực hiện bài giảng còn gặp khó khăn, cần hỗ trợ từ đồng nghiệp. Giải pháp giao bài tận nhà cho học sinh ôn luyện có thể coi là tối ưu, thầy cô giáo có thể phần nào đánh giá được chất lượng tự học, dù rằng mất nhiều công sức. Tuy vậy, hiện nay việc duy trì giải pháp này cũng gặp một số vướng mắc với việc thực hiện cách ly xã hội...

Với nỗ lực góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh tới việc học tập của học sinh vùng cao, hiện nay ngoài internet, tỉnh Lào Cai còn triển khai việc dạy học qua truyền hình tiếp sóng từ Đài Truyền hình Trung ương. Một số huyện, thành, thị còn tự thiết kế bài giảng phát trên kênh truyền hình địa phương và tận dụng phát bài giảng qua cả hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Hiện, tất cả học sinh lớp 9, lớp 12 tại địa phương được học qua Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lào Cai.
Hương Thu

Có thể bạn quan tâm